Vụ việc George Floyd bị viên cảnh sát Derek Chauvin đè chân lên cổ dẫn đến tử vong, đã dẫn đến hàng loạt cuộc biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc trên toàn nước Mỹ. Mặc dù có không ít những nơi biến tướng thành bạo động, nhưng một số khu vực khác vẫn đang tuân thủ việc biểu tình ôn hòa của mình.
Thế nhưng, nước Mỹ lại phải tiếp tục chứng kiến một pha bạo hành khác của cảnh sát lên một người biểu tình ôn hòa. Trong một video được chia sẻ trên Twitter của mình, ký giả Mark Jones của ESPN đã cho thấy hình ảnh một người da trắng lớn tuổi bị cảnh sát đẩy ngã đến chảy máu đầu, chỉ vì ông ta cố gắng giải thích một vấn đề gì đó cho lực lượng an ninh.
Theo như thông tin ghi nhận, danh tính nạn nhân được xác định là Martin Gugino, 75 tuổi và là một trong những người hoạt động vì cộng đồng khá nổi tiếng với nước Mỹ. Hiện tại, ông đang phải điều vị tại bệnh viện và sức khỏe cũng đang dần đi vào ổn định.
Sau khi được lan truyền rộng rãi, LeBron James đã bày tỏ sự tức giận của mình khi chứng kiến đoạn video, nhất là sau khi có nhiều tin đồn rằng người đàn ông này chỉ "bị trượt chân và tự ngã".
Ngôi sao của Los Angeles Lakers là một người có tầm ảnh hưởng rất lớn đến cộng đồng và cũng không ngần ngại bày tỏ quan điểm của mình lên MXH. Sau khi cầu thủ này lên tiếng, lực lượng cảnh sát ở thành phố Buffalo nhanh chóng trở thành tâm điểm bị chỉ trích tiếp theo của công chúng.
Trước sự việc này, 2 sĩ quan cảnh sát là Aaron Torgalski và Robert McCabe đã phải đối mặt với cáo buộc về tội hành hung người cấp độ 2. Nếu bị xác định có tội, nhiều khả năng cả 2 viên cảnh sát này sẽ đối mặt với án tù trong thời gian tới.
Trong những ngày vừa qua, nước Mỹ đang phải trải qua một cuộc bạo loạn chưa từng thấy về mặt quy mô. Ở nhiều nơi, biểu tình đã bùng phát trở thành bạo động, khi một số kẻ quá khích đã đốt phá, cướp bóc mọi thứ họ nhìn thấy trên đường đi.
Nhằm xoa dịu tình hình trên, rất nhiều cầu thủ NBA đã đứng ra tổ chức những cuộc biểu tình ôn hòa với mục đích sử dụng tiếng nói và sự đoàn kết, để khiến xã hội phải nhìn nhận lại về vấn đề phân biệt chủng tộc đã tồn tại trong hàng trăm năm vừa qua.
Video quay lại toàn cảnh sự việc.