Phút thứ ba của trận đấu, camera tia đến chỗ của Ole Gunnar Solskjaer. Ánh mắt ông chăm chú hướng đến vị trí trái bóng đang nằm, khoảng hơn 25m chếch về phía bên trái cầu môn. Paul Pogba bị phạm lỗi, và Manchester United được hưởng một quả đá phạt trực tiếp.
Thủ thành Neil Etheridge của Cardiff bố trí một hàng rào với 5 cái bóng áo xanh rất cao chắn từ vòng 16m50. Paul Pogba đứng trước bóng. Sẽ là một cú đá thẳng về phía góc cao bên trái. Chí ít thì anh thủ môn người Philippines nghĩ vậy. Chặn góc bên phải lại rồi đổ người khi bóng rời chân Pogba sẽ là một quyết định hợp lý.
Tiếng còi của trọng tài vang lên. Pogba chạy đà, nhưng vụt qua bóng. Từ đằng sau, một cái bóng áo đỏ khác băng lên. Trái bóng lướt qua hàng rào với tốc độ như đạn bắn, thẳng sệt về phía góc phải khung thành. Etheridge không kịp đổ người. Anh ta ngỡ ngàng. 20 cầu thủ khác trên sân ngỡ ngàng. Ole Gunnar Solskjaer ngỡ ngàng. Toàn bộ CĐV Cardiff ngỡ ngàng.
Mành lưới của đội bóng xứ Wales đã rung lên. 1-0 cho Manchester United. Solskjaer vừa chứng kiến bàn thắng đầu tiên mà đội nhà ghi được trong triều đại ngắn ngủi của mình khi còn chưa ngồi ấm chỗ. Còn trên các khán đài, CĐV United ăn mừng như điên dại. Họ vừa được xem tận mắt một bàn thắng rất giống với cách một siêu sao số 7 đã từng ghi nhiều lần khoảng 10 năm về trước trong màu áo đỏ.
Siêu sao ngày ấy có tên Cristiano Ronaldo. Còn cậu trai vừa lập siêu phẩm kia thì không mặc áo số 7.
Cậu ta mặc áo số 10.
Cậu ta là Marcus Rashford.
Sự phát triển của một cầu thủ trẻ dựa rất nhiều vào kinh nghiệm thi đấu. Ở một đấu trường khắc nghiệt như Ngoại Hạng Anh, đây càng là điều có cơ sở. Nước Anh chưa bao giờ thiếu những tài năng đầy triển vọng. Nhưng số tiền bản quyền truyền hình béo bở đi kèm với gánh nặng về hình ảnh cùng thành tích của mỗi đội bóng dẫn đến một thực tại là những ngôi sao đã khẳng định được tên tuổi sẽ được ưu tiên sử dụng hơn các sao mai.
Trong "thời đại kim tiền" này của bóng đá Anh, có thể kể ra vô vàn những "wonderkid" từng được kì vọng lớn nhưng không thể vươn mình thành một ngôi sao vì nhiều lí do. Thiếu ý chí, ăn chơi sa đọa và chấn thương đều là những nguyên nhân đã khiến Jack Rodwell, Jack Wilshere hay Adnan Januzaj chìm dần vào quên lãng.
Có những người chìm vào quên lãng...
Còn hai trường hợp của Kevin de Bruyne và Romelu Lukaku là những ví dụ tiêu biểu của những tài năng trẻ không được thi đấu nhiều ở các CLB lớn tại Premier League, rồi phải tìm kiếm cơ hội ở những đội bóng bé hơn. Rời Chelsea vài năm, hai tuyển thủ Bỉ này đều trở thành những cầu thủ hàng đầu Premier League từ hai nửa thành Manchester.
Nói vậy để thấy rằng, hành trình vươn tầm thành cầu thủ lớn và khẳng định mình của một tài năng trẻ ở Premier League có lắm thử thách và gian truân. Và sự may mắn là một yếu tố bắt buộc, đóng vai trò như chiếc chìa khía để mở ra cơ hội thể hiện cho chính mình.
...và có những kẻ phải ra đi để tìm kiếm thành công.
Người đồng đội Marcus Rashford của Lukaku là một trường hợp đặc biệt. Truyền thống đào tạo và sử dụng tài năng trẻ từ lò nhà Carrington được các CĐV xem như một phần bản sắc của Manchester United, với thế hệ 1992 như lô sản phẩm thượng hạng nhất lò đào tạo này từng sản sinh ra.
