Tiền đạo Dave Kitson đã nói ra những tâm sự từ tận đáy lòng, sau khi ngồi trên băng ghế dự bị của Stoke trong một buổi tối tháng 2/2010 và chứng kiến pha vào bóng thô bạo của người đồng đội Ryan Shawcross với Aaron Ramsey.
Đó là một tình huống tranh chấp ở giữa sân, khi tỷ số trận đấu Stoke với Arsenal đang là 1-1. Hậu vệ người Anh đã quét chân thẳng vào ống đồng, khiến chân Ramsey gãy rời. Ramsey sau đó phải thở oxy và được đưa thẳng tới bệnh viện. Anh sẽ không chơi một trận đấu nào nữa trong 9 tháng kế tiếp, và khi tái xuất, trở thành một cầu thủ rất mẫn cảm với các chấn thương.
Shawcross nhận thẻ đỏ và rời sân trong nước mắt. Anh nói rằng mình chưa bao giờ khóc trên sân, và đây là lần đầu tiên. Tuy nhiên không phải vì chiếc thẻ đỏ, mà bởi thấy được hậu quả kinh khủng của pha va chạm. Đồng thời không quên bác bỏ cáo buộc anh cố tình triệt hạ đối thủ. "Tôi không ác ý, đó chỉ là không may. Đó cũng không phải cú tắc bóng, mà tôi chỉ định sút, nhưng trượt", hậu vệ của Stoke nói.
Nhưng liệu có tin được Shawcross khi anh đã nổi tiếng bạo lực từ hồi còn là cầu thủ trẻ của MU và chơi tại Antwerp (Bỉ) theo dạng cho mượn, rồi làm vỡ mắt cá chân Francis Jeffers và Emmanuel Adebayor, hai cầu thủ đều từng khoác áo Arsenal?
Shawcross biện hộ cho hành động của mình là "phong cách chơi bóng" và quyết không thay đổi. Nhưng cũng giống như ngoài xã hội, bóng đá có luật lệ để tách biệt những điều có thể và không thể, những yếu tố thể thao và phi thể thao. Shawcross, cũng như mọi cầu thủ trên thế giới, ra sân để chơi bóng, không phải làm tổn thương, gây nguy hiểm với sức khỏe và triển vọng nghề nghiệp của người khác. Khi bạo lực ngụy trang với lớp vỏ bọc thể thao, nó phải bị loại trừ. Người ta không khó để nhận ra đâu là tai nạn, đâu là sự ác ý.
Kitson, dù là đồng đội, cũng không bao giờ đứng về phía Shawcross. Anh cũng biết tại sao sự cố khủng khiếp ở Britannia lại xảy ra, và cáo buộc HLV Toni Pulis cũng phải chịu trách nhiệm cho thứ bóng đá bạo lực này, không chỉ một mình Shawcross.
"Trước mỗi trận đấu, Pulis tiêm nhiễm vào đầu các cầu thủ tư tưởng thắng bằng mọi giá, khuyến khích những cú tắc bóng bạo liệt và tạo nên bầu không khí hung hãn tràn ngập trong phòng thay đồ. Ông ta hét lên, chửi thề, và cầu thủ cũng vậy. Mọi thứ đều trở nên mất kiểm soát.
Khi khoảnh khắc kinh hoàng xảy ra, tôi có thể nghe tiếng gãy xương từ khu kỹ thuật. Tôi cũng nghe thấy tiếng hét của Ramsey. Rồi tôi thấy HLV của Arsenal, Arsene Wenger nhìn về phía chúng tôi. Đó là cái nhìn của một người cha dành cho đứa con, khi ông ta đã vượt qua sự giận dữ, chỉ còn nỗi thất vọng đến cùng cực.
Tôi không phải thủ phạm khiến Ramsey gãy chân. Tôi thậm chí còn không có mặt trên sân. Nhưng đối diện với ánh mắt ấy, tôi cảm thấy tội lỗi. Trong sự xấu hổ tột độ, tôi cố né tránh ánh mắt của Wenger. Có thứ gì đó tan vỡ trong tôi.
Bóng đá không phải thế, tôi không muốn ở đây, trở thành một phần của thứ bóng đá bạo lực này. Đây không phải lý do để tôi trở thành cầu thủ bóng đá. Thà tôi từ bỏ giấc mơ trở thành cầu thủ còn hơn là phải chơi theo cách đó", Kitson kể lại.
Cuối mùa đó, Kitson quyết định rời Stoke và vui vẻ chuyển xuống chơi cho Portsmouth ở Championship. Còn Shawcross, thừa nhận rằng góc nhìn của người hâm mộ với anh đã thay đổi. Hậu vệ của Stoke bị gắn liền với hình ảnh kẻ chơi xấu, bạo lực và luôn có tư tưởng triệt hạ đối thủ. "Họ không bao giờ nói về việc tôi đã chơi tốt thế nào, mà chỉ về việc tôi đá xấu ra sao", Shawcross buồn bã nói.
Về phía người hâm mộ, nhất là những ai ủng hộ Arsenal, thì tin rằng Shawcross phải hứng chịu luật nhân quả vào 9 năm sau sự cố. Trận giao hữu với Leicester trước mùa giải 2019/20, anh ta thực hiện pha truy cản với Marc Albrighton, như đã làm với Ramsey. Nhưng Albrighton đã né được và Shawcross tự khiến mình bị gãy xương mác, rồi rời sân trên cáng.
Sự nghiệp đỉnh cao của Shawcross coi như kết thúc. Kể từ đó, anh chỉ chơi thêm 8 trận cho Stoke rồi chuyển tới Inter Miami hồi tháng 2 vừa rồi. Một số người gọi đây là "nghiệp chướng".