"Cờ vua quyền Anh là tổng hòa của hiếu thắng và sự kiểm soát, tham vọng và sự từ tốn".
Đó là dòng chữ được treo trên trang chủ của Tổ chức cờ vua quyền Anh thế giới (WCBO). Với nhiều người, họ chưa bao giờ nghe qua hay thậm chí tưởng tượng được. Nhưng ở châu Âu, cờ vua quyền Anh đã phổ biến ở nhiều quốc gia. Bởi vì, nhiều người muốn thử sức, muốn đẩy bản thân tới giới hạn, về cả thể chất lẫn trí tuệ.
Quyền Anh và cờ vua là một sự kết hợp kỳ lạ nhưng sau cùng đã kết hợp thành công và trao thêm cơ hội cho những ai yêu thích hai môn thể thao này. Từ đó, phá bỏ phần nào định kiến cho các tay đấm quyền Anh.
Cờ vua quyền Anh gây chú ý khi xuất hiện trong Mystery of Chessboxing, một bộ phim của Hồng Kông (Trung Quốc) được phát hành vào năm 1979 kể về câu chuyện của một chàng trai cố gắng tìm cách trả thù cho cha. Anh này sau cùng đã trở thành một bậc thầy về cờ vua lẫn kungfu.
Tác phẩm trên đã truyền cảm hứng cho nhiều VĐV trên thế giới. Một số người có niềm đam mê sẵn có với cả boxing lẫn cờ vua đã thử sức với nhau và tạo ra những màn so tài thú vị, như trường hợp của hai anh em James và Stuart Robinson. Tất nhiên, những cuộc đấu này diễn ra ở quy mô nhỏ, chưa được biết tới rộng rãi.
Cũng đam mê với môn này, họa sĩ Enki Bilal đã cho ra đời tác phẩm truyện tranh với tên gọi Froid Équateur, kể về câu chuyện của những võ sĩ cờ vua quyền Anh, tranh đấu về cả sức mạnh cũng như khối óc.
Iepe Rubingh (1974-2020) đã say mê với những thông điệp được Bilal truyền tải. Dù không phải võ sĩ chuyên nghiệp, Iepe có niềm đam mê với boxing. Câu chuyện làm ông nhớ lại hồi đi học khi ông quen biết một người bạn rất thích cờ vua. Một ý tưởng lóe lên và ông quyết đưa cờ vua quyền Anh từ truyện tranh ra thực tiễn.
"Tôi nhớ lại bộ truyện Froid Équateur đã đọc năm 17 tuổi. Tôi từng chơi cờ vua hồi còn đi học. Giờ tôi đang tập boxing. Tại sao chúng ta lại không kết hợp 2 môn này lại với nhau". Nghĩ là làm, ông Iepe lập ra WCBO, cơ quan điều hành đầu tiên của cờ vua quyền Anh.
Năm 2003, giải đấu cờ vua quyền Anh đầu tiên ra đời và được tổ chức ở thành phố Berlin. Sự xuất hiện của môn thể thao mới lạ đã nhận được sự ủng hộ từ một bộ phận người hâm mộ. Iepe hiểu rằng đây là thời điểm thuận lợi để thúc đẩy môn thể thao này phát triển. Iepe thành lập trụ sở cho WCBO, đồng thời gửi đơn xin thành lập Liên đoàn cờ vua quyền Anh tại Hà Lan, quê nhà của ông.
Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ của ông Iepe cùng những cộng sự, một giải vô địch thế giới được tổ chức ngay trong năm đó ở Amsterdam. Và không ai khác, ông Iepe đã lên ngôi sau chiến thắng trước Luis "The Lawyer" Veenstra do đối thủ nghĩ quá lâu và bị hết thời gian trên bàn cờ.
Giải đấu đã tạo tiếng vang ở thời điểm đó. Số người chơi môn thể thao đặc biệt này tăng chóng mặt. Điều này làm chất lượng của các trận đấu không ngừng đi lên.
Cờ vua quyền Anh được chia thành 11 hiệp, xem kẽ nhau, bắt đầu và kết thúc đều bằng những hiệp cờ vua. Mỗi hiệp diễn ra trong 3 phút và một phút nghỉ. Trên bàn cờ vua, mỗi bên chỉ có tối đa 9 phút để suy nghĩ.
