Vào một buổi sáng tháng 9, Đội tuyển Việt Nam tập luyện tại Muang Thong để chuẩn bị cho trận đấu với Thái Lan tại Vòng loại World Cup 2022. Đang lúc chỉ đạo, HLV Park Hang-seo đột nhiên thấy một người đan ông cao lớn mặc trang phục quân đội bước lại phía mình.
Đứng hình mất vài giây, rồi chiến lược gia người Hàn Quốc bỗng nhận ra đó chính là chiến hữu cũ Piyapong Pue-on. Ông ồ lên kinh ngạc, đập tay và ôm lấy Pue-on, sau đó hồ hởi giới thiệu với các trợ lý cùng học trò.
Hẳn đã rất lâu rồi HLV Park Hang-seo mới được tái ngộ Pue-on. Vào năm 1984, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, ông Park gia nhập CLB Lucky Goldstar (nay là FC Seoul). Cùng thời điểm, Lucky Goldstar cũng đón một tân binh khác đến từ Thái Lan, là Pue-on.
Đầu thập niên 1980, Pue-on nổi lên là một tài năng xuất chúng của bóng đá Thái Lan. Ở tuổi ngoài đôi mươi, Pue-on đã trở thành ngôi sao của CLB Không quân Hoàng gia Thái Lan cũng như ĐTQG. Và danh tiếng của ông sớm vượt ra bên ngoài biên giới Thái Lan, nhận được sự quan tâm của nhiều đội lớn ở châu Âu, bao gồm Anderlecht của Bỉ.
Bằng lý do nào đó, Pue-on lại đến Hàn Quốc để khoác áo CLB non trẻ Lucky Goldstar. Có thể vì cùng cảnh tân binh, thật dễ dàng để Pue-on và Park Hang-seo có được sự đồng cảm. Họ nhanh chóng trở thành đôi bạn thân và luôn ở chung phòng trong mỗi chuyến thi đấu trên sân khách.
"Điều tôi ấn tượng nhất về Park là ông ấy rất gọn gàng, ngăn nắp", Pue-on kể với báo chí Thái Lan, "Mỗi buổi sáng thức dậy, Park luôn gấp chăn vuông vắn đến mức giống như chưa ai từng ngủ ở đó. Hoặc khi bước vào phòng, ông ấy sẽ xếp giày ở vị trí hoàn hảo".
Trong thời gian cả hai chơi bóng cùng nhau, Lucky Goldstar, đội bóng mới được thành lập cuối tháng 12/1983 vụt trở thành thế lực không thể ngăn cản ở K League, sau đó giành ngôi vô địch năm 1985. Ở mùa giải vinh quang đó, trong khi Park xuất sắc ở hàng tiền vệ thì Pue-on vừa là cây ghi bàn số một của giải (17 bàn), vừa là chân chuyền số một (6 kiến tạo).
Quá trình chơi bóng của Pue-on ở Hàn Quốc không dài. Đến năm 1986, ông chia tay Lucky Goldstar để chuyển đến Malaysia. Park Hang-seo sau đó với tư cách đội trưởng đã đưa CLB đến chức Á quân K League 1986 và gắn bó thêm 2 năm nữa trước khi giã từ sân cỏ. Tuy nhiên, họ vẫn lưu giữ tình cảm tốt đẹp về nhau.
Vào thời điểm Việt Nam bổ nhiệm Park Hang-seo làm HLV, dư luận Thái Lan đã mỉa mai quyết định này. Trên diễn đàn Pantip, người Thái chế giễu biệt danh "Ngài ngủ gật" của Park Hang-seo, nói rằng cùng với "Nàng công chúa ngủ trong rừng", sợ rằng bóng đá Việt Nam sẽ "ngủ gật luôn".
Riêng Pue-on thì có góc nhìn khác. Ông tin rằng, nếu chấp nhận phương pháp của HLV Park Hang-seo, sẽ không ngạc nhiên khi bóng đá Việt Nam sẽ tiến rất xa.
Không mất nhiều thời gian để người Thái nhận ra sai lầm, và huyền thoại Pue-on đã đúng. Trong các bình luận mới nhất trên Pantip, một số nói rằng họ cảm thấy rất xấu hổ khi nhìn lại những bình luận trước, đồng thời mơ ước về một HLV như thế cho Thái Lan. Tờ TH Sport thì bình luận, "Park là HLV dữ dội, hiếu chiến và luôn biết cách hâm nóng các trận đấu".
Vấn đề là, họ thừa nhận, ông ta nói được và làm được. "Thật khó tin, nhưng thực tế là Thái Lan đã gặp Việt Nam không ít lần trong 2 năm qua. Kết quả là chúng ta không những không thắng, mà còn không thể ghi quá 1 bàn", TH Sport viết.
Vậy làm thế nào để U22 Thái Lan đánh bại Việt Nam với cách biệt 2 bàn, qua đó vào bán kết SEA Games 30? Liệu sau tuyên bố "sẽ loại Việt Nam", HLV Nishino Akira có nói được làm được?
Là một người Thái, dĩ nhiên huyền thoại Pue-on sẽ nói có. Nhưng trong trường hợp Thái Lan không thể giành chiến thắng và đội quân của người bạn HLV Park Hang-seo tiếp tục tiến bước, chắc chắn ông sẽ không ngạc nhiên.