Một tối hè tháng 7 tại Madrid, sân Santiago Bernabeu được phủ kín toàn bộ 80.000 chỗ ngồi. Bên ngoài, 10.000 người khác liên tục hò reo suốt buổi và chăm chú nhìn lên màn hình lớn bên dưới những ánh đèn lộng lẫy. Khung cảnh giống như một buổi đại nhạc hội nào đó.
Nhưng không. Đó là năm 2009, và Cristiano Ronaldo vừa chính thức trở thành người của Real Madrid với bản hợp đồng kỉ lục có giá trị hơn 80 triệu bảng. Một vài tuần trước đó, anh cùng các đồng đội cũ tại Man Utd thảm bại 1-2 trước Barcelona ở Rome trong trận chung kết Champions League. Chỉ 62.467 khán giả có mặt. Còn vào buổi tối đẹp trời nói trên, gấp rưỡi số người đó muốn chứng kiến tận mắt giây phút Quả bóng vàng đương thời mặc lên chiếc áo trắng.
Cristiano Ronaldo cùng chủ tịch Real Florentino Perez trong buổi lễ ra mắt năm 2009.
Suốt 9 mùa giải sau đó, Ronaldo trở thành một cỗ máy ghi bàn, giành 4 Champions League cùng 450 bàn thắng trong màu áo Real để trở thành một tượng đài. Sân Bernabeu sẽ khó có thể chứng kiến một cầu thủ xuất sắc như vậy chơi cho Los Blancos một lần nữa.
Bây giờ là tháng 1 năm 2019. CR7 đã chuyển sang Juventus được nửa mùa bóng. Với không ít người hâm mộ, thi thoảng họ nhầm rằng anh vẫn là người của Real. Rất nhiều giá trị đã thay đổi. Real Madrid đang thi đấu chật vật, thậm chí rớt xuống vị trí thứ 5 trên BXH La Liga. Và họ không chỉ tụt lại trên sân cỏ. Bình quân mỗi trận, chỉ 62.500 khán giả có mặt tại Bernabeu để cổ vũ đội bóng áo trắng. Con số này của mùa trước đó là 65.824.
Lí do chính được cho là bởi sức hút quá lớn của Ronaldo đã mất đi. Có một khái niệm đang được bàn đến trong giới mộ điệu là sự tồn tại của chủ nghĩa ngôi sao – điều đang ngày càng hiện hữu rõ rệt hơn trong bóng đá, đặc biệt dưới tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của mạng xã hội đến cuộc sống thường ngày. Theo đó, CĐV sẽ không chỉ dõi theo đội bóng họ yêu mến, mà sẽ chuyển sự ủng hộ đến cả với những đội bóng mà cầu thủ họ yêu thích nhất thi đấu.
Nhiều người vẫn còn xa lạ với hình ảnh Ronaldo trong màu áo Juventus.
Trường hợp của Ronaldo là một ví dụ tiêu biểu. Trên Instagram, siêu sao người Bồ Đào Nha là người đầu tiên trên thế giới đạt được 150 triệu lượt theo dõi – hơn gấp rưỡi so với tổng các trang của Real Madrid, La Liga và UEFA Champions League hợp lại. Một người hâm mộ CR7 sẽ cổ vũ cả đội bóng mà anh thi đấu, dẫn đến chuyện trang Instagram của Juve tăng đến 400.000 lượt theo dõi chỉ vài ngày sau khi thông báo họ đã có được chữ ký của anh.
Vì sức hấp dẫn về mặt thương mại của cầu thủ người Bồ quá lớn, có những dấu hỏi được đặt ra về sức hút của La Liga khi thương vụ 105 triệu bảng được hoàn thành hè vừa rồi. Thương hiệu của Real Madrid không còn hấp dẫn với những CĐV như năm trước, chí ít được thể hiện qua số lượng người đến xem trực tiếp. Và sự ra đi của cầu thủ 33 tuổi cũng được dự báo sẽ đem đến ảnh hưởng tương tự cho hình ảnh của giải đấu dẫn đầu hệ số UEFA.
Nhưng ông Gareth Balch, CEO của công ty truyền thông thể thao Two Circles lại không nghĩ vậy.
