Tại VBA Draft 2020, Saigon Heat chính là cái tên gây được sự chú ý lớn nhất của NHM khi nắm trong tay Pick 1. Họ không ngần ngại sử dụng ưu thế này để mang về Christian Juzang, tài năng gốc Việt hàng đầu trong nhiều năm trở lại đây. Với 3 lượt chọn còn lại, BLĐ đội bóng "Ông 30" tiếp tục quá trình bổ sung những vệ tinh chất lượng cho đội hình.
Nếu như Kim Ji Soo, Tony Hoàng Tú đều đã có ít nhiều tên tuổi trong các giải đấu trẻ ở Việt Nam cũng như đấu trường quốc tế, thì lượt chọn Lê Quang đã khiến nhiều người phải ngỡ ngàng tự hỏi, đây là cầu thủ như thế nào mà khiến HLV Kevin Yurkus đặt trọn niềm tin đến như vậy ở kỳ VBA Draft.
Với những gì đã trải qua suốt cả giai đoạn thi đấu tại VBA 2020, Lê Quang đã chứng minh cho tất cả thấy rằng Saigon Heat đã có một quyết định chính xác khi lựa chọn anh ở vòng 3 của VBA Draft. Với sự tự tin, không hề sợ hãi cùng những cú ném 3 điểm lạnh lùng và chuẩn xác, Lê Quang đã cùng với Saigon Heat bước lên ngôi vị cao nhất ở VBA 2020. Bản thân anh cũng đem về danh hiệu "Tân binh xuất sắc" nhất năm cho riêng mình.
Với những thành công ấy, sẽ càng ấn tượng hơn nữa khi biết rằng, Lê Quang xuất thân là một cầu thủ đi lên từ bóng rổ sinh viên và chưa từng được đào tạo bài bản một cách chuyên nghiệp. Đây là điều vô cùng hiếm hoi trong làng bóng rổ Việt Nam, khi đa phần các cầu thủ đều trưởng thành từ các lò đào tạo lừng danh trên cả nước.
Lê Quang đã đạt được những thành công ngoài mong đợi cùng Saigon Heat, dù chỉ có xuất phát điểm là một cầu thủ sinh viên. Ảnh: FBNV, Huy Phạm
Theo chia sẻ của Lê Quang, đây là một quá trình không hề dễ dàng: "Ở môi trường sinh viên, mình thường thi đấu dựa nhiều vào kỹ thật cá nhân, cũng như một chút bản năng khi ở trên sân. Thế nhưng ở môi trường chuyên nghiệp, mọi chuyện đã phải thay đổi hoàn toàn"
"Tập luyện, sinh hoạt, tấn công, phòng ngự, chạy bài, liên lạc với đồng đội ... tất cả đều phải được đặt trong một hệ thống nhất định. Kể cả khi không được vào sân, bạn vẫn luôn có một vai trò nhất định trên băng ghế dự bị. Kỹ năng cá nhân là quan trọng, nhưng để đi lên con đường chuyên nghiệp, bạn cần biết cách phát huy tối đa khả năng của mình trong một tập thể. Quá trình này đã giúp mình rất nhiều để trở thành một cầu thủ tốt hơn tại Saigon Heat".
Bên cạnh việc phát triển kỹ năng của bản thân, khả năng tư duy cùng cách làm việc nhóm, Lê Quang cũng đã phải thay đổi rất nhiều trong thói quen và lịch trình sinh hoạt cá nhân khi trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp. Trong đó, cậu sinh viên 26 tuổi đôi khi vẫn phải xoay sở với quỹ thời gian eo hẹp của một ngày để cân bằng giữa học vấn và tập luyện.
"Mình nghĩ vấn đề lớn nhất chính là thời gian. Rất khó để bạn duy trì một sự hiệu quả khi sắp xếp lịch tập luyện và thi đấu xen kẽ với khối lượng học tập mà mình phải đối mặt. Tuy nhiên, nếu bản thân có một kế hoạch quản lý thời gian một cách hiệu quả, vấn đề này cũng không khó để giải quyết".
