Sau kỳ tích U23 châu Á 2018, giới cầu thủ Việt Nam bắt đầu được chú ý nhiều hơn khi hàng loạt tuyển thủ U23 bỗng chốc có thêm từ vài chục nghìn cho đến cả triệu lượt follow.
Các nhãn hàng, thương hiệu cũng chạy theo cơn sốt và từ đây, các cầu thủ Việt Nam có nguồn thu nhập mới ngoài bóng đá. Ngay cả những cầu thủ trẻ mới nổi, tài khoản chưa đến chục nghìn follow cũng đã bắt đầu biết "review sản phẩm".
Song song với điều tích cực ấy, "bóc phốt" cầu thủ Việt Nam trở thành đề tài được cộng đồng mạng tích cực săm soi. Liên tục những "sự thật" về giới cầu thủ được tiết lộ mà đa số đều mang lại rắc rối cho khổ chủ.
Nói theo cách của Quang Hải sau những lùm xùm chuyện tình cảm: "Một nửa sự thật thì không bao giờ là sự thật!".
Dàn tuyển thủ Việt Nam từng bị "tam sao thất bản" với thông báo thầy Park không sử dụng mạng xã hội. Ảnh: Chụp màn hình
Ngay trước Quang Hải, người đàn anh Đỗ Duy Mạnh ở Hà Nội FC cũng dính phốt "từ trên trời rơi xuống" khi bỗng dưng xuất hiện thông tin gói gọn vài dòng chữ, trung vệ sinh năm 1996 "đi đường quyền" với cô vợ Quỳnh Anh. Chỉ từ dòng tin ngắn gọn như thế nhưng đã kéo theo cấp số nhân những post trong các hội nhóm trên mạng xã hội.
Mọi chuyện chỉ yên ắng khi đơn vị quản lý Duy Mạnh lên tiếng, nhưng quan trọng hơn là sau đó dư luận đã chuyển hướng quan tâm sang chuyện tình cảm của Quang Hải, cũng với hàng loạt những câu chuyện "sự thật là".
"Tam sao thất bản" và một nửa sự thật không bao giờ là sự thật. Như chuyện hồi tháng 9/2019, tiền đạo Văn Toàn cùng các đồng đội tại tuyển Việt Nam đồng loạt cập nhật trạng thái: "Mr Park said don't use Instagram and Facebook" (có nghĩa: Thầy Park đã nói rằng không sử dụng Instagram và Facebook).
Trọng tâm của các cầu thủ Việt Nam chính là HLV Park Hang-seo không sử dụng bất cứ tài khoản mạng xã hội nào. Vì thời điểm đó có nhiều trang sử dụng tên vị HLV người Hàn Quốc. Nhưng thay vì hiểu theo nghĩa đó, một số tài khoản lại hiểu sang thành, HLV Park Hang-seo yêu cầu các tuyển thủ ngưng sử dụng mạng xã hội để dành nhiều sự tập trung cho chuyên môn.
Sàn diễn chính của các cầu thủ ở nơi sân cỏ. Ảnh: Hiếu Lương
Mạng xã hội như "con dao 2 lưỡi", đề tài đã rất cũ nhưng vẫn mới tinh vì luôn có hàng tá câu chuyện không hồi kết. Nếu tự dưng "phốt" rơi trúng đầu thì tốt nhất nên im lặng, bơ và lơ luôn càng tốt.
Như cách xử lý của thủ môn Đặng Văn Lâm hồi lúc xuất hiện đoạn chat 18 bị nghi là của anh. Không bàn về "sự thật", chính thái độ của Đặng Văn Lâm khiến phần đông dư luận nghiêng về việc tài khoản của anh bị giả mạo và sự việc mau chóng chìm xuống.
Quan trọng hơn cả, không như nhiều ngành nghề công chúng khác, mạng xã hội không phải là "sàn diễn" chính của cầu thủ Việt Nam. Và họ nên nhớ, không có giải pháp ngăn chặn triệt để những hiểm nguy nào ngoài sự tỉnh táo và suy nghĩ thấu đáo những hệ lụy kéo theo.