Trong buổi công bố danh sách vận động viên tranh tài tại Olympic Tokyo 2020 ngày 8/7, Bộ thanh niên và thể thao Indonesia đã công bố thay đổi lớn về mục tiêu tại Thế vận hội lần này. Ở các kỳ Olympic trước, thể thao Indonesia thường đặt mục tiêu 1-2 HCV, hoặc ít nhất là cầu lông phải có HCV.
Tuy nhiên, mục tiêu mới đặt ra là không quan trọng số HCV, mà đoàn thể thao Indonesia phải cải thiện được thứ bậc trên BXH toàn đoàn Olympic 2020. Điều này sẽ khuyến khích các môn thể thao khác thể hiện hết mình và giành được nhiều huy chương nhất có thể, chứ không chỉ riêng bộ môn cầu lông. Tại Rio 2016, đoàn thể thao Indonesia đã giành được 3 huy chương, gồm 1 vàng và 2 bạc, đứng thứ 46 bảng tổng sắp huy chương. Năm nay, thể thao Indonesia đặt mục tiêu tăng 6 bậc trên bảng tổng sắp.
Quyết định này của Bộ thanh niên và thể thao được Hội đồng Olympic Indonesia KOI đánh giá cao.
"Chúng ta phải thay đổi mô hình của thể thao Indonesia. Không còn là vấn đề bao nhiêu HCV nữa, mà sẽ là đoàn thể thao Indonesia sẽ đứng ở đâu", chủ tịch KOI Sapta Oktohari nói.
Mặc dù vậy, trong số 28 VĐV ở 8 bộ môn đến Tokyo, những hy vọng có huy chương của Indonesia hầu như vẫn chỉ nằm ở bộ môn cầu lông. Họ có những gương mặt hàng đàu như 2 tay vợt nam hạng 5 và 7 thế giới Anthony Ginting và Jonatan Christie, tay vợt nữ Gregoria Mariska Tunjung và các cặp đôi nam Marcus Gideon, Kevin Sukamuljo và đôi nữ Greysia Polii, Apriyani Rahayu. Ngoài ra, cử tạ cũng có thể đặt hy vọng vào Eko Yuli Irawan khi VĐV này đã có huy chương ở ba kỳ Olympic gần nhất.
Thể thao Malaysia vẫn đang trên con đường tìm kiếm tấm HCV Thế vận hội đầu tiên trong lịch sử. Ngày 19/7, bộ trưởng Bộ thanh niên và thể thao nước này - ông Reezal Merican đã công bố mục tiêu có 3 huy chương, trong đó phải có HCV cho đoàn thể thao Malaysia tại Olympic Tokyo 2020.
Các bộ môn mang đến hy vọng rõ ràng nhất cho thể thao Malaysia là cầu lông, nhảy cầu và xe đạp lòng chảo. Mục tiêu trên được đặt ra sau khi Bộ thanh niên và thể thao Malaysia đã tham khảo ý kiến của các bên liên quan và họ cho rằng, đây là biểu trưng cho sự gắn bó của chính phủ và các VĐV.
"Các VĐV đang có được quyết tâm cao và muốn mang tấm huy chương Olympic danh giá về cho đất nước. Họ không cần thêm áp lực đè nặng lên vai, nhưng chính họ cũng đã bày tỏ khát vọng to lớn ấy. Chúng tôi cũng không phủ nhận khao khát trở thành người đầu tiên mang về tấm HCV cho thể thao Malaysia của các VĐV", bộ trưởng Reezal Merican nói.
Các đầu báo Malaysia đã gọi đây là một bước đi "táo bạo nhưng có thể đạt được". Đoàn thể thao Malaysia lần này bao gồm 30 VĐV, cạnh tranh ở 10 bộ môn. Gương mặt tiêu biểu nhất là VĐV cầu lông Lee Zii Jia, người được hy vọng sẽ kế tục huyền thoại Lee Chong Wei. Hiện đang đứng hạng 8 đơn nam thế giới, anh vừa giành chiến thắng ở giải Anh mở rộng danh giá vào tháng 3 năm nay.
Mặc dù chưa đặt ra mục tiêu cụ thể, nhưng vào cuối năm 2020, chủ tịch Ủy ban thể thao Philippines William Ramirez đã nói rằng thể thao nước này hy vọng sẽ giành từ 1-2 HCV tại Olympic Tokyo 2020.
