Cuối mùa giải 2019-2020: Sự thức tỉnh
"Danh vọng là thứ phù phiếm, bạn tôi à", Julius Randle mở đầu.
Khi ký hợp đồng với đội Knicks hai mùa trước, tôi đã rất kích động. Thực ra là còn hơn cả kích động vì đã luôn có những kẻ nghi ngờ tôi trong suốt sự nghiệp. Và chánh văn phòng của đội bóng đã phải khuyên tôi hãy rũ bỏ những kẻ này sang một bên đi. Họ nói: "Chúng tôi hiểu anh, chúng tôi tin anh và chúng tôi cần anh. Và đây là một bản hợp đồng lớn để làm minh chứng".
Niềm tin mà họ đặt ở tôi có ý nghĩa vượt lên trên tất cả.
Nhưng tôi cần phải chứng minh một điều gì đó. Tôi bây giờ đã có một vai trò hoàn toàn mới, và cả một hợp đồng mới phải tuân theo.
Khi mùa giải đầu tiên khởi tranh, tôi bước ra sân với những ý nghĩ như thế này trong đầu: "Họ trông chờ mình sẽ ghi 25-30 điểm mỗi trận. Đó chính là việc cần làm. Ra sân và hoàn thành nhiệm vụ thôi". Kiểu như thế. Tôi không phải là một cầu thủ ích kỷ, chưa bao giờ như vậy. Luôn luôn vì đội bóng. Nhưng tôi lại có suy nghĩ này trong đầu. Lần này, họ trả cho cho tôi nhiều tiền đến thế vì muốn tôi mang về thật nhiều điểm số.
Hóa ra là không phải như thế.
Có điều này tôi phải nói thật, tôi không hề biết được rằng mình sẽ phải làm gì khi được lựa chọn làm cầu thủ dẫn dắt cả một đội tại NBA. Bạn sẽ là đầu của một con mãng xà, đó không chỉ là một cách nói đâu. Nó có ý nghĩa nhiều hơn thế. Điều này đồng nghĩa với việc bạn sẽ nhận được sự chăm sóc đặc biệt của đối phương, một phương án phòng thủ dành riêng để khiến cho việc bạn ghi điểm còn khó hơn ăn kẹo.
Họ sẽ luôn gây áp lực lên bạn trong mọi tình huống bóng để khiến bạn phải chật vật thực hiện ý đồ của mình. Nếu bạn không triển khai trận đấu được như những gì đã định trước, kết cục sẽ không chỉ là một một ngày thi đấu tệ của riêng bạn, nhiều khả năng còn là một trận thua cho cả đội. Vai trò thủ lĩnh bao gồm cả những thứ vụn vặt như thế, và tôi còn không biết mình đã sẵn sàng cho vị trí đó chưa nữa.
Thêm một vấn đề khác, khi nhìn lại trong quá khứ, tôi nghĩ là mình đã quá chú tâm để chứng minh mình là cầu thủ số một mà quên đi mất những nhiệm vụ khác đối với đội bóng. Ví dụ với tư cách là một người dẫn dắt, trở thành bộ mặt của một tập thể, một cầu thủ gương mẫu để người khác noi theo. Một chỉ huy không chỉ có đẳng cấp cao mà còn phải nâng tầm những người xung quanh mình. Ngoài những điểm số, cả đội còn trông chờ vào sự dẫn dắt của tôi. Và tôi đã phụ lòng trong đội của mọi người.
Đó là một mùa giải bết bát, và các đồng đội cũng nản chí.
Và một sự thay đổi lớn đã đến trong tôi.
Kyden, cậu con trai 4 tuổi của tôi, người luôn quan sát mọi cử động của tôi trên sân bóng. Các bạn phải để ý mới thấy cách nó theo dõi tôi chăm chú ra sao, giống như một con diều hâu săn mồi vậy. Trong một ngày bình thường như mọi hôm, câu chuyện xảy ra khi chơi bóng cùng Kyden đã khiến tôi có sự thay đổi lớn trong mình.
Tôi và Kyden thường chơi 1-1 ở nhà, dưới sự chứng kiến của vợ tôi Kendra như một người trọng tài. Thằng bé bắt chước y hệt những gì tôi đã làm lúc thi đấu. Nếu ở trận đấu trước đó tôi ăn mừng bằng cách gồng cơ bắp sau một cú úp rổ. Thì ngay hôm sau, thằng bé sẽ tái hiện lại khoảnh khắc đó, như một bản sao mini vậy.
Cho đến một hôm, tôi nhớ là ở cuối mùa giải trước, chúng tôi trở về nhà chơi bóng, Kyden ghi bàn và tôi có một hành động vỗ yêu cậu bé. Chỉ là một chút tác động nhẹ thôi và các bạn biết không: Kyden quay lại nhìn vào Kendra với một cái nhìn, chính là cái nhìn đó.
