Một ngày trước Lễ khai mạc SEA Games 32, cơn sốt vé lên đến đỉnh điểm. Người Campuchia đổ xô đến các điểm phát vé miễn phí nhưng lại ra về trong thất vọng. Vé xem khai mạc cũng là chủ đề nóng trên mạng xã hội. Tuy vậy, rất ít người có manh mối về việc làm thế nào để có thể xuất hiện trên khán đài Sân vận động Quốc gia Morodok Techo vào tối 5/5, sau đó chứng kiến Lễ khai mạc tráng lệ có một không hai.
Theo tìm hiểu của phóng viên báo Tiền Phong, chỉ có một số ít vé thuộc về người hâm mộ đăng ký sớm, còn lại dành cho khách mời và những người được Ban tổ chức sắp xếp trên khán đài nhằm phục vụ đồng diễn. Tối 3/5, đích thân Thủ tướng Campuchia Hun Sen gửi tin nhắn thoại giải thích về vấn đề này. Ông nói: “Sân Morodok Techo chỉ có sức chứa tối đa 70.000 người, trong khi lượng đăng ký lên đến nửa triệu. Chúng tôi muốn tất cả cùng tham gia, nhưng lực bất tòng tâm. Mong đồng bào thông cảm”.
“Hai yếu tố tạo nên kỳ SEA Games 32 thành công chính là Lễ khai mạc và các địa điểm thi đấu chất lượng kỹ thuật cao. Với Lễ khai mạc, chúng ta phải tổ chức hoành tráng chưa từng có và đạt tầm Olympic, chứ không phải tầm khu vực như các nước khác đã làm”. Tổng thư ký CAMSOC Vath Chamroeun
Với một số may mắn có vé, họ được khuyến cáo “bắt buộc phải đi, hoặc tặng lại người khác”. Còn những người không có cơ hội góp mặt trên sân có thể xem trực tiếp thông qua các điểm phát sóng công cộng. Campuchia đã bố trí 63 địa điểm trình chiếu tại 9 tỉnh, thành phố với mục đích đưa SEA Games 32 về tận thôn, xã, tiếp cận đông đảo người dân nhất có thể.
Campuchia muốn quảng bá hình ảnh đất nước thông qua SEA Games 32 và Lễ khai mạc chính là điểm nhấn quan trọng. Thậm chí, theo tờ AMS, Lễ khai mạc là một trong ba kỳ tích của xứ Chùa Tháp ở kỳ Đại hội lần đầu đăng cai, bên cạnh Làng thể thao Keila và quyết định miễn phí bản quyền phát sóng, miễn phí ăn ở của các đoàn thể thao và miễn phí vé vào cửa các môn thi đấu. “Chúng ta phải tạo nên Lễ khai mạc theo tiêu chuẩn Olympic tuyệt vời nhất từ trước đến nay”, Tổng thư ký Ban Tổ chức Quốc gia SEA Games 32 (CAMSOC) Vath Chamroeun nói. Cũng chính vì lẽ đó, mọi thông tin liên quan đều được giấu kín, đồng thời hành vi quay phim, chụp hình các buổi diễn tập đều bị cấm.
Khi phóng viên báo Tiền Phong tới Morodok Techo trước Lễ khai mạc, hàng ngàn tấn thiết bị đang được lắp đặt quanh sân vận động, bao gồm đèn cảm ứng gắn ở mỗi ghế ngồi, đèn LED dạng lưới căng giữa sân cùng hàng ngàn đèn chiếu chạy trên mái vòm, các dãy khán đài, hứa hẹn tạo nên bữa tiệc hoành tráng cả về âm thanh, ánh sáng và con người. Việc diễn tập cũng diễn ra theo các nhóm đơn lẻ trước khi kết hợp lại với nhau ở lễ tổng duyệt.
Thời điểm phóng viên ở đó, một nhóm đồng diễn vừa xong và tiến vào là các nghệ sỹ lớn như Preap Sovath, Khemarak Sereymon, Khem và Meas Soksophea. Còn có cả nam rapper Vannda, thần tượng của giới trẻ Campuchia. Tại Lễ khai mạc, họ sẽ biểu diễn bài hát chính thức của SEA Games 32 “Cambodia Pride” cùng nhóm múa chuyên nghiệp. Riêng chi phí cho màn đồng ca này rất tốn kém, từ việc đào tạo, tập luyện đến chuẩn bị trang phục. Theo một nguồn tin, Lễ khai mạc còn có màn biểu diễn chung của các nghệ sỹ đến từ 11 nước tham dự SEA Games 32 với bài hát “One ASEAN, One Heart”.
Bên ngoài sân, ngay dưới khán đài Morodok Techo là tập hợp những mô hình phục vụ trình diễn được thiết kế và lắp đặt cầu kỳ. Chúng được tạo ra bởi hàng ngàn công nhân làm việc cật lực suốt nhiều tháng, ăn ngủ trong những căn lều dựng lên tại chỗ. Đền Angkor Wat, cung điện, gùi lúa, các cửa tiệm… được tái hiện sống động nhằm mô phỏng lịch sử, văn hóa lâu đời và đáng tự hào của Campuchia, từ khởi nguyên đến Đế chế Angkor và hiện tại, một đất nước đang phát triển rất nhanh. Đồng thời, giới thiệu với thế giới về xứ sở chùa tháp đáng tin cậy, thân thiện và hào phóng, sẵn sàng chào đón tất cả.
Theo lời Tổng thư ký CAMSOC Chamroeun, “một khung cảnh tuyệt vời sẽ được tạo ra ở Morodok Techo để SEA Games 32 chính thức bắt đầu”. Tối nay, 5/5, chúng ta hãy cùng chờ xem.