HLV Park Hang-seo: Dụng binh ảo và mục tiêu thật

QUỐC BẢO , 06:45 17/08/2018 | Bóng đá Việt Nam

Chia sẻ

Hai trận thắng giống như hai buổi tập, Olympic Việt Nam nhẹ nhàng qua vòng bảng mà hầu như chưa phải "lộ sáng" quá nhiều. Ông Park đang chơi một thứ hoả mù trên đường vòng, nhưng đích đến thật sự vẫn là thắng Nhật và nhất bảng – điều ông từng tuyên bố trước thềm Asiad 18.

HLV Park Hang-seo: Dụng binh ảo và mục tiêu thật - Ảnh 1.

HLV Park Hang-seo vẫn đang thể hiện tốt tài điều binh khiển tướng cho đến thời điểm hiện tại của ASIAD 2018. Ảnh: Tiến Tuấn

Nếu không phải là ngài Park, với một đội bóng nòng cốt đã làm nên địa chấn tại Thường Châu, có lẽ mục tiêu thắng Nhật Bản vẫn chỉ là một ý tưởng viển vông. Nhưng lúc này, thứ tự xếp hạng và các chỉ số cho thấy Olympic Việt Nam đã so kè với ông kẹ của bảng ở vị thế hoàn toàn sòng phẳng.

Dĩ nhiên, Nhật Bản ở đẳng cấp khác hẳn Pakistan và Nepal, lấy thêm 3 điểm nữa từ tay họ là vô cùng khó. Tuy vậy, điều quan trọng, đây là lần hiếm hoi, nếu không muốn nói là lần đầu tiên, có một đội bóng Việt Nam "đào thoát" được khỏi tư tưởng cầu hòa Nhật Bản.

Tất cả đều đang ủng hộ những toan tính của "ngài ngủ gật". Ông sớm hoàn thành nhiệm vụ đưa đội qua vòng bảng mà vẫn đảm bảo được ý đồ "hư hư thực thực". Olympic Việt Nam không hẳn đã giấu bài, nhưng bằng cách "xáo bài", ông Park cũng khiến các đối thủ khó khăn hơn trong việc nắm bắt chúng ta.

Điều thuận lợi nhất của nhà cầm quân xứ Hàn là ông có trong tay lực lượng đủ dày và đồng đều để "vẽ" ra rất nhiều phương án. Olympic Việt Nam ghi được 5 bàn thắng vào lưới Pakistan và Nepal theo nhiều kịch bản khác nhau: đột phá trung lộ có, sút xa có, dứt điểm cận thành có, tạt cánh đánh đầu có, xuống đáy biên xẻ ngược ra cũng có…

Đến giờ, chưa ai dám chắc là ông Park đã sử dụng hết năng lực của hàng công. Anh Đức, Văn Quyết, Công Phượng, Văn Đức đã luân phiên vào trận, nhưng còn "núp gió" là Đức Chinh và đặc biệt, vua tốc độ Văn Toàn.

HLV Park Hang-seo: Dụng binh ảo và mục tiêu thật - Ảnh 2.

"Song Đức" đã tỏa sáng ở trận đấu với Olympic Nepal vừa qua. Ảnh: Tiến Tuấn

Càng không ai phán đoán được ông Park sẽ sắp xếp tuyến giữa gồm những cái tên nào. Xuân Trường, Quang Hải có thể là lựa chọn khi cần sáng tạo, nhưng Hùng Dũng, Đức Huy cũng đã được thử thách cho trường hợp phải kháng cự nhiều hơn. Olympic Nepal không phải không biết tấn công, nhưng HLV của họ than thở chẳng có bóng để ép Việt Nam, đó là vì cặp tiền vệ Hà Nội đã vận hành đủ an toàn.

Ở các hành lang, những cầu thủ tốt nhất đều đã được trao cơ hội. Xuân Mạnh, Văn Thanh, Văn Hậu đều chưa mở hết ga, và công suất của họ có thể sẽ nâng lên khi bước vào những trận chiến khốc liệt với Nhật Bản và xa hơn nữa…

Có một thứ cần ổn định, đó là các chốt phòng ngự. Thủ môn Tiến Dũng, 3 trung vệ Duy Mạnh, Đình Trọng, Tiến Dũng không hề chia sẻ vị trí với bất kỳ ai. Một hàng thủ đã định hình, vấn đề của nó chỉ là gia tăng sự tập trung, mức độ cảnh giác và tần suất hoạt động khi trước mắt là các đối thủ lớn hơn.

Nhiều khán giả băn khoăn vì sao Olympic Việt Nam không thể (và dường như cũng không quá nỗ lực) để có thêm 1 bàn thắng trước Nepal, nhờ đó vượt lên trên Nhật Bản ở chỉ số phụ. HLV Park Hang-seo giải thích rất khéo trong cuộc họp báo rằng ông không quan tâm đến Nhật Bản, chừng nào trận đấu với Nepal còn đang tiếp diễn.

Kỳ thực, chẳng có HLV nào không vun vén cho những lợi thế, dù là cực nhỏ. Bản thân ông Park cũng luôn coi Nhật là đối thủ hàng đầu, và có thể là duy nhất, ở bảng đấu của mình. Nhưng kinh nghiệm có lẽ đã giúp ông tránh đẩy các học trò vào tâm thế chủ hoà, bởi vươn đến chiến thắng trong mọi hoàn cảnh mới đưa đội bóng lớn dần lên.

Chúng ta đang có đủ điều kiện để lớn lên theo cách ấy, cũng là cách cựa mình thoát khỏi tấm áo đẹp nhưng bắt đầu chật chội – tấm áo chỉ dành cho "ngựa ô" ở Thường Châu.

Olympic Việt Nam 2-0 Olympic Nepal | Highlights bảng D ASIAD 2018

HLV Park Hang-seo: Dụng binh ảo và mục tiêu thật - Ảnh 4.

Lịch thi đấu vòng bảng ASIAD 2018 của đội tuyển Olympic Việt Nam