Cái nhìn nào ư? Chính là cái nhìn ấy.
Thằng bé nhìn mẹ với gương mặt kiểu "Đùa nhau à?". Nó xòe hai bàn tay ra về phía mẹ nó như kiểu "Không lỗi sao? Đó rõ ràng là một lỗi mà".
Tôi và vợ cười nghiêng ngả, chúng tôi kiểu như "Chúa ơi, con nó học từ đâu ra thế? Điều này thật buồn cười".
Tôi bỗng chột dạ… "Trời đất, đó chính là mình mà. Gần đây mình luôn tiêu cực như thế trên sân". Một cách nghiêm túc, tôi nhận ra nếu tôi đã ảnh hưởng xấu đến Kyden thế, thì tôi đã ảnh hưởng các khán giả nhỏ tuổi đến mức như thế nào.
Chúa ơi, tôi ghét suy nghĩ đó.
Tôi biết rằng chỉ có một cơ hội duy nhất để tạo ấn tượng với một thành phố, và tôi thực sự thất vọng về bản thân vì cái cách mình kết thúc mùa giải đầu tiên tại New York. Tôi đúng là đã tự thổi bay một cơ hội, và điều này sẽ khiến danh tiếng, hình ảnh của tôi đi ngược lại với những gì mà bản thân muốn gây dựng. "Thật ích kỷ, không đáng làm thủ lĩnh, càng không phải một chiến tướng". Tôi nghe hết những điều đó và bạn biết không, tôi chả thể phản biện được điều gì.
Và tôi nhận ra rằng để đập bỏ hình ảnh thất bại đó, chỉ có một cách duy nhất: Bước ra sân mùa này và xây dựng lại một hình ảnh mới.
Bộ kĩ năng của tôi phải được hoàn thiện. Tôi lao đầu vào cải thiện phạm vi các cú ném để có thể bao quát toàn sân như các big man siêu sao. Tôi học cách kiến tạo cho đồng đội ghi bàn, rèn luyện sự linh hoạt để có thể đảm nhiệm nhiều vị trí hơn, tiền phong, kiến tạo, trung phong, vị trí nào cũng được.
Có thể nghe sẽ vô cùng buồn cười nhưng tôi tập luyện để trở thành con người mà tôi nghĩ bản thân mình đã đạt được. Trở thành phiên bản tốt nhất của bản thân tôi.
Nhưng tôi đã nhìn nhận ra, còn nhiều việc phải làm hơn là chỉ trở thành cá nhân xuất sắc nhất. Ngoài tôi, tập thể Knicks cũng phải trở nên xuất sắc nhất. Tôi bắt đầu nghĩ đến những gì các bậc tiền bối đã làm cho tôi, cách họ đã nâng đỡ giúp tôi tiến bộ, và điều mà tôi có thể làm để giúp các cầu thủ trẻ sẽ là những gì?
Việc đầu tiên tôi làm là giúp họ hiểu được tầm quan trọng của việc xem các đoạn băng ghi hình và biến điều đó thành thói quen. Tôi học điều đó từ Isaiah Thomas trong nửa mùa giải ngắn ngủi ở Lakers. Isaiah thực sự là một bậc thầy thông thái, một trong những người thông minh nhất mà tôi từng được chơi cùng. Anh ta dạy tôi về cách quan sát cách di chuyển của các đối thủ mỗi đêm trước trận đấu.
Đó không phải là thêm một nhiệm vụ hay thêm một lựa chọn, đó là một điều căn bản, là một phần trong hành trình của các cầu thủ vĩ đại.
Ngày 13/11/2015: Kobe Bryant đã thay đổi hoàn toàn nhận thức của tôi
Tôi đã phải nghỉ cả mùa giải tân binh vì chấn thương. Lợi ích từ việc đó là tôi đã tránh khỏi những "lần đầu tiên" tại NBA. Những giấc mơ thuở nhỏ đều phải tạm dừng lại một mùa, trong lúc đó tôi ngồi ở hàng ghế courtside và mặc trang phục thường ngày. Xa tận chân trời, gần ngay trước mặt, đó là một điều thực sự khó khăn.
Khi mùa giải tiếp theo bắt đầu cũng là lúc tôi vào phải lao vào công việc đã đình trệ mất một năm. Một trong những điều tôi đã mong mỏi nhất, như mọi cầu thủ ở giải đấu, đó là thi đấu ở thành phố quê nhà. "Ra đi khi còn là học sinh, và trở về với tư cách là cầu thủ NBA?". Một cảm giác cực kỳ tuyệt vời.
