>> Morocco - Tây Ban Nha: Chuyện cổ tích ở Qatar
Khoảnh khắc hậu vệ phải của tuyển Morocco, Achraf Hakimi (sinh ra ở Madrid, Tây Ban Nha) bình tĩnh bước lên chấm đá phạt luân lưu và lạnh lùng loại nhà vô địch thế giới 2010 bằng một cú panenka, đã làm nức lòng người hâm mộ.
Morocco giành vé đi tiếp sau khi thắng Tây Ban Nha 3-0 trên chấm penalty cân não. Đây là thành quả xứng đáng dành cho sự đầu tư cả thập kỷ của Liên đoàn bóng đá Hoàng gia Morocco (FRMF), cùng một HLV biết cách biến tập thể nhiều cá tính thành khối thống nhất.
Trái ngọt sau hơn 10 năm
Ngoài Achraf Hakimi, 13/25 cầu thủ còn lại trong danh sách đăng ký thi đấu World Cup 2022 của Morocco được sinh ra ở nước ngoài, sau đó trở về khoác áo “sư tử Bắc Phi”, theo tiếng gọi Tổ quốc.
Các tuyển thủ sinh ra ở Canada, Pháp, Tây Ban Nha, Hà Lan, Bỉ và Italy đưa Morocco trở thành đội bóng có phong cách đa dạng nhất tại World Cup lần này. Mỗi người trải qua một nền giáo dục bóng đá khác nhau, mang lại trải nghiệm khác nhau, qua đó giúp Morocco học hỏi, tiến bộ từ những trường phái tốt nhất.
Suốt hơn một thập kỷ qua, FRMF đẩy mạnh hoạt động tìm kiếm những cầu thủ giỏi gốc Morocco đang thi đấu ở nước ngoài và thuyết phục họ khoác áo tuyển quốc gia. Ban đầu, họ ưu tiên các ngôi sao đã thành danh, nhưng sau đó mở rộng sang lứa trẻ, đảm bảo tính kế thừa.
Sofyan Amrabat, tiền vệ trung tâm 26 tuổi đang khoác áo Fiorentina, đang là chốt chặn không thể thay thế của Morocco ở giữa sân. Anh đã chọn khoác áo Morocco khi còn rất trẻ mặc dù được tuyển Hà Lan hứa hẹn trao cơ hội tiến thẳng lên đội 1. Ngoài Amrabat (U15 Hà Lan), trước đây tiền vệ Bilal El Khannous từng khoác áo U15, U16, U18 Bỉ; chân sút Hakim Ziyech tham gia U20, U21 Hà Lan; tiền đạo Anass Zaroury được triệu tập lên U17, U18, U21 Bỉ; còn cầu thủ chạy cánh Zakaria Aboukhlal có mặt trong cả 4 lứa tuổi U17-U20 Hà Lan.
Năm 2013, Amrabat cùng Morocco tham dự giải U17 World Cup và lọt qua vòng bảng. Thủ môn Ahmed Reda Tagnaouti cũng là một thành viên của đội hình năm đó. Tagnaouti, giống như 3 đồng đội Youssef En-Nesyri, Azzedine Ounahi và Nayef Aguerd, đều xuất thân từ Học viện bóng đá Mohammed VI (lấy theo tên nhà vua đang trị vì Vương quốc Morocco, mọi hoạt động của học viện đều do Hoàng gia đài thọ).
Thành lập năm 2009, Học viện bóng đá Mohammed VI có cơ sở vật chất hiện đại, mang sứ mệnh nuôi dưỡng, trao cơ hội phát triển cho các cầu thủ trẻ không kể xuất thân, hoàn cảnh, ngay cả khi họ chưa đủ khả năng được chọn bởi một CLB chuyên nghiệp. Các thành viên tuyển trạch của học viện tỏa ra khắp nơi trên đất nước, đặc biệt là những khu vực nghèo khó, tìm kiếm tài năng triển vọng. Thành quả là rất nhiều học viên ưu tú đã có cơ hội khoác áo các CLB ở châu Âu. Và World Cup 2022 là lần đầu tiên những học viên vô danh ngày nào giới thiệu tên tuổi ra thế giới.