Trong một nền giáo dục và thể thao đặc thù như ở Việt Nam, việc một người đi lên chuyên nghiệp từ các giải đấu phong trào dành cho sinh viên như Lê Quang là điều cực kỳ hiếm gặp. Không như hệ thống đào tạo bài bản, đội ngũ HLV chuyên nghiệp cùng mô hình học bổng thể thao ở Mỹ, các đội bóng của những trường đại học ở Việt Nam đa phần chỉ hoạt động theo dạng sinh hoạt CLB, đội nhóm. Những sự thiếu thốn về mặt sân bãi, điều kiện tập luyện, giáo trình và cả một người hướng dẫn là một rào cản lớn.
Một số trường đại học có không ít những cầu thủ sinh viên thi đấu chuyên nghiệp, nhưng đa phần trong số họ đều có nền tảng từ những CLB địa phương từ thuở nhỏ như Võ Kim Bản, Nguyễn Huỳnh Phú Vinh. Việc chuyển đổi từ việc chơi bóng rổ tự do, không bị gò bó cho đến những bài tập luyện kỷ luật và cường độ cao chưa hề là một điều dễ dàng cho bất kỳ ai.
"Với những người như tụi mình thì họ sẽ tự xem, tự học hỏi và tập luyện là chủ yếu. Sẽ rất khó để bạn duy trì quyết tâm và niềm đam mê để đi vào con đường đào tạo chuyên nghiệp và kỷ luật. Việc có một HLV dìu dắt ngay từ thuở ban đầu tại các học viện hay lò đào tạo sẽ giúp bạn có được nhiều thứ hơn so với một người đi lên từ phong trào sinh viên".
"Mình rất khó để so sánh con đường xuất phát nào là tốt hơn cho những bạn có giấc mơ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Mỗi hướng đi đều có những ưu thế riêng và với quan điểm của mình, bóng rổ sinh viên sẽ giúp bạn phát triển những dự định bên ngoài trái bóng cam nếu một ngày nào đó, bạn phải tạm gác lại đam mê của chính mình", cầu thủ của Saigon Heat chia sẻ.
Bên cạnh xuất phát điểm là một sinh viên, Lê Quang cũng là một cầu thủ khá đặc biệt của Saigon Heat khi đang là "lão tướng" của đội khi chỉ vừa 26 tuổi. Đây cũng là cơ sở để nhiều NHM cho rằng, tân HLV Matt Van Pelt của Saigon Heat sẽ đề cao vai trò thủ lĩnh của chàng xạ thủ đến từ RMIT tại VBA 2021.
Thế nhưng, mặc dù là cầu thủ già dặn nhất về tuổi đời, tuổi nghề của Lê Quang là điều không thể so sánh với nhiều cầu thủ "thâm niên" khác trong đội hình như Tim Waale, Tony Hoàng Tú hay Võ Kim Bản. Đối với Lê Quang, đây cũng là lý do để HLV Matt Van Pelt có một cái nhìn khác về vai trò "thủ lĩnh" thật sự của Saigon Heat ở mùa giải năm nay.
"Đối với HLV Matt Van Pelt, thầy luôn bảo với tất cả rằng không một ai là thủ lĩnh của đội. 12 con người, với 12 tính cách, lối chơi riêng biệt luôn là người thủ lĩnh ở một phương diện hay vai trò nào đó cả trong và ngoài sân bóng. Đây cũng là cơ sở giúp cả đội đoàn kết hơn và hướng đến mục tiêu cao nhất ở VBA 2021".
"Mình vẫn muốn hoàn thành việc học và cả giấc mơ theo đuổi đến cùng con đường thi đấu chuyên nghiệp. Mục tiêu của mình là được thi đấu tại VBA và Saigon Heat trong vòng 5 năm tới, bởi mình thật sự yêu bóng rổ và để xem mình có thể tiến được tới đâu trên con đường mình đã chọn", Lê Quang khẳng định tương lai của bản thân, với một sự tự tin của chàng trai 26 tuổi đi lên từ bóng rổ phong trào.