WORLD CUP 1954 – Thụy Sỹ: Câu chuyện thần kỳ ở Bern
World Cup 1954 tại Thụy Sỹ chứng kiến một trong những câu chuyện khó tin nhất lịch sử giải đấu. Tuyển Tây Đức khi ấy tham dự với thành phần các cầu thủ nghiệp dư và tất nhiên không được lựa chọn vào nhóm 8 hạt giống trong số 16 đội dự giải.
Dẫu vậy, Fritz Walter, Helmut Rahn và các đồng đội vẫn liên tiếp khiến tất cả phải nhìn mình bằng ánh mắt thán phục. Sau khi đánh bại Thổ Nhĩ Kỳ 7-2 ở trận play-off tại bảng 2, Tây Đức tiếp tục thăng hoa với những chiến thắng ấn tượng 2-0, 6-1 trước Nam Tư (cũ) và Áo để ghi tên vào trận chung kết.
Ngày 4/7/1954, Tây Đức bước vào trận tranh cúp vàng cùng Hungary, đội bóng mạnh nhất thế giới khi ấy và cũng mới "hủy diệt" chính Tây Đức 8-3 ở vòng bảng. Nhưng điều thần kỳ đã xảy ra ở Bern.
Tuyển "nghiệp dư" Tây Đức tạo nên một trong những trận chung kết khó tin nhất lịch sử World Cup.
Bị thủng lưới 2 bàn chỉ sau 8 phút bóng lăn, tưởng như Tây Đức sẽ sớm giương cờ trắng đầu hàng. Tuy nhiên, đoàn quân của HLV Sepp Herberger đã thi đấu quật khởi, ngược dòng không tưởng 3-2 để lần đầu tiên bước lên đỉnh cao nhất của bóng đá thế giới. Ở trận tranh hạng 3, Áo vượt qua Uruguay với tỷ số 3-1.
Với 11 bàn thắng, bỏ xa các đối thủ xếp sau tới 5 bàn, tiền đạo lừng danh Sandor Kocsis của Hungary trở thành Vua phá lưới. Bản thân giải đấu cũng xác lập rất nhiều kỷ lục World Cup về bàn thắng, như số pha lập công trung bình mỗi trận (5,38 bàn/trận), đội bóng ghi nhiều bàn nhất ở một VCK (Hungary – 27 bàn) và trận đấu có nhiều bàn thắng nhất (Áo thắng 7-5 trước chủ nhà Thụy Sỹ ở tứ kết).
Chung kết World Cup 1954: Đức 3-2 Hungary
Bạn có biết?
- 16 đội bóng được chia làm 4 bảng nhưng mỗi bảng chỉ thi đấu 4 thay vì 6 trận. Hai đội hạt giống cũng như không được xếp hạt giống ở mỗi bảng không trực tiếp đối đầu với nhau.
- VCK 1954 là kỳ World Cup đầu tiên được phủ sóng rộng rãi trên truyền hình.
- Fritz và Ottmar Walter của tuyển Tây Đức trở thành cặp anh em đầu tiên vô địch World Cup.
- Thụy Sỹ được chọn là nước chủ nhà World Cup 1954 vì đứng ở thế trung lập trong chiến tranh thế giới thứ hai.
- Trong nỗ lực quên đi nỗi sỉ nhục mang tên "Maracanazo" (thất bại 1-2 trước Uruguay ở trận chung kết World Cup 1950 ngay tại thánh địa Maracana), tuyển Brazil lần đầu lựa chọn trang phục vàng – xanh như hiện tại thay vì màu trắng truyền thống.
WORLD CUP 1958 – Thụy Điển: Vua bóng đá Pele xuất hiện
Tuyển Brazil đến với World Cup 1958 mang theo không ít kỳ vọng xen lẫn ngờ vực của người hâm mộ xứ samba. Thất bại đau đớn 1-2 trước Uruguay ở trận chung kết lịch sử ngay tại thánh địa Maracana cách đó 8 năm vẫn chưa thể nguôi ngoai.
Ra quân hoàn hảo tại bảng 4 bằng thắng lợi 3-0 trước Áo nhưng Brazil nhanh chóng gây thất vọng với kết quả hòa 0-0 trước Anh, trận hòa không bàn thắng đầu tiên trong lịch sử World Cup.
