Buổi họp lịch sử của UEFA chưa kết thúc nhưng LĐBĐ Na Uy đã đưa thông tin Euro 2020 chính thức bị hoãn lên MXH Twitter. Theo họ, giải đấu bóng đá hàng đầu châu Âu cấp độ ĐTQG sẽ diễn ra từ ngày 11/6 đến 11/7 năm 2021 vì diễn biến khó lường của Covid-19.
LĐBĐ Na Uy không nói đùa. Chính UEFA cũng xác nhận thông tin này không lâu sau đó trên trang chủ. Tuy nhiên vì màn “spoil” của LĐBĐ Na Uy mà cộng đồng fan hâm mộ quên mất một quyết định vô cùng quan trọng khác của UEFA về mùa giải 2019-2020.
“Mọi thứ sẽ phải kết thúc trước ngày 30/6”, hầu hết báo chí quốc tế chỉ ghi một dòng nhỏ như vậy vào cuối bài viết thuật lại thông tin từ LĐBĐ Na Uy. Cụ thể, không có chuyện các thành viên của UEFA đồng ý trao cúp luôn cho đội đứng đầu các giải VĐQG dựa theo số điểm hiện giờ. Cũng không có chuyện nỗ lực của các đội bóng đổ xuống sông xuống bể.
Tất cả các giải đấu, từ Ngoại hạng Anh cho đến VĐQG Bỉ, Thổ Nhĩ Kỳ, Phần Lan,... bằng một cách nào đó buộc phải đi đến hồi kết trước khi bước sang tháng 7.
Chúng ta đã việt vị. Vì quyết định lớn của UEFA lại nằm ở một dòng nhỏ trong bài viết thay vì tiêu đề. Họ muốn kết thúc mùa giải năm nay bằng mọi giá, sân chơi hàng đầu châu Âu cấp độ đội tuyển chỉ là một trong rất nhiều hi sinh để thực hiện mục tiêu này.
“Chúng tôi tin rằng hoãn Euro là cách duy nhất để các đội bóng và BTC giải đấu khắp châu Âu hoàn thành mùa giải của họ”, ông Aleksander Ceferin, Chủ tịch UEFA phát biểu.
Theo như ông Cerefin nói thì đẩy lùi Euro 2020, hóa ra không phải là chuyện khó khăn nhất mà UEFA đang phải đương đầu. Tìm cách để hoàn thành mùa giải năm nay mới vất vả như lên trời. Và dù có “dí tốt” Euro, vẫn còn quá nhiều vật cản trước mắt đang chờ đợi họ. Một trong số đó đương nhiên là Covid-19. Sắp tới dù muốn dù không, mọi buổi họp tiếp theo của UEFA cũng đều xoay quanh dịch bệnh gớm ghiếc này.
Ý, Pháp, Tây Ban Nha là những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19. Tình thế khẩn cấp đến mức chính quyền buộc phải ban bố lệnh “bế quan tỏa cảng”, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Mọi trung tâm y tế, bệnh viện quá tải vì số ca nhiễm mới không ngừng tăng. Người dân được khuyến cáo ở nhà, tích cực làm việc online, không ra đường nếu cần mua nhu yếu phẩm.
Hiện khắp châu Âu có quá nhiều bằng chứng cho thấy sự tàn phá khủng khiếp của virus SARS-CoV-2 với người trẻ, khỏe mạnh chứ không riêng gì già yếu. Lần lượt Daniele Rugani, Blaise Matuidi của CLB Juventus, các cầu thủ Valencia, Espanyol dính SARS-CoV-2. Một HLV năm nay mới 21 tuổi người Tây Ban Nha cũng vừa qua đời.
Theo WHO, trong tình huống xấu nhất, tất cả mọi người cần ở nhà trong ít nhất 12 tuần, đồng nghĩa với việc người dân chỉ có thể ra đường an toàn trở lại vào giai đoạn giữa tháng 6. Như vậy BTC và CLB chỉ còn nửa tháng để thực hiện kế hoạch do UEFA đề ra trong khi hầu hết các giải đấu đều còn khoảng 10 vòng nữa mới kết thúc, một điều không tưởng.
Bắt ép các cầu thủ ra sân thi đấu trong bối cảnh Covid-19 chưa có dấu hiệu thuyên giảm không thể là giải pháp. Cầu thủ giỏi đến mấy cũng là con người. Vì thế đương nhiên họ cũng phải tự bảo vệ bản thân. Do đó, thúc ép chỉ khiến tình hình trở nên tệ hơn.
Ví dụ nhãn tiền là Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước ở Nam Mỹ. Họ vẫn đang "chày cối" sao cho hết mùa giải, khiến rất nhiều cầu thủ bức xúc, vùng lên biểu tình. Các cầu thủ Gremio đầu tuần vừa rồi đeo khẩu trang ra sân để phản đối quyết định của LĐBĐ Brazil. John Obi Mikel, cựu cầu thủ Chelsea hôm qua vừa quyết định dứt áo rời bỏ Trabzonspor vì lý do tương tự.
"Mạng sống của con người quan trọng hơn bóng đá. Tôi cảm thấy không thoải mái khi ra sân thi đấu vào thời điểm hiện tại. Đúng ra lúc này, mọi người phải đang ở nhà bên cạnh những người mình yêu. Giải đấu buộc phải hoãn lại cho đến khi cơn bĩ cực trên toàn thế giới trôi qua", Mikel viết trên Instagram cá nhân.
Các giải đấu vô địch quốc gia trở lại như bình thường đã khó, Champions League và Europa League càng bất khả thi. Làm thế nào để xuất nhập cảnh trong tình cảnh hiện tại? Liệu UEFA có đủ sức đặt vấn đề với chính quyền, cho phép cầu thủ thoải mái di chuyển mà không bị cách ly? Đó là những câu hỏi khiến UEFA đau đầu vào thời điểm hiện tại.
Kể cả khi vượt qua vấn đề xuất, nhập cảnh, UEFA cũng khó lòng đạt được chỉ tiêu do chính mình đề ra vì các trận đấu tính từ vòng loại trực tiếp đều chia lượt đi và lượt về. Giải pháp có thể được cân nhắc là thắng thua sẽ được xác định sau 1 trận, trên một SVĐ trung lập vì dù sao các CĐV cũng không được phép đến sân theo dõi trực tiếp.
Nhưng như thế các đội bóng bị đánh giá thấp hơn gặp quá nhiều bất lợi so với các ông lớn. Bóng đá cũng không còn quá hấp dẫn nếu thiếu đi hình ảnh của những SVĐ đầy ắp khán giả.
Khó khăn chồng chất khó khăn. Suy cho cùng, buổi họp thượng đỉnh vừa qua chỉ để thống nhất tư tưởng. Để làm được, chính LĐBĐ các nước sẽ phải ngồi với nhau để tìm ra giải pháp. Đáng tiếc là dù cố gắng đến đâu, nỗ lực của họ có nguy cơ sẽ đổ xuống sông xuống bể bởi Covid-19 nếu tình hình không chuyển biến tốt lên.