"Thời cơ đã chín muồi để chúng tôi giành lấy giành lấy tấm HCV đầu tiên trong lịch sử. Các VĐV đang vô cùng tập trung vào mục tiêu này", chủ tịch Ủy ban Olympic Philippines Abraham Tolentino phát biểu.
Đoàn thể thao Philippines sẽ đến Tokyo với 19 VĐV tham gia vào 11 bộ môn. Các VĐV có khả năng cạnh tranh HCV của đoàn bao gồm nữ VĐV cử tạ Hidilyn Diaz - người giành HCB tại Rio 2016, nhà vô địch thể dục dụng cụ thế giới Carlos Yulo và golfer nữ vừa vô địch US Open 2021 Yuka Saso. Ngoài ra, họ còn có thể trông đợi vào võ sĩ boxing Eumir Marcial - truyền nhân của Manny Pacquiao và VĐV trượt ván Margie Didal.
Sẽ không có mục tiêu cụ thể nào được đặt ra cho đoàn thể thao Singapore tại Olympic 2020. Cả trưởng đoàn thể thao Singapore Benedict Tan và Giám đốc Viện thể thao Singapore Toh Boon Yi đều nói rằng sẽ không có mục tiêu giành huy chương cho các VĐV. Kể cả nhà vô địch Rio 2016 Joseph Schooling - người mang về tấm HCV đầu tiên cho thể thao Singapore cũng sẽ không bị đặt áp lực bảo vệ thành tích đã đạt được.
"Việc giành vé đến Olympic 2020 ở 12 bộ môn đã là một bước nhảy vọt so với 5 năm trước. Đây là dấu hiệu cho thấy mô hình đào tạo ra các VĐV đỉnh cao trải rộng nhiều bộ môn của chúng tôi đang đi đúng hướng. Dĩ nhiên là sẽ rất tuyệt vời nếu các VĐV giành được huy chương, nhưng những gì mà thể thao Singapore đã đạt được cho đến lúc này, bất chấp dịch Covid-19 là một thành công lớn", ông Tan chia sẻ.
Đoàn thể thao Singapore tham dự Olympic năm nay với 23 VĐV ở 12 môn thi thể thao. Bên cạnh cái tên đình đám - VĐV bơi lội Joseph Schooling, thể thao Singapore còn có những gương mặt sáng giá khác như các VĐV bơi lội Quah Zheng Wen, Quah Ting Wen, VĐV bóng bàn từng giành HCB tại Bắc Kinh 2008 Feng Tianwei hay cặp đôi lướt ván buồm Kimberly Lim và Cecilia Low. Mặc dù không có mục tiêu huy chương cụ thể, nhưng với mỗi tấm HCV, các VĐV sẽ nhận 1 triệu đô la Singapore (khoảng 738.000 USD), đây cũng là mức thưởng Joseph Schooling đã nhận cho tấm HCV 100m bơi bướm tại Rio 2016.
Cục trưởng cục thể thao Thái Lan Kongsak Yodmanee thông báo mục tiêu cho đoàn thể thao Thái Lan tại Olympic Tokyo 2020 là giành từ 1-3 huy chương vàng ở 5 bộ môn. Năm bộ môn này chia làm 2 nhóm, nhóm 1 là taekwondo, boxing và nhóm 2 là các môn cơ hội cao, bao gồm: golf, bắn súng và cầu lông.
Mặc dù năm nay, cử tạ - bộ môn thế mạnh đã mang về 2 HCV tại Rio 2016, bị cấm thi đấu nhưng thể thao Thái Lan đang thể hiện tham vọng rất cao. Họ gửi đến Tokyo 42 VĐV, tranh tài ở 16 bộ môn và quyết tâm đứng thứ 7 trở lên trong các đoàn châu Á. Những cái tên được kỳ vọng sẽ tỏa sáng là VĐV teakwondo số 1 thế giới hạng cân 49kg nữ Panipak Wongpattanakit, song tấu cầu lông đôi nam nữ hàng đầu thế giới Dechapol Puavaranukroh, Sapsiree Taerattanachai và golfer nữ Paphangkorn Tavatanakit.
Bạn nên quan tâm