Ngay từ thời thơ ấu, Keith Liddell đã có niềm đam mê đặc biệt cùng quyền Anh. Ước mơ của cậu là được đại diện cho nước Mỹ tham dự Olympic. Vào năm 2012, mục tiêu ấy cuối cùng đã hoàn thành nhưng Liddell lại thay đổi suy nghĩ. Anh quyết định rẽ sang một hướng khác - trở thành người có cú đấm nhanh nhất lịch sử.
Tại Mỹ, quận Bronz ở thành phố New York vốn được mệnh danh là "ngôi nhà của những ông vua" bởi đây là nơi chứng kiến sự xuất hiện của "Raging Bull" Jake LaMotta rồi Sugar Ray Robinson và cả Mike Tyson nữa. Tuy nhiên, sự nổi tiếng của Bronx khiến nhiều người quên mất rằng, Chicago - địa điểm cách đó không xa - cũng là cái nôi của rất nhiều nhà vô địch thế giới, như Ernie Terrell, Jackie Fields, Eddie Perkins hay Johnny Colon.
Những cái tên trên với nhiều người chắc chắn sẽ lạ lẫm bởi khoảng thời gian họ "làm mưa làm gió" đã cách đây rất lâu, từ trước thập niên 70 của thế kỷ trước. Có lẽ cũng vì thế, Chicago ít được nhắc tới trên bản đồ boxing thời điểm hiện tại.
Nhưng điều này không có nghĩa phong trào boxing tại nơi đây mai một. Rất nhiều đứa trẻ tại đây vẫn ấp ủ niềm đam mê được đứng trên võ đài, cháy hết mình trong những tiếng hò reo của các khán giả. "Quyền Anh là cơ hội để chúng tôi đổi đời. Nếu muốn thoát khỏi cuộc sống khó khăn và tệ nạn, bạn phải làm gì. Câu trả lời là boxing", một cậu bé 15 tuổi trả lời trong bộ phim tài liệu "A Fighting Chance" phát sóng cách đây một thập kỷ.
Ở Chicago, phòng gym có mặt ở gần như khắp mọi nơi, có địa điểm còn mở cửa miễn phí. Thêm vào đó, suốt quãng thời gian dài, boxing cũng được phổ cập tại nhiều địa điểm ở phía Nam của thành phố để hỗ trợ các em nhỏ trong việc tự bảo vệ bản thân. Niềm đam mê boxing từ đó bùng cháy trong tâm trí của rất nhiều cậu nhóc. Keith Liddell là một trong số đó.
Chicago thì vốn được gọi là "Thành phố lộng gió" bởi luôn có gió mát vào thành phố từ hồ Michigan. Vào mỗi buổi sớm, Liddell cũng tỉnh dậy trong những làn gió mát ấy. Anh khỏi động một chút, có bữa sáng và lập tức xách găng đi tập boxing.
Với tư cách một tay đấm trẻ, mục tiêu của Liddell không gì khác ngoài việc nhanh chóng thăng hạng, có được suất dự Olympic trước khi chuyển lên thi đấu chuyên nghiệp. Nhiều tay đấm hàng đầu thế giới đi theo con đường đó và Liddell tự tin bản thân có thể làm được điều đó.
Ở cấp độ trẻ, Liddell là cái tên nổi bật tại bang Illinois. Cậu giành chiến thắng tại giải trẻ của bang và nổi bật với những cú đấm cực nhanh. Một số đoạn video của Liddell đã xuất hiện trên MXH và giúp cậu thêm phần nổi tiếng. Vòng tuyển chọn cho Olympic 2008 đã tới, Liddell lập tức tham gia. "Cậu ta chắc chắn sẽ tới Thế vận hội", nhiều chuyên gia đánh giá.
Tuy nhiên, người tình không bằng trời tính. Trước vòng đấu cuối cùng, Liddell bị phát hiện chứng thoát vị và buộc phải tiến hành phẫu thuật. Giấc mơ Olympic cũng tan biến từ đó.
Phải chờ thêm tận 4 năm chắc chắn là cú sốc với một tay đấm trẻ như Liddell. HLV Larry Tankson không muốn Liddell xuống tinh thần và gợi ý cậu chuyển sang một mục tiêu khác. Không thể đến Olympic nhưng vẫn có cách để vươn lên số 1 thế giới - trở thành tay đấm có tốc độ nhanh nhất.