Tôi lớn lên ở Dallas, và ngày đấu với đội Mavericks đã được tôi khoanh tròn trên lịch. Tôi cực kỳ phấn khởi vì cảm giác chiến thắng, vì là đứa trẻ năm nào giờ đây đã trở thành cầu thủ chuyên nghiệp.
Cả đội bay đến Dallas sau trận đấu ngày thứ tư, và thứ sáu mới là ngày đối đầu với Mavericks. Nghĩa là chúng tôi có một ngày nghỉ xả hơi tại Dallas. Đương nhiên là mọi người sẽ ra ngoài đi chơi tối đó rồi. Tôi có hàng tá kế hoạch với gia đình và bạn bè. Bạn phải nhớ khi đó tôi mới 20 tuổi, và trong đầu tôi chỉ có bấy nhiêu đó thôi.
Máy bay đáp cánh, cả đội di chuyển về khách sạn. Wow, tôi sẽ không bao giờ quên khoảnh khắc này. Cả đội đang trên xe, và Kobe quay về hướng tôi, hỏi: "Julius, tối nay cậu định làm gì?".
Tôi trả lời: "Em định đi gặp gia đình, đi chơi với bạn bè. Xả hơi một hôm".
Kobe cắt lời tôi: "Không đâu, chúng ta sẽ đến phòng tập."
Đó chính là quyền lực của Kobe. Nếu một ai khác nói với tôi như vậy lúc đó, tôi sẽ liếc sang chỗ khác và tiếp tục với kế hoạch đi chơi của mình. Nhưng nếu Mamba thay đổi kế hoạch của bạn, bạn sẽ đến phòng tập tối nay cùng anh ấy chứ? Đừng hỏi gì hết. Cứ làm những gì anh ấy bảo.
Đương nhiên Kobe biết Dallas là quê của tôi. Đương nhiên là anh ấy biết. Nhưng không phải anh ấy đang đóng vai xấu hay gì đâu. Đúng hơn là, Kobe đang dùng tình huống lúc đó để cho tôi một bài học. Thật đơn giản: Để ở một tầm cao trong giải đấu này, không thể chỉ bỏ một chút thời gian để tập luyện. Mà là toàn bộ thời gian. Để đạt được thành tựu, bạn bắt buộc phải hi sinh.
Lúc đó là tháng 11 năm 2015, mùa giải cuối cùng của Kobe. Tất cả những gì anh ấy dạy bảo tôi buổi tối hôm đó đã trở thành thói quen của tôi sau này. Tôi lao đến phòng tập, tôi thực hiện các cú ném ngay khi cả đội đáp máy bay trước bất kì trận đấu sân khách nào.
Đoạn cuối của câu chuyện này còn điên rồ hơn. Mùa giải năm ngoái, khi cả đội bay đến Detroit trong trận sân khách. Máy bay vừa hạ cánh, tôi vớ lấy balo, như tôi nói tập luyện đã trở thành thói quen từ sau đêm ở Dallas.
Hai mùa ở cùng Kobe Bryant đã giúp Julius Randle có được sự chuyên nghiệp cần phải có của một cầu thủ tại NBA
"Xuống máy bay, đi thẳng tới phòng tập. Xuống máy bay, đi thẳng tới phòng tập. Xuống máy bay, đi thẳng tới phòng tập". Việc quan trọng phải nói ba lần. Mỗi thành phố sẽ có các phòng tập khác nhau, vì thế sẽ có một đội sắp xếp trước để tôi có thể đi thẳng đến phòng tập bất kể giờ giấc.
Trong chuyến đi đến Detroit lần này, tôi sẽ tập luyện ở sân bóng của một trường phổ thông. Tôi thích những phòng tập như thế này, đơn giản và cổ điển. Khi tôi đến nơi, người đón tôi là giám đốc thể thao của trường. Chúng tôi trao đổi một lát và ông ấy nói:" Rất vui khi được gặp cậu. Mọi người không thường xuyên đến tập muộn như thế này nữa. Thực tế mà nói, lần cuối một người đến đây tập trễ thế này cũng phải hàng năm rồi. Đó chính là Kobe".
"Trời", tôi kiểu, chỉ cần nghe thấy tên Kobe thôi là sống lưng tôi lại lạnh.
Kobe Bryant đã ra đi trong cùng tháng đó, và đó chỉ là một trong số những khoảnh khắc. Một trong số những khoảnh khắc mà bạn luôn lưu giữ, và cảm thấy mình thật may mắn khi được đứng giữa những sợi dây liên kết đó.
