HLV ngoại có thuận lợi khi ít chịu tác động bởi các mối liên hệ bên ngoài xã hội so với các HLV nội. Đây là một trong những lý do khiến Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) thường thuê HLV nước ngoài, bên cạnh vấn đề chuyên môn. Thực tế đội tuyển Việt Nam có một vài thời điểm do HLV nội dẫn dắt, như Phan Thanh Hùng hay Hoàng Văn Phúc, Nguyễn Hữu Thắng…nhưng họ đều không trụ được quá lâu.
Sức ép từ truyền thông, công chúng và cả cấp trên mỗi khi đội tuyển thất bại là vô cùng lớn. Không phải HLV nước ngoài giỏi chịu sức ép hơn, nhưng do các yếu tố văn hoá, ngôn ngữ, cộng đồng…phần nào đó giúp họ dễ vượt qua.
Có lẽ vì điều này, trên thế giới và cả Việt Nam, các HLV thường có vẻ…không thích cánh phóng viên. Cũng chẳng có gì lạ, vì truyền thông do công việc thường có xu hướng “soi” chuyên môn các HLV, hoặc tìm kiếm các câu chuyện nội bộ của đội tuyển. Ai tinh ý sẽ thấy ở Việt Nam, Lê Huỳnh Đức là người ít khi xuất hiện trên mặt báo, nếu có chỉ ở những sự kiện chính thức buộc phải trả lời. Dĩ nhiên, nhiều HLV khác vẫn có mối quan hệ thân tình với những phóng viên “ruột”.
Các HLV ngoại thì sao?
HLV Calisto có lẽ là người giao du với báo chí thoải mái nhất, một phần có lẽ do cá tính rất “bốc” kiểu Bồ Đào Nha, và lại lăn lộn nhiều năm ở Đồng Tâm Long An trước khi dẫn dắt đội tuyển Việt Nam. Ngoài giờ công việc, ông “Tô” sẵn sàng lên bar hoặc đi nhậu, ăn tối, thậm chí rủ cả…massage với những phóng viên quen biết hoặc bạn bè ở Việt Nam. Nhiều người còn đồn thổi dựa vào bộ râu kẽm của ông Calisto, rằng ắt ông cũng rất mạnh mẽ trong các đấng nam nhi.
Cố HLV Alfried Riedl lại có phong cách quý ông châu Âu khá mô phạm. Ông Riedl hết việc là dành thời gian cá nhân cho gia đình và bạn bè thân quen. Dù va chạm khá nhiều với báo chí Việt Nam (có lẽ do thời gian dài dẫn dắt ĐTQG), ông Riedl vẫn duy trì quan hệ mang tính ngoại giao với báo chí. Riedl có lúc chia sẻ, ông hiểu vai trò của báo chí với bóng đá nên ngoại trừ một số trường hợp cụ thể, ông không “anti” ai. Tuy nhiên để chơi thân với ai thì hiếm.
Người giỏi thuật ngoại giao và khéo kéo với báo chí nhất phải kể tới ông Park Hang-seo hiện nay. Trong các chuyến du đấu nước ngoài, ông Park luôn tạo ấn tượng ưu ái dành cho phóng viên nhà so với báo chí nước ngoài. Điều này giúp ông chiếm được thiện cảm của số đông. Có lẽ nhờ có những điểm tương đồng về văn hoá châu Á, ông Park cũng dễ làm việc với các quan chức VFF, phối hợp khá nhịp nhàng trong những công việc ngoài chuyên môn.
Cá tính ông Calisto rất bốc, đội tuyển Việt Nam dưới thời ông vì vậy cũng giàu sức chiến đấu. Nhà cầm quân người Bồ Đào Nha luôn thúc giục các cầu thủ phải chiến đấu. Trên sân tập, ông Calisto thường xuyên yêu cầu các cầu thủ phải “fighting-chiến đấu”. Chức vô địch AFF Cup 2008 là thành quả sức chiến đấu mạnh mẽ, bền bỉ của đội tuyển Việt Nam, dù trình độ thời điểm trên khá cách biệt so với Thái Lan.
Dù không thể hiện ra ngoài nhưng rõ ràng HLV Park Hang-seo hiện nay cũng là người không kém phần nóng và sốc. Hiếm có HLV ngoại nào lại… nhận nhiều thẻ đỏ như ông Park do những phản ứng ngoài đường piste. Ông cũng ít khi kiềm chế được nét nóng giận, thậm chí có xu hướng muốn bung ra. Năm 2019 khi chấp nhận để Văn Hậu qua Hà Lan ký hợp đồng với SC Heerenveen, trong suốt cuộc họp báo đột xuất tại Hàng Đẫy, HLV Park Hang-seo đã để cho nắm đấm tay gần như không nghỉ phút nào khi liên tục nâng lên, hạ xuống mỗi lúc phát biểu. Vì cá tính này mà khi không thích ai, ông Park không có xu hướng duy trì sự tương tác, dù chỉ mang tính chất ngoại giao và ngay cả với người có vai vế.
Ngoài những lúc trên thì HLV Park Hang-seo đều rất khéo léo trong giao thiệp với mọi người. Nếu so với các đời HLV ngoại, ông Park là người cực giỏi trong khả năng xây dựng hình ảnh với công chúng. Có lẽ nhờ vậy ông cũng không phải chịu quá nhiều sức ép khi đội tuyển Việt Nam chẳng may thi đấu không thành công, tạo cơ hội để “gỡ” lại ở những giải đấu khác. Về thành tích, HLV Park Hang-seo đang là người thành công nhất trong số các đời thầy ngoại của bóng đá Việt Nam.
Mỗi người một cá tính, có thể kể đến những cái tên trước đây như Colin Murphy, Tavares hay Dido…các HLV nước ngoài khi đến Việt Nam đều ít nhiều để lại dấu ấn, hoặc bài học có giá trị. HLV Letard (Pháp) khi chia tay để lại cho VFF bài học trị giá…200.000 USD nhưng có lẽ nhờ vậy kinh nghiệm làm việc của VFF với HLV nước ngoài cũng giàu thêm, tỉ lệ thuận với ví tiền bị vơi bớt đi.
Cùng với đó, mức độ chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam cũng ngày một nâng cao. Đội tuyển Việt Nam dưới thời ông Park đã phát triển cực thịnh, cả về chuyên môn cũng như hình ảnh, cách thức vận hành. Dĩ nhiên để đạt được điều đó, đội tuyển phải gặt hái được thành tích. Đội tuyển Việt Nam hiện nay ngoài HLV Park Hang-seo chịu trách nhiệm cao nhất về chuyên môn, hệ thống hỗ trợ xung quanh được tổ chức ngày một bài bản. Về lâu dài, điều này sẽ tạo hiệu ứng tích cực với các ĐTQG, ngay cả khi bóng đá Việt Nam chia tay nhà cầm quân Hàn Quốc.
Bạn nên quan tâm