LeBron James và tầm ảnh hưởng không thể chối cãi cả trong lẫn ngoài sân bóng

Mây , 16:30 06/10/2021 | Bóng rổ

Chia sẻ

Dù sở hữu lượng antifan khổng lồ nhưng ít người có thể phủ nhận được sức ảnh hưởng rất lớn của LeBron James lên toàn bộ NBA.

Không cần bàn cãi gì thêm khi khẳng định rằng LeBron James là ngôi sao bóng rổ lớn nhất thế giới ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên sự nổi tiếng này luôn đi kèm với sự ganh ghét tới từng hành động nhỏ nhặt nơi cầu thủ gốc Akron. Họ khó chịu vì LeBron James tạo ra xu hướng Big Three tại NBA hay luôn đi tìm tiếng nói lớn hơn cho giới cầu thủ. Thế nhưng chẳng ai phủ nhận được anh đã thay đổi cả giải đấu.

LeBron James không chỉ là nhà vua trên sân bóng rổ là điều cả antifan cũng chẳng thể phủ nhận - Ảnh 1.

Sức ảnh hưởng của LeBron James giờ đây đã vượt ra bên ngoài sân bóng rổ

Hãng thông tấn Sports Insider từng tung ra một bản đồ về cầu thủ bị ghét nhất theo các bang tại Mỹ. Bằng cách sử dụng thuật toán phân tích các cú tweets, hashtag hay các trạng thái với các cụm từ về vấn đề hạ thấp một cầu thủ NBA như “Tôi ghét cầu thủ A”, “Cầu thủ B thật là kém”,… Sau khi phân tích biểu mẫu gồm hơn 70,000 tweets, hashtag và các trạng thái như đã nói ở trên, Sports Insider đã đưa ra được kết luận khá thú vị.

Theo kết quả phân tích, Lebron James “vinh dự” nhận danh hiệu cầu thủ bị ghét nhất nước Mỹ với 24 bang tỏ ra cực kỳ thù địch với cầu thủ gốc Ohio. Cầu thủ thuộc biên chế Los Angeles Lakers bị thù ghét trải dài từ bờ Tây sang tới bờ Đông. Rất hài hước khi một bang tại cực bắc tiếp giáp Bắc cực với dân số chỉ là 731.545 người như Alaska cũng tỏ ra không ưa gì LeBron James.

LeBron James không chỉ là nhà vua trên sân bóng rổ là điều cả antifan cũng chẳng thể phủ nhận - Ảnh 2.

LeBron James sở hữu lượng antifan đông nhất trong giới cầu thủ NBA

Sự thật LeBron James bị ghét suốt chiều dài nước Mỹ thực ra cũng không quá khó hiểu và có thể giải thích rõ ràng. Có hai nguyên nhân lớn dẫn đến việc King James bị NHM cảm thấy khó ưa, một là màn trình diễn của siêu sao này trước đội bóng đại diện cho bang của họ và thứ hai đến từ đời tư của anh.

Ở khía cạnh thứ hai là đời tư, đây là vấn đề khá nhạy cảm tuy nhiên cũng có thể giải thích một cách logic. NHM NBA đến thời điểm này đều biết LeBron James là cầu thủ rất chăm chỉ tham gia vào các hoạt động xã hội và chính trị. Anh chính là tiếng nói lớn đại diện cho cộng đồng người Mỹ gốc Phi và đặc biệt cho giới cầu thủ. Vì thế nếu chú ý các bang miền Tây anti LeBron đều có đa số dân số là người da trắng trung lưu như Oregon, Utah, Nebraska,…

LeBron James không chỉ là nhà vua trên sân bóng rổ là điều cả antifan cũng chẳng thể phủ nhận - Ảnh 3.

Tiếng nói của LeBron James gây khá nhiều tranh cãi

Tuy nhiên theo cựu HLV của Golden State nơi Mark Jackson, LeBron James thực chất chẳng làm gì sai trong sự nghiệp mình theo góc nhìn cá nhân. Kể cả việc tạo ra trào lưu siêu đội hình hay xu hướng tiếng nói lớn hơn cho giới cầu thủ. Trong lần xuất hiện trên show Club Shay Shay, vị cựu HLV sinh năm 1965 nhấn mạnh rằng ngôi sao Lakers đã cho tất cả mọi cầu thủ nhận ra mình có thể tự kiểm soát vận mệnh.

“LeBron James đã thay đổi bóng rổ và anh ta không được người đời nhớ công một chút nào. LeBron thay đổi mọi thứ không chỉ với cương vị cầu thủ bóng rổ mà còn dưới vị trí một doanh nhân nữa. Anh ta cho mọi cầu thủ nhận ra họ đang có những gì trong tay. Sức mạnh đó không gì khác ngoài việc đưa ra các quyết định có lợi cho sự nghiệp của bản thân”.

Mark Jackson giải thích về sức ảnh hưởng của LeBron James

Không dừng lại tại đây, Mark Jackson lấy Kevin Durant ra như một ví dụ điển hình của một cầu thủ biết noi theo gương LeBron James: “Hãy nhìn cách Kevin Durant quyết định bản thân sẽ đến Golden State Warriors nhằm tìm kiếm chức vô địch. Rồi sau đó lại ra đi nhằm cập bến Brooklyn Nets. Tất cả mọi quyết định đó đều ổn cả. Mọi người nhận ra rằng mình có thể nắm trong tay tương lai lẫn di sản của mình. Chính vì thế họ phải biết đưa ra những nước đi có lợi cho bản thân”.

Rõ ràng những hành động bên ngoài sân bóng của LeBron James đã tác động sâu rộng tới NBA và đặc biệt là giới cầu thủ. Tuy kết quả có thể đem đến sự mất cân bằng cho giải đấu trong một khoảng thời gian thế nhưng không thể phủ định ngôi sao sinh năm 1984 đã thực sự “trao quyền” vào tay cầu thủ. Đó có lẽ mới là giá trị đích thực của biệt danh “Nhà vua”.