Hiểm họa khôn lường đến từ ngành công nghiệp streaming

PHỤNG HIẾU , 16:21 19/01/2022 | Esport

Chia sẻ

Streaming trên các nền tảng MXH giúp một bộ phận giới trẻ hái ra tiền. Tuy nhiên ẩn chứa trong ngành công nghiệp mới mẻ ấy là nhiều vấn đề chưa có lời giải.

Nội dung streamer truyền tải không phù hợp với độ tuổi viewer

Stream là một hình thức giải trí nên phần lớn các content creator thành công thường đi theo hướng sản xuất nội dung hài hước. Fan yêu mến Thầy Giáo Ba vì anh luôn đem lại tiếng cười trong mỗi lần lên sóng, hàng trăm ngàn người hàng ngày chờ đợi Độ Mixi “online” để cùng nhau đắm mình vào những cuộc phiêu lưu không hồi kết trong thế giới game.

Thế nhưng dù Thầy Giáo Ba hay Độ Mixi có gắn mác “16+” trên kênh thì họ cũng chẳng thể ngăn cản nổi những người xem dưới tuổi cho phép vào xem.

Hiểm họa khôn lường đến từ ngành công nghiệp streaming - Ảnh 1.

Nội dung trên kênh của Độ Mixi không phù hợp cho trẻ em

Trong thời buổi công nghệ phát triển, trẻ em được tiếp xúc với điện thoại thông minh và các nền tảng livestream, MXH từ sớm. Theo khảo sát của Hootsuite, 80% cha mẹ ở Mỹ thừa nhận rằng con của họ (dưới 11 tuổi) thường xuyên xem video và livestream trên Youtube. Câu chuyện tương tự cũng diễn ra tại Việt Nam. Như Youtube, các nền tảng livestream như NimoTV, Booyah hầu hết chỉ kiểm soát người xem bằng tài khoản của họ. Cách xử lý này vô dụng nếu trẻ em sử dụng email của phụ huynh để đăng nhập.

Thực ra các streamers đâu có lỗi. Nội dung họ tạo ra đã được gắn mác chỉ phù hợp cho một bộ phận người xem rồi. Bài toán cần giải là làm cách nào để ngăn cản viewer xem nội dung không phù hợp.

Phần lớn trẻ em đều chưa nhận thức được một cách rõ ràng đâu là đúng, đâu là sai. Chúng sẽ học theo một cách vô thức những nội dung trending mà không lường trước được hiệu quả. Năm 2020, hiện tượng Khá Bảnh trên Facebook chính là một ví dụ điển hình. Nhiều trẻ em đã coi Khá Bảnh là “idol”, mơ ước có một cuộc sống phóng khoáng như thần tượng. Điều này đã dẫn đến hiểm hoạ lệch chuẩn, ảnh hưởng tiêu cực tới mầm non đất nước.

Cyberbullying

Cyberbullying là hành vi bắt nạt thông qua các thiết bị điện tử. Nếu xâu chuỗi những đặc điểm của nạn nhân bị Cyberbullying, các streamers rõ ràng là đối tượng nên được quan tâm hàng đầu.

Bản chất của việc livestream là sáng tạo nội dung và tương tác với người xem. Và bấy nhiêu người xem trực tiếp thì streamer có thể phải tiếp thu từng ấy ý kiến về những gì mình đang làm, bao gồm cả việc khen chê. Cyberbullying bắt nguồn từ chính những ý kiến trái chiều như vậy. Streamers sẽ luôn bị đặt vào tình thế phải đối đầu với phản ứng tiêu cực từ cộng đồng. Nếu tâm lý không vững, họ có thể bị tác động về mặt tinh thần, cảm xúc, thậm chí là thể chất.

Streamers tên tuổi chẳng lạ với Cyberbullying. Nhưng những bạn trẻ mới vào nghề thì lại khác.

Năm 2021, một streamer nữ ở Việt Nam đã phải nhập viện điều trị tích cực sau khi dân mạng lan truyền đoạn video nhạy cảm của cô với một nam streamer khác. Được biết, cô nàng đã nghĩ đến việc tự kết liễu cuộc sống. Tuy nhiên sau cùng, cô đã lựa chọn đối mặt trực tiếp với dư luận và tiếp tục livestream.

Hiểm họa khôn lường đến từ ngành công nghiệp streaming - Ảnh 2.

Nạn nhân chính của Cyberbullying là những streamers

Nạn rửa tiền thông qua Donation

Khoản tiền Donation là một phần quan trọng trong tổng thu nhập của các streamers. Số tiền này sẽ được chia cho MXH nền tảng tuỳ thuộc vào hợp đồng ký kết đôi bên. Tiền vào túi thì streamer tự quyết.

Tuy nhiên trên thực tế, các nền tảng streaming lớn hiện tại đang tồn tại rất nhiều lỗ hổng liên quan đến tiền Donation. 

Nhiều tổ chức xấu đã và đang tận dụng những lỗ hổng ấy để trục lợi bằng cách rửa tiền.

Hiểm họa khôn lường đến từ ngành công nghiệp streaming - Ảnh 3.

Đầu năm 2022, cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt 40 đối tượng trong đường dây rửa tiền thông qua Twitch. Nhóm đối tượng này đã dùng “tiền bẩn” trong các thẻ tín dụng bị đánh cắp để thông đồng với streamers mới nổi, mua “Bit” (1 dạng token) ủng hộ và ăn chia theo tỉ lệ %. Chỉ bằng hình thức đơn giản như vậy, chúng đã thu lợi bất chính hàng triệu USD trước khi sa lưới.

Ở Việt Nam vẫn chưa có phi vụ tương tự nào xảy ra. Tuy nhiên chúng ta cần có những chế tài kiểm soát, quản lý cụ thể để chuẩn bị cho tương lai, trong bối cảnh phương thức phạm tội của tội phạm công nghệ đang ngày một tinh vi.

https://sport5.vn/hiem-hoa-khon-luong-den-tu-nganh-cong-nghiep-streaming-2022011914321614.htm