Được trình làng bởi Louis van Gaal, số phận đưa anh chàng sinh ra tại chính thành phố Manchester trở thành cầu thủ United trẻ nhất ghi bàn tại một cúp châu Âu, rồi ngay sau đó lập cú đúp trong trận ra mắt Premier League trước Arsenal để trở thành cầu thủ trẻ thứ ba ghi được bàn thắng tại giải đấu trong lịch sử đội bóng này tính từ năm 1992. Tiếp đó là cầu thủ trẻ nhất ghi bàn trong trận derby thành Manchester. Những thành tích đầy nổi bật này chỉ cách nhau đúng một tháng.
Một màn ra mắt như mơ tại Nhà hát của những giấc mơ.
Kết thúc mùa giải, cái duyên của Rashford giúp anh có được 8 bàn thắng sau 18 trận – một thành tích đầy ấn tượng của một cầu thủ tuổi teen. Đặc biệt, trong đó có những bàn thắng mang tính kết liễu trước những đội bóng lớn. Một cầu thủ giỏi cần phải biết lên tiếng trong những trận cầu quan trọng, và Rashford cho thấy phẩm chất đó ngay từ mùa giải ra mắt.
Và tất cả bắt đầu từ một chấn thương của Anthony Martial.
CĐV United hạnh phúc vì đội nhà có được một tài năng quá sáng giá, còn van Gaal thì mỉm cười vì từ cái rủi của chấn thương, ông lại kiếm được một viên ngọc thô. Cho dù cuối cùng, ông không thể giữ được chiếc ghế của mình, nhưng Marcus Rashford được xem như di sản lớn nhất mà vị HLV người Hà Lan để lại sân Old Trafford.
Giúp Quỷ đỏ cán đích ở top 4 và giành được cúp FA, Rashford được triệu tập lên ĐT Anh tham dự Euro 2016 sau khi phá tiếp kỉ lục cầu thủ trẻ nhất ghi bàn cho Tam Sư trong trận ra mắt trước Australia. Dù chỉ góp mặt trong 2 trận đấu từ băng ghế dự bị trong giải đấu thảm họa của người Anh, Rashford đã nổi lên như cầu thủ trẻ đáng kì vọng nhất thế giới.
Hiếm cầu thủ nào có được mùa giải ra mắt thành công hơn Rashford.
Khi Jose Mourinho kế nhiệm chiếc ghế của Louis van Gaal, tương lai của những tài năng trẻ như Rashford bị đặt dấu hỏi. Trong quá khứ, "Người đặc biệt" không có thói quen trọng dụng những cầu thủ trẻ mà thay vào đó tin vào những cái tên đã khẳng định được mình.
Việc chiêu mộ Zlatan Ibrahimovic ngay khi tiếp nhận ghế HLV trưởng Man Utd như một động thái thể hiện phương châm của ông. Cơ hội đá chính cho Rashford ở vị trí tiền đạo cắm coi như đã vơi đi quá nửa.
Nhưng Mourinho tin vào tiềm năng sáng giá của chàng trai này, và thường sử dụng anh trong vai trò chạy cánh. Rashford dường như đã có được sự tin tưởng bước đầu của ông thầy khó tính khi "giải cứu" đội nhà với bàn thắng mở tỉ số trên sân của Hull City ở những giây cuối cùng sau khi vào sân từ băng ghế dự bị.
Dù khởi đầu đầy ấn tượng...
Trong suốt mùa giải đầu tiên của triều đại Mourinho, Rashford không đá chính thì cũng ngồi dự bị, trở thành cầu thủ được ra sân nhiều nhất với 53 lần trên tất cả các mặt trận. Với 11 bàn thắng, anh góp phần giúp M.U giành được 2 chiếc cúp EFL và Europa League, đủ để giành suất dự Champions League mùa tiếp theo.
Với thể chất chưa phát triển hoàn toàn, Mourinho có cơ sở khi xếp Rashford đá cánh nhiều hơn để hoàn thiện kĩ năng đi bóng và tạo đột biến của bản thân. Khổ nỗi, khả năng dứt điểm của cầu thủ này lại như kém đi sự sắc bén và ổn định. Người hâm mộ thì muốn thấy một sát thủ đầy tự tin như khi ra mắt. Nhưng cầu thủ con cưng của họ lại gặp rất nhiều khó khăn để thích ứng với chiều cao cùng tỉ lệ cơ bắp phát triển hơn.
Thực tế, Rashford khởi đầu mùa giải tiếp theo rất ấn tượng. Ngay từ mùa hè, anh thường xuyên tập riêng cùng Martial và Lukaku. Bộ ba này thi đấu đầy thăng hoa ở giai đoạn đầu. Rashford và Martial thường thay vị trí của nhau từ ghế dự bị, đem đến rất nhiều sự chuyển biến trong lối chơi khi trận đấu càng về cuối. Bản thân Rashford góp công vào 12 bàn thắng sau 16 trận. United trở nên mạnh mẽ hơn và tự tin hơn, với Rashford như một quân bài quan trọng để tranh ngôi vị vô địch.
