Fan bóng đá Việt Nam vẫn đang chỉ trích Saoud Al-Adba vì trọng tài người Qatar không cho thầy trò HLV Park Hang-seo hưởng quả penalty trong tình huống cầu thủ đối phương để bóng chạm tay ở vòng cấm.
Cụ thể, ở phút thứ 90+3 trong trận bán kết lượt đi AFF Cup 2020, Weerathep Pomphan tự phá bóng trúng cánh tay trái của chính bản thân anh khi cố gắng cắt đường chuyền bằng đầu của Tiến Linh.
Thực tế, luật để bóng chạm tay của IFAB (tức Hội đồng Bóng đá Quốc tế, cơ quan ban hành luật bóng đá thế giới), từng có 2 lần được thay đổi trong vòng nhiều năm qua và Al-Adba có cơ sở để không trao một quả phạt đền cho tuyển Việt Nam trong trận đấu diễn ra tại sân vận động quốc gia Singapore.
Đầu tiên, luật cũ quy định mọi pha để bóng chạm tay trong khu vực vòng cấm địa đều bị thổi penalty và không có thêm bất kỳ điều kiện gì khác. Ví dụ như trường hợp Victor Lindelof tự phá bóng trúng cánh tay phải khi chặn đường chuyền của Vincent Janssen ở trận Hà Lan 2-0 Thụy Điển (vòng loại World Cup 2018).
Pha để bóng chạm tay của Lindelof năm 2017 giống hệt với trường hợp của Pomphan
4 năm về trước, trọng tài Sergey Karasev lập tức cho Hà Lan hưởng phạt đền. Nhưng tới năm 2021, khi luật để bóng chạm tay đã được IFAB thay đổi, các tình huống tương tự trường hợp của Lindelof không còn bị thổi phạt 11m.
Ví dụ như pha bóng diễn ra ở phút 49 trong trận AS Roma 3-2 MU (lượt về bán kết Europa League 2020/21), Harry Maguire phá bóng trúng tay mình trong khu vực cấm địa của "Quỷ đỏ" khi đang cắt đường chuyền của Pedro.
Maguire để bóng chạm tay trong tình huống rất giống với trường hợp của Pomphan
Trong pha bóng diễn ra cách đây chỉ khoảng hơn 7 tháng, trọng tài Felix Brych cũng không trao quả phạt đền cho Roma. Luật để bóng chạm tay của IFAB đã được thay đổi thế nào trong nhiều năm qua?
Điều 1, mục 12 trong bộ luật mới nhất được áp dụng cho mùa giải 2021/22 của IFAB quy định: "Không phải mọi hành vi để bóng chạm tay của cầu thủ đều bị tính phạm lỗi. Cầu thủ bị tính lỗi chơi bóng bằng tay khi:
- Cố tình chạm bóng bằng bàn tay/cánh tay, ví dụ như di chuyển bàn tay/cánh tay về phía quả bóng.
- Bàn tay/cánh tay khiến cơ thể của cầu thủ trở nên phình to ra một cách bất thường ở thời điểm chạm bóng. Một cầu thủ bị coi là làm cho cơ thể phình to bất thường khi bàn tay/cánh tay của anh ta lúc chạm bóng không phải hệ quả của chuyển động cơ thể tự nhiên".
Vì sao Al-Adba không cho tuyển Việt Nam hưởng penalty trong trận thua trước Thái Lan? Vị trọng tài 35 tuổi nhận định Pomphan:
- Không di chuyển cánh tay về phía bóng: Pomphan vung cánh tay lên cùng chiều với cú vung chân.
- Không cố ý để bóng chạm tay: Cánh tay của Pomphan là hệ quả của chuyển động tự nhiên, tung móc phá bóng thì phải vung tay lên chứ không thể khép tay sát thân được.
Vì vậy, Al-Adba quyết định cho trận đấu tiếp tục diễn ra và không có bất kỳ quả phạt đền nào xuất hiện.
Có thể thấy, việc IFAB đổi luật phần nào gây ra sự tranh cãi trong tình huống này. Bên cạnh đó, VAR cũng không được sử dụng tại AFF Cup 2020, nên pha bóng trên tiếp tục có thêm yếu tố gây tranh cãi.