Trước áp lực từ các học trò trong phòng thay đồ, HLV Vicente Feola buộc phải xếp hai tài năng trẻ Pele và Garrincha vào đội hình xuất phát. Lập tức, bộ đôi trên trở thành nguồn cảm hứng lớn lao đưa Selecao lần lượt vượt qua những đối thủ khó chơi như Xứ Wales, Pháp và đặc biệt chủ nhà Thụy Điển trong trận chung kết để lần đầu lên đỉnh thế giới.
Ở tuổi 17, "Vua bóng đá" Pele đã tỏa sáng để cùng Selecao lên đỉnh thế giới.
Cũng từ kỳ World Cup đáng nhớ ấy, chàng trai trẻ 17 tuổi Pele bắt đầu hành trình trở thành Vua bóng đá. Đến nay, huyền thoại bóng đá người Brazil vẫn đang nắm giữ những kỷ lục World Cup rất khó xô đổ, cầu thủ trẻ nhất ghi bàn (17 tuổi 239 ngày), cầu thủ trẻ nhất lập hat-trick (17 tuổi 244 ngày) hay cầu thủ trẻ nhất ghi bàn ở trận chung kết (17 tuổi 249 ngày).
Tuyển Brazil lên ngôi vô địch xứng đáng bằng một tập thể nhiều tài năng nhưng không ai có thể đạt đến cột mốc ghi bàn khủng khiếp như Just Fontaine. Tiền đạo chủ lực của tuyển Pháp ghi tới 13 bàn thắng để trở thành chân sút hiện vẫn giữ kỷ lục "phá lưới" ở một kỳ World Cup, trong đó có 4 pha lập công ở chiến thắng đậm 6-3 trước Tây Đức tại trận tranh hạng 3.
Chung kết World Cup 1958: Brazil 5-2 Thụy Điển
Bạn có biết?
- Găng tay bắt đầu được sử dụng như một phần trong trang phục thi đấu của các thủ môn. Huyền thoại Lev Yashin (Liên Xô) là thủ thành đi tiên phong trong việc sử dụng găng tay.
- Dù thi đấu xuất sắc và trở thành Vua phá lưới, Just Fontaine lại không có tên trong đội hình tiêu biểu của World Cup 1958.
- Brazil trở thành đội bóng đầu tiên phá vỡ thông lệ, đội bóng vô địch thuộc lục địa đăng cai giải đấu.
WORLD CUP 1962 – Chile: Kỳ World Cup đáng quên
Trong ký ức của người hâm mộ, World Cup 1962 không để lại nhiều ấn tượng đẹp, thậm chí được xem như VCK đáng bị quên lãng nhất trong lịch sử. Nước chủ nhà Chile vẫn ngổn ngang sau trận động đất kinh hoàng 9,5 độ richter 2 năm trước, vấn nạn bạo lực leo thang ở các trận đấu, sự mờ nhạt của những ngôi sao trở thành dấu ấn đậm nét nhất.
Gương mặt được kỳ vọng nhất, Pele, phải chia tay giải đấu ngay trận thứ 2 vòng bảng vì chấn thương. Alfredo Di Stefano, Ferenc Puskas, Lev Yashin… hoặc không được trọng dụng, hoặc sa sút phong độ.
Sớm mất Pele, Brazil phải nhờ tới nguồn cảm hứng Garrincha để lên ngôi vô địch.
Cuộc so tài giữa chủ nhà Chile và Italy trở thành một trong những trận đấu bạo lực nhất lịch sử World Cup. Hai cầu thủ Italy bị truất quyền thi đấu vẫn còn quá ít so với những ngón đòn triệt hạ đối phương được cả hai đội tung ra. Tất cả chỉ bởi một bài báo không hay viết về nước chủ nhà trước trận.
Trong bức tranh u ám ấy, Garrincha nổi lên như một điểm sáng hiếm hoi. Bằng tài năng như thể sinh ra chỉ để chơi bóng, huyền thoại với đôi chân "ngoặc kép" góp công lớn giúp Brazil thăng hoa.
Garrincha chơi hay đến nỗi Tổng thống Chile và người dân nước này quay sang ủng hộ Brazil ở trận chung kết với Tiệp Khắc tại Santiago, bất chấp chính Selecao vừa loại đội chủ nhà ở bán kết vài ngày trước đó. Không phụ sự kỳ vọng, đội tuyển Vàng – Xanh giành chiến thắng 3-1 để bảo vệ thành công ngôi vô địch.
Chung kết World Cup 1962: Brazil 3-1 Tiệp Khắc
Bạn có biết?
