Ký ức U19 Đông Nam Á 2013: Nơi Tuấn Anh, Công Phượng gục ngã trước lối chơi "kung fu" kiểu Indonesia

Thành Đạt , 07:01 15/12/2021 | Bóng đá Việt Nam

Chia sẻ

Rất nhiều trụ cột đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2020 đã từng chạm trán với các cầu thủ tuyển Indonesia từ giải U19 Đông Nam Á 2013, và "nếm mùi" lối đá rắn đã thành thương hiệu của nền bóng đá xứ vạn đảo.

Màn "chém đinh, chặt sắt" của U19 Indonesia trong trận gặp U19 Việt Nam tại giải U19 Đông Nam Á 2013

Đội tuyển Việt Nam sẽ gặp lại tuyển Indonesia ở trận đấu tiếp theo tại AFF Cup 2020. Đây đã là lần thứ 2 trong năm nay, thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo gặp đối thủ này. Tại vòng loại thứ 2 World Cup 2022, người hâm mộ đã được chứng kiến 1 lối đá thô ráp của đội bóng xứ vạn đảo.

Hình ảnh pha vào bóng như 1 võ sư của Pratama Arhan khiến Tuấn Anh có lẽ vẫn in đậm trong trí nhớ nhiều người xem. Nhưng với Tuấn Anh có lẽ điều này cũng không quá lạ lẫm, bởi đây không phải lần đầu anh chạm trán các cầu thủ Indonesia, và chắc chắn không phải lần đầu anh chịu những pha bóng xấu xí của họ.

Chung kết U19 Đông Nam Á 2013: Nơi cầu thủ tuyển Việt Nam lần đầu nếm lối chơi rắn kiểu Indonesia - Ảnh 2.

Pha bóng "ác mộng" của Pratama Arhan với Tuấn Anh tại vòng loại 2 World Cup 2022 (Ảnh: Hiếu Lương)

Thời điểm 8 năm về trước, khi mà lứa cầu thủ vàng của những Tuấn Anh, Xuân Trường, Quang Hải, Công Phượng,... vẫn chỉ mới bắt đầu được biết đến như là "hiện tượng U19", 2 nền bóng đá đã gặp nhau tại chung kết U19 Đông Nam Á 2013. Có lẽ khi nhắc lại trận đấu này, người hâm mộ lâu năm sẽ nhớ lại 1 trong những trận cầu thô bạo nhất của bóng đá khu vực 10 năm trở lại đây.

Tuấn Anh, Hồng Duy và các đồng đội U19 Việt Nam khổ sở vì lối đá quyết liệt trên mức cần thiết của U19 Indonesia tại chung kết U19 Đông Nam Á 2013 (Ảnh: Getty)

U19 Việt Nam khi ấy được dẫn dắt bởi HLV Guillaume Graechen người đề cao bóng đá đẹp mắt và cao thượng. Với những đường chuyền như thêu hoa dệt gấm, đội bóng trẻ nhanh chóng chiếm được cảm tình lớn từ người hâm mộ trong nước.

Thực tế, ở giải đấu năm đó U19 Việt Nam luôn phải chịu lối chơi rắn từ đối thủ. Tại trận đấu với U19 Myanmar, Lương Xuân Trường thậm chí còn bị đạp gãy cổ tay và không thể góp mặt ở trận đấu cuối cùng. Nhưng trận chung kết với U19 Indonesia đã chứng kiến 1 màn "vùi hoa dập liễu" theo nghĩa đen.

Các cầu thủ Indonesia liên tục phạm lỗi, vào bóng rắn, lối chơi này khiến dư luận Đông Nam Á bất bình. Nhưng U19 Indonesia đã đạt được những gì mình muốn khi lối chơi tấn công hoa mỹ của U19 Việt Nam bị kiềm tỏa suốt 120 phút và trận đấu phải bước vào loạt luân lưu. Và dưới sức ép của bầu không khí sân khách ngập tràn pháo sáng từ Ultras Indonesia, các cầu thủ tuổi đôi mươi của U19 Việt Nam gục ngã trên chấm luân lưu với tỉ số 6-7.

Chung kết U19 Đông Nam Á 2013: Nơi cầu thủ tuyển Việt Nam lần đầu nếm lối chơi rắn kiểu Indonesia - Ảnh 4.

Các Ultras Indonesia đốt pháo sáng trên khán đài tại trận chung kết U19 Đông Nam Á 2013 (Ảnh: Getty)

Chỉ là 1 trận đấu nhỏ, nhưng nó cho thấy sự khác biệt trong cách làm của 2 nền bóng đá. Lứa cầu thủ bại trận năm đó của U19 Việt Nam đã từng bước tiến bộ với tư duy bóng đá đẹp. Những Tuấn Anh, Công Phượng, Đức Huy, Quang Hải hay vua phá lưới giải đấu năm 2013 Văn Toàn (6 bàn) đều đã trở thành trụ cột của tuyển quốc gia.

Nhìn về phía U19 Indonesia, ngoại trừ Evan Dimas, không 1 ai trong đội bóng khi xưa đó có thể trở thành ngôi sao đội tuyển, còn lối chơi rắn thì vẫn tiếp tục được kế thừa. Sau khi HLV Shin Tae-yong lên nắm quyền, ông chủ động trẻ hóa lực lượng. Những tưởng tuyển Indonesia cũng sẽ rũ bỏ lớp vỏ xù xì để theo đuổi bóng đá đẹp, thế nhưng 1 lần nữa họ lại tái hiện hình ảnh thô ráp tại vòng loại 2 World Cup 2022.

Nhưng lạ rằng chính HLV Hàn Quốc đã nói rằng ông không chỉ đạo các cầu thủ thi đấu như vậy: "Chúng tôi không chủ trương đá bạo lực. Nhưng đôi khi tự bản thân các cầu thủ đá rắn quá mức cần thiết".

Phải chăng chơi bóng rát đã ăn vào tiềm thức của các cầu thủ Indonesia? Nếu thực sự là như vậy, sẽ không lạ nếu trong trận tái đấu vào lúc 19h30 ngày 15/12, các cầu thủ tuyển Việt Nam sẽ lại bị "vùi dập" 1 lần nữa.