Lần đầu tiên trải nghiệm cơ hội được tác nghiệp tại SEA Games 31, theo chân đội tuyển bơi cũng là một cơ duyên. Trong một lần được giao nhiệm vụ tới Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội) để đưa tin về sự chuẩn bị của các địa điểm thi đấu tại SEA Games 31, tôi có tình cờ gặp kình ngư Hoàng Quý Phước đang loay hoay với chiếc xe máy bị hết xăng. Sau khi dừng lại giúp và ngỏ ý muốn xin được phỏng vấn, Quý Phước đã rất vui vẻ đồng ý và hẹn gặp lại tôi vào ngày hôm sau tại Cung thể thao dưới nước.
Ngày đầu đến Cung thể thao dưới nước cũng là buổi tập đầu tiên của đội tuyển bơi sau chuyến tập huấn tại Hungary trở về. Tôi đặc biệt cảm thấy ấn tượng bởi sự thân thiện, vui vẻ và hòa đồng của các vận động viên. Cũng chính vì điều đó đã khiến tôi có thiện cảm và muốn được gắn bó với đội lâu hơn tại SEA Games 31.
Trải qua gần 1 tháng theo chân đội, được gặp gỡ và quen biết với những người "bạn" mới, tạo nên những kỷ niệm vô cùng đẹp. Ngoài ra, còn nhận được rất nhiều sự giúp đỡ từ các thành viên của đội trong quá trình tác nghiệp, làm tin bài và còn được mọi người tặng quà kỉ niệm sau buổi thi đấu cuối cùng tại SEA Games.
Có lẽ, sau khoảng thời gian theo chân đội tuyển bơi, ngoài ấn tượng ban đầu về sự thân thiện, vui vẻ tôi còn cảm nhận được ở đó là sự tốt bụng, đoàn kết giữa các thành viên với nhau, cùng nhau cố gắng, quyết tâm dành được kết quả cao nhất tại kỳ Đại hội Thể thao Đông Nam Á.
Tiêu biểu, trong một buổi phỏng vấn ở ngày thi đấu thứ 2 của bộ môn bơi tại SEA Games 31, Trần Hưng Nguyên đã có lời nhắn nhủ tới "đàn em" Nguyễn Quang Thuấn - em trai kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên: "Trên bờ mình là anh em nhưng dưới nước là đối thủ. Vậy nên lúc lên bờ mình cứ động viên em nó, cho dù Thuấn có vượt qua mình thì đó cũng là điều tốt cho bơi lội Việt Nam".
Trong 6 ngày ngắn ngủi diễn ra bộ môn bơi, khán đài tại Cung thể thao dưới nước Mỹ Đình luôn chật kín khán giả, tạo nên một không khí vô cùng náo nhiệt. Giữa khán giả và vận động viên không hề có khoảng cách với nhau, cuối mỗi buổi thi đấu, các kình ngư đều nán lại để chụp ảnh, trò chuyện vui vẻ với người hâm mộ.
Các kình ngư thể hiện sự thân thiện, vui vẻ chụp ảnh với người hâm mộ (Ảnh: Thanh Xuân)
Đối với phóng viên, các kình ngư cũng luôn thể hiện một thái độ tôn trọng, ở ngày cuối cùng diễn ra bộ môn bơi, Nguyễn Huy Hoàng đã gửi lời cảm ơn tới các cơ quan báo chí, phóng viên, nhà báo... đã quan tâm. Đồng thời, anh cũng có những lời lẽ vô cùng tinh tế, lịch sự khi từ chối trả lời phỏng vấn để dành thời gian chuẩn bị cho nội dung thi đấu tiếp theo. Có lẽ, đó cũng chính là lý do mà mỗi buổi thi của bộ môn bơi luôn có sự góp mặt của đông đảo phóng viên, nhà báo tới đưa tin.
Kết thúc một chằng đường đầy khó khăn vì là lần đầu tiên được trải nghiệm tác nghiệp tại một giải đấu lớn. Mọi thứ đều mới mẻ và bỡ ngỡ, có vất vả, có mệt mỏi nhưng tôi thấy ở bản thân mình xuất hiện sự vui vẻ và trưởng thành nhiều hơn. Sau SEA Games 31, tôi có thêm được những người "bạn" mới, tích lũy cho mình thêm nhiều kinh nghiệm sống, kinh nghiệm về nghề nghiệp. Cảm thấy muốn được cống hiến và gắn bó với nghề nhiều hơn.
Chia tay SEA Games 31, chia tay đội tuyển bơi cùng những buổi tác nghiệp tại Cung thể thao dưới nước vào ngày Hà Nội xuất hiện những cơn mưa như trút nước đầu hạ. Cảm giác mọi thứ thật trống rỗng, có lẽ đây sẽ là một kỷ niệm đẹp khó có thể quên trong sự nghiệp của tôi nói riêng và những "người đưa tin" nói chung tại SEA Games 31.
Mượn câu nói của nhà thơ Chế Lan Viên để thay cho lời kết: "Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi, đất bỗng hóa tâm hồn".