Tất cả đều biết Marcus Rashford lớn lên ở Wythenshawe, nơi chỉ cách Old Trafford 12 phút chạy xe. Vào những ngày này, anh là niềm hy vọng của MU với những bước chạy uyển chuyển, thông minh và rất nhiều bàn thắng.
Tuy nhiên, ít ai biết Rashford từng trải qua một tuổi thơ khó khăn, khi thường xuyên phải vật lộn với cái đói. Thường xuyên.
"Tôi không bao giờ có thể quên cảm giác khi không có thứ gì trong bụng", Rashford nói, "Nhưng tôi cũng không bao giờ than vãn vì điều đó. Không một lời nào. Nếu có, thức ăn sẽ ở trên bàn. Nếu không, Tôi sẽ phải xoay sở bằng cách tới nhà những người bạn thông cảm cho hoàn cảnh của tôi và sẵn sàng chia sẻ chút thức ăn.
Hoặc, tôi nhận thứ gì đó từ các nhà hảo tâm với điều kiện không để họ biết mẹ tôi đi làm. Bằng không, sẽ chỉ nhận một chút khoai tây chiên. Tôi cũng nhớ có một cửa hàng tên Poundworld. Vào một ngày cố định, họ sẽ phát sữa chua miễn phí. Có 7 hộp để mỗi ngày tôi có thể ăn một hộp".
Mẹ của Rashford, Mel, đã một mình xoay sở với 5 con. Bà làm thu ngân cho một nhà cái. Khi tan ca, lập tức chuyển sang công việc dọn dẹp bán thời gian ở một cửa hàng. Cuối tuần, bà nhận thêm việc lau chùi bếp.
Nhưng cho dù làm quần quật không ngơi tay, bà vẫn không kiếm đủ tiền cho 5 đứa con thơ dại. Vào bữa tối, đôi khi chúng có đồ ăn thì bà lại không.
"Có những lúc chúng tôi không có nổi một ổ bánh mỳ trong nhà", bà nói trong bộ phim tài liệu sắp phát sóng trên BBC One, "nhưng tôi không thể nói với đó về tình cảnh của mình, bởi nó thật đáng xấu hổ".
Rashford không phàn nàn, vì anh hiểu mẹ đã làm tất cả những gì có thể.
"Tôi biết mẹ đã làm việc chăm chỉ thế nào, nhưng thật khó để đưa mọi thứ vào tầm kiểm soát khi có đến 5 đứa con lít nhít trong nhà", anh nói.
Bóng đá là một cách hữu hiệu để Rashford quên đi cơn đói cũng như thực trạng đáng buồn của mình. Anh gia nhập Học viện Fletcher Moss ở tuổi lên 5, sau đó chuyển sang hệ thống Học viện MU 2 năm sau đó. Trong một thời gian, Rashford trở về nhà sau mỗi buổi tập và thường đi ngủ sớm. "Với cái bụng đói, đi ngủ giúp tôi lơ nó đi", anh tâm sự, "Những người thân thiết biết rõ tình cảnh gia đình tôi, nhưng HLV và các đồng đội thì không".
Rashford chỉ không phải lo về điều đó khi giành được suất vào ăn tập ở trong Học viện MU năm 11 tuổi. Thực ra thì chương trình này chỉ dành cho những tài năng từ 12 tuổi trở lên, nhưng bà Mel đã liên hệ với CLB để xin cho con trai tham gia sớm. Về cơ bản, Rashford sẽ được đài thọ chi phí học văn hóa ở ngôi trường mới, ăn uống đầy đủ và đúng cách trong ký túc gần sân tập.
"Tôi đã tập và thi đấu với những đồng đội lớn tuổi hơn", anh nói, "Tôi phải chấp nhận điều đó để hỗ trợ gia đình, giảm tải gánh nặng cho mẹ". Với bà Mel, việc vào ký túc sớm cũng tốt hơn cho Rashford. Bà làm việc thâu đêm suốt sáng và thực sự không có thời gian chăm nom những đứa con của mình.
Rashford sớm nhận ra bóng đá chính là lối thoát, trong khi cuộc tranh đấu không ngừng với nghèo đói chính là động lực để anh tốt hơn. Và chàng trai người Manchester đã thành côngkhi trở thành một trong những cầu thủ tốt nhất mà MU sản sinh ra. Sau thành tích 22 bàn mùa trước, cao hơn 4 mùa trước đó, Rashford đang có phong độ tốt nhất sự nghiệp ở mùa này. Hiện anh đã tham gia vào 16 bàn thắng, bao gồm 12 bàn và 4 kiến tạo, chỉ với 21 lần ra sân.
Cuộc sống của gia đình đã tốt hơn nhiều để không phải lo lắng ăn gì vào mỗi tối. Và đó là lúc để anh giúp đỡ những người khác rơi vào hoàn cảnh tương tự. Vào tháng trước, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã gọi cho Rashford. Sau khi hỏi tiền đạo của MU có ghi bàn trong trận đấu với Everton không, ông thông báo Chính phủ đã đáp ứng lời kêu gọi của anh. Họ sẵn sàng chi 170 triệu bảng cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn vào mùa đông, 220 triệu khác chi cho những bữa ăn vào các kỳ nghỉ của trẻ em trên toàn nước Anh, và 16 triệu hỗ trợ thực phẩm cùng phiếu mua hàng.
Còn hơn một cầu thủ, Rashford là người hùng của trẻ em nghèo và được ca ngợi là bảo vật của nước Anh. Một bảo vật sinh ra từ nghèo đói và sẵn sàng chiến đấu với nó.
Ảnh: Tổng hợp