"HLV của tôi thường nói rằng nếu tung được một cú đánh nhanh như gió, đối thủ sẽ không có bất kỳ cơ hội nào. Ban đầu, tôi nghĩ ông ấy nói vậy chỉ để an ủi tôi mà thôi. Tôi không mặn mà với mục tiêu đó cho lắm", Liddell hồi tưởng.
Dù vậy, cả hai vẫn tiến hành tìm hiểu và phát hiện ra người đang giữ kỷ lục về tốc độ ra đòn là John Ozuna, lập vào năm 2008 với tốc độ 43,3 dặm/giờ (khoảng 70 km/h). "Cậu có thể làm tốt hơn thế", ông Tankson nói với cậu học trò.
"HLV khích lệ và dành lời khen về tốc độ của tôi. Và thế là tôi bắt đầu", Liddell thuật lại. Cậu muốn phá kỷ lục, muốn đem lại danh tiếng cho làng boxing ở Chicago. "Thành phố lộng gió" sẽ được chứng kiến một võ sĩ "đấm nhanh như gió".
"Chicago sẽ là thành phố sở hữu tay đấm nhanh nhất thế giới", Liddell khẳng định.
Tất nhiên, Liddell cùng đội ngũ huấn luyện của mình phải xây dựng một giáo án riêng để luyện tốc độ ra đòn bằng tay. Mọi thứ cần sự phối hợp hiệu quả giữa nhiều bộ phận khác nhau. "Tôi có đội phân tích riêng. Họ làm việc rất vất vả và đưa ra cho tôi rất nhiều bài tập. Cú đấm tung ra không chỉ cần nhanh mà còn phải trúng mục tiêu".
Hành trình để trở thành tay đấm có cú đấm như gió bắt đầu với Liddell từ đó. Một trong các bài tập Liddell nhớ nhất là việc luyện đấm với chiếc bia được thiết kế giống tấm khiên. Dần dần, đòn tay của Liddell không chỉ nhanh hơn mà còn gây ra sức sát thương lớn hơn. Ngày nọ, HLV Tankson yêu cầu Liddell nghỉ sớm bởi không thể chịu nổi sức mạnh tới từ cậu học trò. Khi đó, Liddell biết đã đến lúc trình diễn.
Ngày tranh tài đã tới, từ khoảng cách 2m, Liddell lao tới tung một cú đấm trúng mục tiêu. Tốc độ đo được là 44 dặm/giờ. Kỷ lục Guiness đã được lập và nó mang tên Liddell.
Chạm tới kỷ lục, Liddell không muốn dừng lại bởi tin bản thân có thể làm hơn thế. Thay vì quay lại chuẩn bị cho vòng loại Olympic 2012, Liddell tìm cách gia tăng tốc độ của những cú đấm.
"Bạn phải di chuyển toàn bộ cơ thể một cách linh hoạt, tạo ra mô-men xoắn, về cơ bản dựa trên chuyển động quay tại một trục cố định. Nó sẽ giúp bạn đấm nhanh hơn", Liddell khẳng định. "Tốc độ giúp tôi lập được kỷ lục thế giới. Tôi không biết mọi người bị đấm bởi cú đấm đó sẽ như thế nào. Tôi cũng không hy vọng bị ai đánh một quả như thế".
Clip đấm bao cát của Keith Liddell
Năm 2013, Liddell phá kỷ lục của mình với con số 45 dặm/giờ (72 km/h). Cảm thấy con số này là đủ, Liddell tập trung vào việc giành vé tới Olympic 2016. Tuy nhiên, việc tập theo giáo án riêng suốt trong 6-7 năm khiến VĐV người Mỹ gặp khó khi trở lại. Thêm vào đó, Liddell cũng đã qua thời đỉnh cao. Liddell thất bại và chính thức từ bỏ giấc mơ Thế vận hội.
Liddell cũng không chọn lên chuyên sau đó. Anh giờ là một nhà toán học và dấn thân sang nghiệp viết lách. Anh có một kênh Youtube riêng, dạy cách để sở hữu những cú đấm nhanh.
Cuối cùng, Liddell - một cái tên tiềm năng - không bào giờ được hưởng bầu không khí Olympic. Nhưng đổi lại, chẳng có tay đấm Olympic nào có thể đấm nhanh và có tên trong sách Guiness như anh. Cuộc sống nhiều khi phải đánh đổi. Liddell hài lòng với lựa chọn của mình.