Nếu gọi tên một cầu thủ có lối chơi hiện đại nhất của tuyển nữ Việt Nam, đó chỉ có thể là Huỳnh Như. Tiền đạo đội trưởng không có thể hình lý tưởng như Hải Yến, nhưng lại có đủ sự khôn ngoan, tỉnh táo cùng tư duy chơi bóng rất… châu Âu. Nói một cách khác, Huỳnh Như có đủ những tố chất để xứng đáng với chiếc băng đội trưởng mà cô vẫn mang trong mỗi lần vào sân thi đấu.
Ở trận bán kết SEA Games 31, nữ Myanmar đã chơi kín kẽ. Để triệt tiêu lối đá kĩ thuật của nữ Việt Nam, đối thủ sẵn sàng chơi "nhiệt", thậm chí đá rát khi có cơ hội. Cứ nhìn cái cách những Thùy Trang hay Tuyết Dung liên tục nằm sân, mới thấy cái "nhiệt" của nữ Myanmar lớn như thế nào.
Nhưng trong thế trận ấy, Huỳnh Như vẫn giữ được sự tỉnh táo cùng cái đầu lạnh. Cô vẫn cầm bóng, nhưng khôn ngoan trước tất cả những pha vào bóng từ phía đối thủ. Bởi thế, đốn ngã được Huỳnh Như dường như lại là một nhiệm vụ khó đối với các cô gái Myanmar.
Không chỉ tỉnh táo trong từng nhịp chạm bóng hay đưa ra những quyết định tăng tốc đột phá bất ngờ, Huỳnh Như còn cho thấy khả năng tận dụng cơ hội tốt như thế nào. Ở bàn thắng duy nhất của trận đấu, Huỳnh Như đã di chuyển cực nhanh khi thoáng thấy Tuyết Dung đặt trụ. Cô thoát ra khỏi sự đeo bám của hậu vệ Myanmar rồi chọn đúng khoảng trống Tuyết Dung thả quả bóng vào. Một cú lắc đầu cực nhanh và lưới của Myanmar rung lên.
Bản năng sát thủ đã hiện hữu trong pha dứt điểm không thể cản phá ấy. Nó tương tự như những pha lập công vào lưới Myanmar và Thái Lan ở VCK bóng đá nữ châu Á. Nữ Việt Nam đã lập kì tích lịch sử bằng việc giành vé tới VCK World Cup và những bàn thắng của Huỳnh Như được ví như "vàng 10".
Nhưng đó không phải là những giá trị tốt nhất mà Huỳnh Như mang lại cho tuyển nữ Việt Nam. Bởi bên cạnh 51 bàn thắng trong 59 trận khoác áo ĐTQG, người ta còn thấy những đóng góp cực quan trọng của Huỳnh Như trong lối chơi chung của cả đội.
Ban đầu, Huỳnh Như được sử dụng đá ở vị trí trung phong. Nhưng theo thời gian, HLV Mai Đức Chung nhận ra cô học trò cưng còn có thể làm được nhiều hơn ngoài bản năng ghi bàn. Ông kéo Huỳnh Như đá thấp xuống một chút, như vị trí của một "số 10" trong bóng đá hiện đại. Ở vị trí này, Huỳnh Như đóng vai trò tổ chức lối chơi, dẫn dắt hàng công với những mảng miếng đa dạng và khó lường. Khi cần, Huỳnh Như cũng sẵn sàng lùi sâu, hỗ trợ phòng ngự từ xa như một tiền vệ đánh chặn. Trong vai trò nào, Huỳnh Như cũng đều cho thấy sự xuất sắc của mình.
Nhìn Huỳnh Như chơi bóng dễ làm mọi người liên tưởng đến Harry Kane của CLB Tottenham. Ban đầu, tiền đạo người Anh thường đá trung phong. Nhưng với sự tiến hóa về chiến thuật cùng lối chơi toàn diện, Harry Kane không đơn thuần là một trung phong cắm nữa. Ở Tottenham lúc này, anh như một ông chủ. Sự cơ động cùng tư duy chơi bóng của Kane khiến cho những vệ tinh xoay quanh anh trở nên đột biến hơn rất nhiều. Điều này đã lý giải vì sao khi Son Heung-min trở thành một hiện tượng châu Á ở Ngoại hạng Anh khi được sát cánh cùng với Kane trên hàng công của Spurs.
