Mark Hughes là một huyền thoại của MU, người đã ghi 163 bàn thắng trong 10 mùa gắn bó với Old Trafford. Tuy nhiên thời gian cống hiến của Sparky cho Quỷ đỏ bị cắt làm hai nửa. Lý do là mùa hè 1986, anh chuyển đến Barca theo bản hợp đồng trị giá 2 triệu bảng.
Nhưng Hughes thất bại thảm hại. Anh chỉ ghi được 4 bàn sau 28 trận và phong cách chơi bóng bị cả giới chuyên môn cùng người hâm mộ đánh giá thấp. Cũng không hòa nhập được với văn hóa, lối sống Tây Ban Nha, tiền đạo người Xứ Wales chỉ muốn thoát khỏi địa ngục Nou Camp càng nhanh càng tốt.
Thật may là tháng 11/1987, Bayern đưa ra đề nghị mượn dài hạn. Hughes đồng ý ngay lập tức. Và anh cũng không bao giờ ân hận bởi quyết định này, vì có được tất cả những gì mong muốn tại đội bóng hàng đầu nước Đức.
Tổng Giám đốc Uli Hoeness của Bayern rất tâm lý. Ông cấp cho chân sút 24 tuổi một chiếc xe mới toanh, lại bố trí cả nhà cửa cũng như mọi thứ cần thiết cho cuộc sống. Điều quan trọng nhất, khác với Barca, Bayern tin tưởng Hughes. Anh sẽ xuất hiện nhiều hơn trong khu cấm địa và nhận được sự hỗ trợ tối đa từ các đồng đội mới.
Nhờ vậy, Hughes ghi 1 bàn và kiến tạo 1 bàn khác ngay trong trận ra mắt gặp Uerdingen. Vừa bước ra từ ác mộng lại được hậu đãi quá nhiều, anh nói sau trận đấu, rằng "chịu ơn Bayern và sẽ làm mọi thứ để đền đáp ân huệ đó".
Chỉ 4 ngày sau, Hughes có cơ hội để làm điều đó. Ngày 11/11, Bayern chạm trán M’gladbach ở vòng 2 Cúp Quốc gia Đức. Đây là một trận quan trọng và Hoeness muốn Hughes góp mặt. Khổ một nỗi, cũng ngày ấy, anh phải tới Prague cùng ĐT Xứ Wales để gặp Tiệp Khắc. Trận này cũng rất quan trọng với Xứ Wales. Họ buộc phải thắng để có thể tham dự Euro 1988. Lẽ dĩ nhiên ĐTQG phải được ưu tiên, và Bayern sẽ phải ra sân mà không có Hughes.
Trước khi Hughes rời Munich, Hoeness đã hỏi: "Trận đấu với Tiệp Khắc đá lúc mấy giờ?". "Khoảng 3 rưỡi 4 giờ gì đó", anh đáp, nghĩ rằng đó chỉ là câu hỏi bâng quơ.
Rồi Hoeness ra khỏi phòng, thực hiện hàng chục cuộc điện thoại để sắp đặt xe cộ, máy bay. Sau khi kế hoạch được xây dựng chi tiết đến từng phút, ông trở lại và nói với Hughes: "Cậu sẽ chơi cả 2 trận đấu này". Hughes sốc nặng, và không tin điều đó có thể. Nhưng Hoeness nói, chỉ cần anh tuân thủ sự sắp xếp của ông.
Vậy là Hughes tới Prague, chơi trọn 90 phút trong trận đấu với Tiệp Khắc. Thật đáng buồn, Xứ Wales của anh lại nhận thất bại 0-2 tại sân vận động Letna và chính thức tạm biệt giấc mơ Euro 1988. Song Hughes không có thời gian để buồn. Ngay khi tiếng còi kết thúc trận đấu vang lên, anh lao khỏi sân ngay lập tức và chui vào chiếc Lada chờ sẵn bên ngoài.
Sau đó, chiếc xe lao với vận tốc điên cuồng, băng qua những cánh đồng của vùng nông thôn Tiệp Khắc để tới sân bay đúng hẹn. Khi tới nới, Hughes lên trực thăng và tiếp tục trải qua hành trình 380 cây số về Munich.
Trên máy bay, Hughes trút bỏ bộ đồ Xứ Wales ướt sũng mồ hôi và mặc vào trang phục của Bayern. Khi chiếc máy bay lượn trên bầu trời, anh có thể thấy cầu thủ hai đội đang chơi tại Olympiastadion. Lúc đó đang là hiệp một trận đấu và Bayern bị M’gladbach dẫn trước 0-1.
Rồi máy bay hạ cánh, và Hughes lại leo lên chiếc Porsche và phi đến sân Olympiastadion. Vào bên trong, sự xuất hiện của anh vẫn được giữ bí mật. Hughes sẽ trốn trên lầu và chỉ bước ra cùng đồng đội khi hiệp hai bắt đầu.
Đó là lúc cả sân vận động choáng váng. Không ai có thể tin nổi Hughes lại có mặt ở đây khi cả thế giới đều biết anh vừa chơi trận đấu ở Tiệp Khắc. Nhất là các cầu thủ M’gladbach. Họ hoang mang cực độ và hoài nghi mọi thứ. Đòn chơi chiêu của Hoeness đã phát huy tác dụng. Hughes giúp Bayern lật ngược thế cờ và giành chiến thắng 3-2.
Sau sự kiện đó, Hughes giành được sự tôn trọng lớn từ người hâm mộ cũng như Bayern. Họ đã rất hy vọng anh sẽ ở lại lâu dài khi mùa giải đó kết thúc, nhưng tiền đạo người Xứ Wales không thể cưỡng lại lời mời gọi từ đội bóng cũ MU. Anh trở lại Old Trafford để trở thành huyền thoại, đồng thời mang trong mình ký ức đẹp đẽ về Bayern, về buổi chiều không tưởng khi chơi 2 trận đấu liên tiếp ở hai nơi cách xa nhau hàng trăm cây số.