"Sự đi xuống về lượng khán giả đến sân Bernabeu cùng suy giảm trong doanh số truyền tải trực tuyến của La Liga chỉ là nhất thời sau rất nhiều năm thành công của Real cùng Ronaldo. Hãy nhìn vào trường hợp của Manchester United như một ví dụ tiêu biểu. Thương hiệu của họ ngày càng đi lên, đối lập với những màn trình diễn trên sân. United vẫn giữ được giá trị kể cả thời điểm mất đi Ronaldo năm 2009. Real Madrid và La Liga có thể dễ dàng nhìn vào M.U để hiểu sự bấp bênh của một thương hiệu lớn trong thể thao chỉ mang tính thời điểm", ông Balch phân tích.
Sức hấp dẫn thương mại của La Liga có suy giảm nhẹ sau sự ra đi của Ronaldo, nhưng chính điều này lại tạo điều kiện để giải đấu phát triển hình ảnh hơn.
Còn Giám đốc truyền thông của La Liga, Joris Evers thì tập trung vào những giá trị sẵn có của giải đấu này.
"Tất nhiên, Cristiano Ronaldo là một trong những cầu thủ xuất sắc nhất lịch sử bóng đá thế giới và thật tiếc khi không còn được thấy anh trên các sân cỏ Tây Ban Nha mỗi cuối tuần. Tuy nhiên, giá trị của La Liga quan trọng hơn sự ra đi của một cầu thủ. Giải đấu thì ngày càng hấp dẫn hơn", ông Evers cho biết.
Quả thật, cuộc đua vô địch tại La Liga mùa này khá căng thẳng. Gần một nửa mùa giải đã đi qua, Barcelona chỉ hơn Atletico Madrid và Sevilla lần lượt 5 và 7 điểm. Vị trí thứ 4 thuộc về hiện tượng Deportivo Alaves khi hơn Real Madrid 1 điểm. Đây là mùa giải hấp dẫn nhất trong nhiều năm trở lại đây với sự trỗi dậy của một số đội bóng khác thay vì một cuộc đua tam mã giữa Real, Barca và Atletico.
La Liga cũng rất cố gắng để giúp thương hiệu với đến nhiều người hơn nữa. Giá trị bản quyền của giải đấu thậm chí đã tăng lên 15% tại nội địa và 30% trên toàn thế giới. Tập đoàn MediaPro đã trả 4,5 tỉ bảng để sở hữu quyền phân phối bản quyền của La Liga toàn cầu trong 5 năm kể từ mùa 2019/20. Dù con số này vẫn ít hơn vài lần so với Premier League, đây vẫn là sự cải thiện đáng kể, có công không nhỏ đến từ những nhà điều hành. Thậm chí, một số trận đấu trong tương lai dự định được diễn ra ở Mỹ để quảng bá bóng đá Tây Ban Nha với xứ sở cờ hoa.
"Không một đối tác nào của chúng tôi coi việc Ronaldo rời Real Madrid là một vấn đề lớn", ông Ever tiết lộ. "Chúng tôi chỉ chú tâm vào việc phát triển tầm ảnh hưởng của giải đấu và giá trị thương mại của từng câu lạc bộ như những gì Premier League đã làm được. Điều quan trọng nhất là không dựa vào sức hút của một ngôi sao nào, kể cả Lionel Messi."
Thực tế, của đua giành chức vô địch và vị trí dự Champions League tại La Liga đang hấp dẫn không kém gì Premier League.
Trong nhiều năm, cuộc đối đầu giữa Messi và Ronaldo đem đến sức hút rất lớn cho những trận El Clasico. Hình ảnh của La Liga được hưởng lợi rất nhiều từ cặp kỳ phùng địch thủ này. Khi một người đã ra đi, kẻ còn lại thì đang dần bước sang sườn dốc sự nghiệp, trọng tâm của giải đấu phải được thay đổi.
"Sứ mệnh lớn nhất của chúng tôi bây giờ là thu hút sự chú ý cho nhiều CLB hơn nữa. Barca và Real đã là những thương hiệu toàn cầu, và mong rằng nhiều đội bóng khác cũng sẽ phát triển như vậy", vị Giám đốc truyền thông kết luận.
"Tôi rất phục cách các cổ động viên bóng đá ở Indonesia, Ấn Độ hay châu Phi có thể kể tên nhiều CLB đến từ Anh nhưng gần như chỉ biết mỗi Real, Barca và Atletico tại La Liga. Hình ảnh của giải đấu phải được với tới nhiều người hơn nữa."
(Bài viết được trích dẫn và lược ý từ bài gốc "How has Cristiano Ronaldo's departure impacted La Liga" của tác giả Richard Fitzpatrick đăng trên Bleacher Report)