Mọi sự so sánh đều là bất hợp lý, nhất là khi tồn tại một khoảng cách quá lớn giữa các nền bóng đá. Nhưng rõ ràng những Thu Trang, Tuyết Dung hay Bích Thùy đã chơi hay hơn hẳn khi có Huỳnh Như trên sân. Đó chính là sự khác biệt mà cô gái quê Trà Vinh mang đến cho tuyển nữ Việt Nam.
SEA Games 2019 trên đất Philippines, nữ Việt Nam gặp nữ Thái Lan trong trận chung kết ở sân Rizal Memorial. Đó là một trận đấu nghẹt thở, khi hai đội hòa trong 90 phút và phải đá thêm 2 hiệp phụ. Huỳnh Như chính là một trong những cầu thủ "nhiệt" nhất trong trận chiến ấy. Cô 3 lần bị chuột rút và không thể đá đến hết trận. Khi tiếng còi kết thúc 120 phút vang lên, Việt Nam thắng 1-0 và Huỳnh Như đã lao thẳng từ băng ghế huấn luyện vào sân ăn mừng. Tuy nhiên, khi chưa kịp ôm lấy các đồng đội, cô lại bị chuột rút. Một bác sĩ của đội sau đó phải cõng Huỳnh Như rời sân. Đến khi lên bục nhận huy chương, thủ quân của nữ Việt Nam phải đi tập tễnh với đôi chân trần.
Hình ảnh ấy đã được rất nhiều tờ báo đưa lên trang nhất. Bởi đó là biểu tượng của tinh thần chiến đấu, của sự bền bỉ đến từ một cô gái dẻo dai, can trường. Huỳnh Như khi ấy 29 tuổi, đã bước sang bên kia sườn dốc của sự nghiệp. Nhiều người dự đoán đó có thể là giải đấu đỉnh cao cuối cùng đối với cô.
Nhưng với Huỳnh Như, trong đầu cô chưa từng nghĩ đến hai chữ "giải nghệ". Từ bé, khi đam mê theo đuổi trái bóng tròn, cô gái người Trà Vinh chỉ luôn tâm niệm về sự cố gắng, nỗ lực và vượt khó.
"Huỳnh Như mê đá bóng từ nhỏ, mỗi lần đi chợ về là mẹ phải mua quả bóng về cho mới chịu. Ở chỗ tôi không có sân đá bóng, mà phải đá bóng ở trong chợ", ông Huỳnh Thanh Liêm, bố của Huỳnh Như nhớ lại.
Huỳnh Như đã từng nhiều lần đá với đội nam cùng xóm, chơi trên những sân bóng bê tông đầy rẫy những hố và ổ gà. Điều đó tôi luyện nên một Huỳnh Như rắn rỏi và can trường. Nó cũng giúp Huỳnh Như dám xa gia đình, vượt qua 3 tháng thử việc không lương ở CLB bóng đá nữ TPHCM trước khi chính thức trở thành một tài năng thực sự của bóng đá Việt Nam.
Tối 16/2/2022, tên của Huỳnh Như được xướng lên ở hạng mục Quả bóng vàng dành cho nữ. Đó đã là lần thứ 4 tiền đạo chủ lực của CLB TPHCM được vinh danh. Nó khắc thêm một mốc son trong sự nghiệp chói lọi của cô gái 31 tuổi. Ở cái tuổi mà nhiều đàn chị như Đoàn Thị Kim Chi, Trần Thị Kim Hồng, Văn Thị Thanh hay Minh Nguyệt đều quyết định giải nghệ, Huỳnh Như tiếp tục bền bỉ để cống hiến cho bóng đá Việt Nam.
Phía trước Huỳnh Như là trận chung kết SEA Games trước đối thủ Thái Lan. Xa hơn nữa là VCK World Cup 2023 trên đất Australia và New Zealand… Tất cả đều đang chờ những kì tích mới từ người nữ thủ quân can trường này.
Năm 2021, Huỳnh Như cùng Phạm Hải Yến và Tuyết Dung nhận được lời mời sang Châu Âu thi đấu cho CLB Lank của Bồ Đào Nha. Huỳnh Như là cái tên được săn đón nhất nhưng vào phút chót, Huỳnh Như đã quyết định ở lại.
Cô gạt cơ hội sang Châu Âu để tập trung hết sức vào mục tiêu lớn cùng tuyển nữ Việt Nam là giành vé dự World Cup và bảo vệ thành công tấm huy chương vàng ở SEA Games trên sân nhà.
Huỳnh Như
SN: 28-11-1991
Quê quán: Trà Vinh
CLB khoác áo: TPHCM (từ 2008)
Khoác áo ĐTQG: Từ năm 2011 (51 bàn trong 59 trận)