Lời chỉ trích này đến từ Amanda Staveley, người đứng đầu cuộc đàm phán chuyển nhượng CLB Newcastle, sau khi thương vụ này chính thức đổ vỡ. Nhật báo The Sun (Anh) dẫn nguyên văn phát biểu đẫm nước mắt của bà Amanda Staveley, trong đó chỉ rõ Chính phủ Anh cũng như Ban tổ chức Ngoại hạng Anh đã cố tình kéo dài thời gian xem xét việc tiếp quản đến 17 tuần lễ khiến dự án đầu tư tiềm năng này không còn khả thi về mặt thương mại.
Người đứng đầu PCP Capital Partners cũng nêu đích danh một vài đội bóng, cụ thể có Liverpool và Tottenham, tích cực ngăn cản tiến trình chuyển nhượng Newcastle bởi "Magpies" được coi là đối thủ tiềm năng tại giải Ngoại hạng Anh. Tất nhiên, hai đội bóng này chưa đưa ra bất cứ nhận định nào về cáo buộc kể trên. Cả hai đã rút ra "bài học kinh nghiệm xương máu" khi Tòa án Trọng tài thể thao quốc tế (CAS) mới đây đã công bố tên tuổi 9 đội bóng "đánh hội đồng" Man City xung quanh việc vi phạm Luật Công bằng tài chính, trong đó có Liverpool và Tottenham!
Tháng 4 vừa qua, trong giai đoạn bóng đá bị đình hoãn vì đại dịch Covid-19, người hâm mộ xứ sở sương mù xôn xao với thông tin Quỹ đầu tư tài chính công Ả Rập Saudi cùng với 2 đối tác quyết định chi 300 triệu bảng để mua lại CLB Newcastle từ ông bầu Mike Ashley. Tưởng chừng làng cầu Anh sẽ có thêm một "đại gia" kèm theo đó là viễn cảnh tăng cường sức thống trị đấu trường châu Âu, thế nhưng mọi việc cuối cùng đã đổ vỡ.
Hôm 30/7, nhóm 3 đối tác mà Amanda Staveley làm trưởng đoàn đàm phán đã phát đi thông cáo báo chí, tuyên bố chính thức rút lui khỏi thương vụ chuyển nhượng CLB Newcastle. Ngoài lý do bị gây khó dễ bởi các thủ tục hành chính từ Chính phủ Anh và Ban tổ chức giải Ngoại hạng, những vấn đề kinh tế nảy sinh từ dịch bệnh Covid-19 cũng góp phần khiến dự án đầu tư này phải bị hủy bỏ bên cạnh một nguyên nhân hết sức chính đáng khác là tương lai không mấy rõ ràng của giải Ngoại hạng sau đại dịch.
Phản pháo lại tuyên bố của Quỹ đầu tư tài chính công Ả Rập Saudi (PIF), báo chí Anh chỉ ra rằng, quá trình tiếp quản Newcastle bị kéo dài là từ đơn thư tố cáo Thái tử Mohammed bin Salman, người đứng đầu PIF. Những cáo buộc đối với vị hoàng thân đầy quyền lực này liên quan đến ám sát chính trị, mua bán vũ khí bất hợp pháp, tiếp tay cho các vụ xâm phạm bản quyền truyền hình … liên tục được đưa ra cùng với vô số đơn kiến nghị ngăn chặn thương vụ này được trình lên Chính phủ Anh cũng như Ban tổ chức giải Ngoại hạng.
Tháng trước, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã đưa ra bản báo cáo về tình trạng xâm phạm bản quyền truyền hình giải Ngoại hạng Anh mà kênh truyền hình beoutQ – được cho là do chính quyền Ả Rập Saudi "chống lưng" – ngang nhiên chiếm sóng và bán lại cho các quốc gia trong khu vực Trung Đông và Bắc Phi với giá rẻ gấp nhiều lần. Phía Ả Rập Saudi cực lực phản bác nhưng WTO vẫn giữ nguyên quan điểm và cho rằng nếu không đồng ý, quốc gia này có thể nộp đơn khởi kiện.
"Tình ngay lý gian", đầu tháng 7, Ả Rập Saudi đã quyết định cấm hãng truyền hình beIN Sports hoạt động trên lãnh thổ nước này. beIN Sports có trụ sở ở Qatar, chính là đối tác nắm giữ bản quyền phát sóng Ngoại hạng Anh ở khu vực Trung Đông và đã liên tục phản ánh việc bị beoutQ chiếm sóng lên WTO và các tổ chức quốc tế có thẩm quyền. beIN Sports cũng đã tích cực liên hệ với Ban tổ chức và lãnh đạo 20 đội bóng Ngoại hạng Anh yêu cầu lên tiếng ngăn chặn thương vụ mua bán Newcastle trong hơn 4 tháng qua.
Thương vụ chuyển nhượng Newcastle đổ bể, người hưởng lợi nhiều nhất không ai khác hơn Mike Ashley khi ông bầu người Anh nghiễm nhiên "bỏ túi" 17 triệu bảng tiền đặt cọc. Tuy nhiên, mất mát lớn nhất chính là Newcastle và bóng đá Anh khi Mike Ashley chỉ đầu tư nhỏ giọt cho "Chích chòe" nhiều mùa giải gần đây, không ngoài mục đích kiếm đối tác bán luôn đội bóng. Amanda Staveley tiết lộ, chính việc Mike Ashley đòi tăng tiền chuyển nhượng là giọt nước tràn ly khiến bà và các đối tác quyết định hủy luôn vụ mua bán này.
Bạn nên quan tâm