Không đặt hashtag 3 chữ A theo trào lưu, Minh Vương chỉ âm thầm chia sẻ lại câu chuyện về những em nhỏ thiếu may mắn mà mình đã có cơ hội tiếp xúc vào 3 năm trước.
"Vì các em là một phần của cộng đồng này, những đứa trẻ hay cười nhưng lại ít nói, vui buồn cũng không cần biết lý do. Thậm chí các em cũng không biết nguy hiểm là gì và sẵn sàng gây tai nạn cho mình, trong khi lứa tuổi đó các em đã đủ nhận thức được.
Nhưng cũng cám ơn các em đã cho anh biết tình yêu thương quan tâm mọi người là như thế nào. Và thật sự đồng cảm và chia sẻ với những người trực tiếp chăm sóc các em (một công việc thật sự rất vất vả). Ngày hôm đó các em mới chính là những người mang đến cho anh những sự hưng phấn... Và anh chắc chắn rằng sự xuất hiện của các em là một điều tốt lành!", Minh Vương chia sẻ trên trang cá nhân tối 15/4.
Đăng kèm tâm sự ấy là những hình ảnh khi hội cầu thủ HAGL đến thăm những em nhỏ tự kỷ từ 3 năm trước. Hành động âm thầm vừa truyền cảm hứng cho những em nhỏ kém may mắn, lại cũng là một lần các chàng trai thấu hiểu nhiều hơn giá trị của tình thương, sự đồng cảm sâu sắc giữa người với người.
Chia sẻ của Minh Vương trở nên khác biệt giữa dòng trào lưu cả mạng xã hội cùng đặt hashtag về trẻ tự kỷ theo 1 chương trình từ thiện đóng góp 200 triệu mở khoá huấn luyện cho cha mẹ có con là trẻ tự kỷ. Minh Vương đồng cảm, sẻ chia với các em nhỏ bằng hành động thực tế chứ không chỉ bằng cách đặt hashtag trên mạng xã hội.
Câu chuyện đặt hashtag 3 chữ A một mặt tích cực đã giúp lan toả đến cộng đồng nhận thức về trẻ tự kỷ, để những em nhỏ được quan tâm, chăm sóc nhiều hơn. Tuy nhiên, câu chuyện phía sau về bài vở truyền thông, quảng cáo của đơn vị tài trợ khi tạo ra trào lưu đặt hashtag này khiến một số người cũng dè chừng vì không muốn trở thành công cụ trục lợi của người khác.
Bạn nên quan tâm