Tôi luôn ý thức rằng được sát cánh cùng Kobe Bryant trong hai mùa giải cuối cùng của anh ấy là một điều rất đỗi may mắn. Trước là hiểu biết, sau đó là sự thấu hiểu. Và năm nay là lần đầu tiên tôi thực sự hiểu vì sao Kobe định hướng cho các cầu thủ trẻ như tôi.
Chúng ta không chỉ có thể tỏa sáng, mà quan trọng hơn là còn có thể truyền đạt tri thức cho các cầu thủ khác. Tôi tin rằng đó chính là một phần lớn trong di sản mà Kobe đã để lại, đặt biệt là trong những năm cuối cùng của anh ấy.
Mùa giải 2020-2021: Sự lột xác của cả tập thể New York Knicks
Điều mà tôi yêu thích nhất trong mùa giải này với đội New York Knicks chính là một tập thể trẻ tuổi sẵn sàng quyết tâm đi lên như vậy. Một tập thể sẵn sàng lao đầu vào tập luyện, sẵn sàng hấp thụ tri thức như miếng bọt biển hấp thụ nước. Và nếu như năm trước chỉ có mình tôi đến phòng tập, thì năm nay toàn đội sẽ đi thẳng vào luyện tập ngay khi máy bay tiếp đất.
Thật buồn cười. Obi Toppin đặt cho tôi hàng trăm câu hỏi mỗi ngày đến mức nhiều lúc tôi chỉ muốn nói: "Để anh yên đi Obi". RJ Barette không ngừng luyện tập hăng say. Immanuel Quickley luôn là người cuối cùng rời phòng tập kể từ ngày đầu tiên ở trại tập luyện. Chúng tôi là một hội anh em đi cùng xe bus, từ máy bay đến thắng phòng gym, lao đầu vào luyện tập với một nguồn năng lượng bùng cháy.
Mùa giải này với New York Knicks hơn cả bất kì mùa giải nào mà tôi từng trải qua, chúng tôi có những mục tiêu cần phải đạt được. Đây chỉ mới là một trong số những thứ mà huấn luyện viên Tom Thibodeau mang lại được. Chúng tôi có những mục tiêu cá nhân và những mục tiêu cao hơn ở cấp độ tập thể. Có được một tư duy và nhận thức đúng đắn, không có lí do gì chúng tôi không thể đạt được kì tích.
Tôi có linh cảm tốt về mùa giải 2020/21, và cả thành tích cá nhân của tôi năm nay nữa. Có công mài sắt có ngày nên kim. Một tay ném, một người kiến tạo, một thủ lĩnh… gọi tôi bằng bất kì thứ gì bạn muốn. Giờ đây, tôi thực sự cảm kích khi nghe tên mình được nhắc đến trong các cuộc thảo luận về All-Star, vinh dự hơn cả là khi tôi được chọn vào đội hình thi đấu.
Thực lòng mà nói, mục tiêu làm tôi hài lòng nhất mùa giải này chính là vị trí của đội bóng trên bảng xếp hạng. Đừng hiểu lầm, đó vẫn chưa phải là vị trí cao nhất mà chúng tôi muốn đạt được. Đó chưa phải là thứ hạng mà chúng tôi tham vọng trong phần còn của mùa giải. Khi bạn sẵn sàng thay đổi, bạn đã sẵn sàng để bắt đầu. Và chúng tôi sẽ bắt đầu từ vị trí này.
Cả năm nay, tôi đã vẽ ra giấc mơ màu hồng này với đồng đội. Tôi vừa nói với Obi và các anh em hôm trước: "Các cậu có nhận ra không, nếu như chúng ta có thể thắng nhiều trận hơn? Nếu như chúng ta vào được Playoffs? Làm cho cả New York phải bùng nổ? Nếu khán giả được đến sân, chúng ta sẽ làm cho cả nhà thi đấu bùng nổ?". Bạn không biết đâu, không nơi nào có được người hâm mộ cuồng nhiệt như đội Knicks, miễn là chúng tôi hoàn thành được sứ mệnh.
Và đó là điều đặc biệt nhất năm nay. Tôi không chỉ hoàn thành trong việc gây dựng danh tiếng của bản thân, mà còn đóng góp tích cực trong việc gây dựng danh tiếng của cả đội bóng.
Quan trọng nhất, tôi viết những dòng này để bày tỏ sự cảm kích với bất cứ ai đã ủng hộ chúng tôi xuyên suốt khoảng thời gian khó khăn, qua những mùa giải chật vật. Chúng tôi đang làm nên chuyện ở Knicks, và tôi rất vui vì là một phần của quá trình đó.
Tôi thực sự biết ơn vì đã có cơ hội thứ hai để tái tạo sự nghiệp của mình.
Tôi cực kỳ tự hào khi là một cầu thủ Knicks.
Ảnh: GettyImages.
Bạn nên quan tâm