Trong bức tâm thư dài hàng nghìn từ, được chia làm 3 phần đăng dần trong tối 22/7, tiền vệ Mesut Oezil thông báo quyết định chia tay ĐTQG, đồng thời cáo buộc Liên đoàn bóng đá Đức không tôn trọng và có những hành động phân biệt chủng tộc, kỳ thị nguồn gốc Thổ Nhĩ Kỳ của anh. "Khi ĐT Đức thắng, tôi là người Đức. Còn khi ĐT thua, tôi chỉ là kẻ nhập cư", Oezil chua xót viết trong tâm thư. Ngôi sao sinh năm 1988 cũng chỉ trích truyền thông Đức đẩy sự việc đi xa đến mức không thể cứu vãn.
Trước tính chất nghiêm trọng của sự việc, tối 23/7, LĐBĐ Đức đã ban hành thông cáo chính thức về vụ việc này. Nội dung của thông cáo như sau:
"Ban lãnh đạo Liên đoàn bóng đá Đức (DFB) hôm nay thảo luận về lời chia tay của Mesut Oezil trong một buổi hội thảo từ xa. Mesut Oezil đã thi đấu 92 trận cho đội tuyển quốc gia. Anh góp phần định hình kỷ nguyên thành công của bóng đá Đức, cả trong và ngoài sân cỏ. Anh đóng vai trò quyết định giúp Đức trở thành nhà vô địch thế giới tại Brazil vào năm 2014. Đó là lý do DFB rất biết ơn Mesut Oezil vì màn trình diễn xuất sắc của anh trong màu áo của các đội tuyển quốc gia Đức.
Mesut Oezil có 5 lần được bầu làm Cầu thủ hay nhất nước Đức, giành HCĐ World Cup 2010 và cúp vàng World Cup 2014.
DFB sẽ rất hài lòng nếu Mesut Oezil muốn tiếp tục cống hiến cho đội tuyển. Nhưng anh ấy đã đưa ra quyết định khác. DFB tôn trọng điều đó, hiệp hội có trách nhiệm đối xử tôn trọng với một cầu thủ xứng đáng được nhận sự tôn trọng đó.
DFB cực lực phủ nhận cáo buộc phân biệt chủng tộc. Trong những năm qua, các đại sứ, nhân viên và hàng triệu tình nguyện viên đã làm việc cật lực vì sự đoàn kết bóng đá Đức. DFB đã rất nỗ lực giúp hàng chục nghìn người tị nạn hòa nhập gia đình bóng đá Đức.
Đa dạng là sức mạnh, không chỉ trong bóng đá. Từ cấp địa phương đến các đội tuyển quốc gia, cầu thủ là hậu duệ của người nhập cư đều có vai trò quan trọng với bóng đá Đức. Chúng tôi sống và chơi bóng cùng với những cầu thủ có nguồn gốc gia đình, tôn giáo và văn hóa khác nhau. Chúng tôi đoàn kết với nhau dựa trên tinh thần tôn trọng các quyền con người được quy định trong Luật cơ bản, cam kết tự do ngôn luận và báo chí, cũng như tôn trọng, khoan dung và thi đấu công bằng. Cam kết những giá trị cơ bản này là cần thiết cho mọi cầu thủ bóng đá ở Đức.
Những bức ảnh Oezil chụp chung với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã dấy lên nhiều câu hỏi trong lòng dư luận Đức. Chúng tôi thừa nhận mình đã có những đóng góp trong việc giải quyết vấn đề này. Và chúng tôi lấy làm tiếc vì Mesut Oezil cảm thấy anh ấy trở thành mục tiêu của phân biệt chủng tộc. Oezil đã không được bảo vệ đầy đủ như trường hợp của Jerome Boateng.
DFB lấy làm tiếc vì quyết định của Mesut Oezil. Nhưng nó sẽ không ảnh hưởng đến quyết tâm của Liên đoàn để tiếp nối sự thành công trên con đường hội nhập".
Bạn nên quan tâm