Có nhiều cách khác nhau để giành chiến thắng: Hạ đo ván đối thủ trên võ đài; chiếu hết trên bàn cờ; đối thủ hết giờ đánh cờ, đối thủ bỏ cuộc hay bị xử thua do phạm quy.
Nếu ván cờ kết thúc hòa trước hiệp 11, cả hai sẽ đấu thêm một hiệp boxing. Nếu không bên nào đánh bại đối thủ, bảng điểm của các giám định sẽ được căn cứ để phân định người thắng cuộc.
Nếu đôi bên hòa cờ trong hiệp 11, bảng điểm từ các giám định lập tức được sử dụng để phân định người thắng cuộc.
Nếu cả hai tiếp tục hòa trên bảng điểm, người đi quân đen (đi sau trên bàn cờ) sẽ được tuyên thường cuộc.
Với số lượng người tập luyện đông đảo, WCBO nhận được rất nhiều yêu cầu xin thi đấu của các VĐV. Tuy nhiên, để đảm bảo tính cạnh tranh. Nếu muốn bước lên đài ở sân chơi chuyên nghiệp, một tay đấm phải từng thi đấu boxing ít nhất 50 hiệp và có điểm số Elo không dưới 1.600.
Trong giữa thập niên 2000, cờ vua quyền Anh là một trong những môn có sức lan tỏa mạnh nhất trên thế giới. Năm 2005, giải vô địch châu Âu được tổ chức. Người thắng cuộc là Tikhomir Dovramadiev, người khi đó sở hữu số Elo lên tới hơn 2.300. Những giải đấu sau đó cũng được chức ở Anh và Mỹ.
Đến thời điểm hiện tại, cờ vua quyền Anh được tranh tài tại rất nhiều quốc gia trên thế giới, từ Đức, Anh, Mỹ, Ngay, Ý cho đến Ấn Độ. Kể từ năm 2009, môn thể thao này được chia thành 4 hạng cân dành cho nam.
Nhiều VĐV tham dự khi còn rất trẻ, một số có thậm chí còn là Thạc sĩ hay Tiến sĩ, như trường hợp Aaron Sweeney, người có bằng Tiến Sĩ chuyên ngành Hóa học tính toán. "Tôi lo hơn ở khoản đánh cờ bởi đấu boxing, bạn vẫn có thể cố sống sót. Nhưng khi đánh cờ, bạn không có đường lùi".
Cờ vua quyền Anh không hề dễ dàng. Ông Iepe khẳng định đứa con tinh thần của mình là một môn khoa học, phức tạp hơn nhiều so với các môn thể thao thể thao khác.
"Cờ vua quyền Anh thật điên rồ nhưng nó lại có tình thực tiễn. Nó tạo ra một trào lưu mới, thu hút những con người mới. Đây không phải một môn cho những VĐV cờ vua gầy nhẳng hay các tay đấm đánh cờ tệ. Những VĐV tham gia phải có óc phân tích và thể chất tốt. Chúng tôi đã phá bỏ định kiến của mọi người về các tay đấm quyền Anh".
Tháng 5/2020, ông Iepe bất ngờ qua đời và để lại mất mát to lớn với làng cờ vua quyền Anh trên thế giới. Tuy vậy, môn thể thao này chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển. Hiệp hội cờ vua quyền Anh (WCBA) cũng đã được thành lập. Các võ sĩ nữ cũng tham gia tranh tài ngày một nhiều hơn. Tất cả sẽ cùng chung tay để hoàn thành nguyện vọng khi sinh thời của ông Iepe.
"Tôi hy vọng một ngày cờ vua quyền Anh sẽ có mặt ở Olympic hoặc được tổ chức thường xuyên ở San Francisco? Giống như quyền Anh đang được tổ chức ở Las Vegas vậy. Nhưng trên hết, tôi nghĩ mục tiêu sau cùng của cờ vua quyền Anh là tạo ra niềm tin và giá trị cho cộng đồng".
Hình ảnh tại một giải đấu cờ vua quyền Anh
Nguồn: MS