- Tuyển Tây Ban Nha dự World Cup 1962 với 4 cầu thủ trước đó từng khoác áo ĐTQG khác, bao gồm: Alfredo Di Stefano (Argentina), Ferenc Puskas (Hungary), Jose Santamaria (Uruguay) và Eulogio Martinez (Paraguay). Dẫu vậy, đại diện châu Âu vẫn bị loại ngay từ vòng bảng.
- Có tới 50 cầu thủ dính chấn thương chỉ sau 4 ngày tranh tài.
- Nhờ thành tích góp công đưa Tiệp Khắc đến chung kết, tiền vệ Josef Masopust được tạp chí France Football vinh danh ở hạng mục "Quả bóng vàng châu Âu".
- Thành tích giành hạng 3 sau chiến thắng 1-0 trước Nam Tư vẫn là thành tích tốt nhất của Chile ở đấu trường World Cup.
WORLD CUP 1966 - Anh: Chủ nhà vô địch nhờ bàn thắng ma
Lần đầu tiên trong lịch sử, World Cup đến với quê hương bóng đá. Người Anh đã nỗ lực để tổ chức một VCK thành công về mặt hình ảnh, thương hiệu sau kỳ World Cup nhạt nhòa 4 năm trước đó. Dẫu vậy, người hâm mộ vẫn phải chứng kiến một vài "vết đen" ở cả trong lẫn ngoài sân cỏ.
Khoảng 4 tháng trước giờ khai cuộc, chiếc cúp vàng Jules Rimet bất ngờ bị đánh cắp khi đang trưng bày ở Westminster. May mắn thay, chiếc cúp được tìm thấy 7 ngày sau đó trong một bụi rậm ở phía nam London bởi một chú chó mang tên Pickles, khi đang đi dạo cùng ông chủ.
"Bàn thắng ma" của Geoff Hurst giúp tuyển Anh nếm trải cảm giác vô địch thế giới.
Trên sân cỏ, chủ nhà Anh và cựu vô địch Tây Đức xứng đáng góp mặt trong trận đấu cuối cùng khi bỏ lại sau lưng những đối thủ sừng sỏ như Argentina, Bồ Đào Nha, Uruguay hay Liên Xô. Trận chung kết diễn ra hấp dẫn với màn rượt đuổi tỷ số kịch tính 2-2 ở 90 phút thi đấu chính thức.
Nhưng nút thắt của trận đấu lại đến trong hiệp phụ, với một pha bóng vẫn còn gây tranh cãi đến tận ngày nay. Phút 101, cú sút của Geoff Hurst đưa bóng dội xà rơi xuống gần vạch vôi rồi nảy ra ngoài.
Do không kịp quan sát tình huống quá nhanh, trọng tài chính Gottfried Dienst buộc phải tham khảo ý kiến từ người trợ lý biên, Tofiq Bahramov. Kết luận nhanh chóng được đưa ra, công nhận bàn thắng, bất chấp sự phản đối dữ dội từ các cầu thủ Đức.
Sau này, nhờ những tiến bộ của khoa học kỹ thuật, tình huống trên mới được làm sáng tỏ. Theo đó, bóng vẫn còn ở ngoài vạch vôi tới 6 cm và pha lập công của Geoff Hurst xứng đáng được xếp vào một trong những "bàn thắng ma" nổi tiếng nhất lịch sử.
Nhờ pha lập công gây tranh cãi, tuyển Anh giành chiến thắng chung cuộc 4-2 để lên ngôi vô địch trên sân nhà. Tiền đạo lừng danh Eusebio giành danh hiệu Vua phá lưới với 9 bàn thắng, trong đó có 1 pha lập công ở chiến thắng 2-1 của Bồ Đào Nha trước Liên Xô tại trận tranh hạng 3.
Chung kết World Cup 1966: Anh 4-2 Đức
Bạn có biết?
- Bobby và Jack Charlton trở thành cặp anh em tiếp theo vô địch World Cup sau Fritz và Ottmar Walter (Tây Đức).
- Geoff Hurst hiện vẫn giữ kỷ lục cầu thủ lập hat-trick trong trận chung kết.
- Lần đầu tiên ở một VCK, các cậu bé nhặt bóng được sử dụng để hỗ trợ trận đấu.
- Đội tuyển Triều Tiên gây bất ngờ lớn ngay lần đầu tham dự với tấm vé vào tứ kết sau chiến thắng 1-0 trước Italy ở trận cuối vòng bảng.