Nhưng chính sự bảo thủ của Mourinho đã dần hại đội bóng của ông và cả số 19 nữa. Không còn được chơi tự do và đánh mất sự tự tin ở nửa sau màu giải, đóng góp của Rashford cũng đi xuống theo phong độ của anh với chỉ thêm 3 bàn thắng trong giai đoạn còn lại. Mourinho vẫn bảo vệ học trò của mình hết mực, nhưng CĐV United thì không.
...nhưng Rashdord là một ví dụ tiêu biểu nữa của những cầu thủ trẻ không thể hiện được hết mình dưới sự chỉ đạo của Mourinhio.
Rashford thường xuyên bị chê ở khả năng chuyền bóng trong những tình huống có thể tạo ra cơ hội rõ ràng. Và Mourinho không thể cải thiện học trò của mình thi đấu "có não" hơn. Những tình huống bỏ lỡ cơ hội mười mươi càng làm những chỉ trích trở nên dày đặc.
Tuy vậy, khả năng của Rashford trong màu áo tuyển Anh vẫn rất tốt. Bằng chứng là HLV Gareth Southgate vẫn triệu tập anh như một quân bài dự bị chiến lược trong đội hình Tam Sư trẻ trung vào đến bán kết World Cup 2018.
Sang đến mùa giải mới, màn trình diễn ấn tượng của Rashford trong chiến thắng của người Anh ngay tại sân khách trước ĐT Tây Ban Nha càng chỉ ra cách dùng người không hợp lí của Mourinho. Giờ đây đã mang số 10 tại sân Old Trafford, áp lực thể hiện lại càng tăng lên cho cầu thủ 21 tuổi.
Mourinho đã ra đi. Phong độ có phần đi lên của Rashford với 1 bàn thắng và 4 đường kiến tạo tại Ngoại Hạng Anh đã không thể cứu lấy sự bảo thủ của ông thầy.
Nhưng một người thầy mới mà cũ nắm giữ chức tạm quyền tại đội bóng như vừa mở ra một cơ hội mới cho số 10. Ole Gunnar Solskjaer đã biết đến cậu nhóc Marcus từ khi còn là HLV đội trẻ tại Carrington. Cũng như với Paul Pogba và Jesse Lingard, cựu huyền thoại của Quỷ đỏ tin rằng Rashford sẽ là nhân tố quan trọng để khôi phục lại bản sắc tấn công như dưới thời Sir Alex Ferguson. Và cú sút phạt thành bàn rất đẳng cấp như một lời khẳng định về giá trị bản thân của cầu thủ tấn công đầy tài năng này.
Trên bụng của Rashford có một hình xăm rất đặc biệt với một cậu nhóc đá trái bóng trước hiên nhà mình. Có lẽ sự xuất hiện của Solskjaer đã giúp khơi gợi lại phần nào thứ cảm xúc chơi bóng đầy tinh túy ấy như từ khi còn là đứa trẻ cho cậu học trò của mình.
Một hình xăm mới, một cơ hội mới.
Và chứng kiến siêu phẩm vừa qua, Gareth Southgate có lẽ là người mãn nguyện nhất. Harry Kane, Raheem Sterling, Jadon Sancho và Marcus Rashford có phong độ cao sẽ đem đến nhiều lựa chọn nhân sự và toan tính chiến thuật cho tuyển Anh. Tam Sư sẽ càng trở nên nguy hiểm hơn vào Euro 2020, với trận chung kết sẽ diễn ra trên sân nhà Wembley.
Nhưng trước mắt, Rashford cần tiếp tục chứng tỏ bản lĩnh của mình và lấy lại sự tự tin đã khiến anh có được niềm yêu mến từ các CĐV nhà ngay từ những ngày đầu tiên lên đội 1. Hôm nay là ngày Lễ tặng quà. Một bàn thắng vào lưới Huddersfield Town ngay trên sân Old Trafford sẽ là món quà quý giá mà Rashford có thể giành tặng những người yêu mến mình.
Đó cũng sẽ là lời khẳng định đanh thép rằng anh và Manchester United đang trở lại.
Còn nếu không thể tận dụng và chắt chiu những cơ hội mà sự may mắn đã đem lại cho mình, một vết xe đổ như của Danny Welbeck xem ra sẽ lại được giành cho Marcus Rashford.