HLV Regragui - “bậc thầy đắc nhân tâm”
3 tháng trước ngày khai mạc World Cup 2022, nội bộ đội tuyển Morocco “rối như canh hẹ”. Suốt từ cuối năm 2021, họ rơi vào cảnh bất hòa, tranh cãi kịch liệt giữa HLV Halilhodzic và các ngôi sao. Từ người hùng giúp Morocco giành vé dự World Cup, HLV Halilhodzic biến thành nhân vật phản diện vì thái độ độc đoán, coi thường các trụ cột của đội tuyển.
Ông cho rằng Hakim Ziyech giả vờ chấn thương để không phải khoác áo đội tuyển trong một trận giao hữu hồi năm ngoái, đồng thời là một kẻ gây rối, qua đó quyết định loại anh khỏi danh sách thi đấu Cúp vô địch các quốc gia châu Phi. Đáp lại, Ziyech thông qua mạng xã hội tố HLV Halilhodzic bịa đặt. Anh cũng tuyên bố không bao giờ khoác áo đội tuyển quốc gia nữa.
Như một chuỗi domino sụp đổ, rất nhiều cầu thủ khác học theo Ziyech, tuyên bố giã từ sự nghiệp quốc tế trong màu áo Morocco, tất cả đều vì HLV Halilhodzic. Trong đó, câu chuyện của Noussair Mazraoui (Bayern Munich) chính là giọt nước tràn ly, khiến Halilhodzic bị sa thải.
Tham dự buổi trò chuyện online trên kênh cựu tuyển thủ Hà Lan Andy van der Meyde, Noussair Mazraoui nói anh bị Halilhodzic ném chai nước vào mặt trong một buổi tập, chỉ vì quên… uống nước như yêu cầu.
Cách đối xử độc tài của Halilhodzic khiến Chủ tịch FRMF, Fouzi Lekjaa, phải đưa ra quyết định sa thải. Vượt qua rất nhiều ứng viên sáng giá, Walid Regragui là cái tên được chọn thay thế Halilhodzic. Đây rõ ràng là nước đi sáng suốt của FRMF, với những gì Regragui thể hiện ở World Cup 2022.
Regragui chưa có kinh nghiệm dẫn dắt đội tuyển quốc gia ở giải đấu lớn, dù vừa vô địch cúp C1 châu Phi cấp CLB. Nhưng ông nhanh chóng tìm được tiếng nói chung với các cầu thủ Morocco. Sinh ra ở Pháp nhưng sau đó khoác áo và cống hiến hết mình cho tuyển Morocco, chiến lược gia 47 tuổi này có xuất phát điểm tương tự nhiều học trò. Trong tập thể gồm nhiều cầu thủ vẫn còn bỡ ngỡ chưa hiểu rõ nhau, vì rào cản ngôn ngữ (người nói tiếng Ả Rập, người nói tiếng Pháp), Regragui chính là cầu nối hoàn hảo nhất.
Chưa đầy 1 tháng sau khi Regragui nhậm chức, Hakim Ziyech tuyên bố trở lại đội tuyển và các ngôi sao khác cũng hứng khởi quay lại. Bầu không khí ngột ngạt dưới thời Halihodzic hoàn toàn biến mất.
Được mô tả như bậc thầy trong việc khích lệ tinh thần, Regragui khiến các cầu thủ Morocco luôn hừng hực khí thế chiến đấu mỗi khi vào sân. Không sợ bất cứ đối thủ nào và coi mỗi trận đấu giống như một trận chung kết là điều Regragui quán triệt với từng học trò.
"Chúng tôi có những ngôi sao hàng đầu châu Phi, thi đấu hết mình khi khoác áo đội tuyển quốc gia. Điều quan trọng là ban huấn luyện, người hâm mộ phải trao cho họ tình yêu, sự tin tưởng. Khi ấy, họ có thể chết vì bạn", Regragui nói.
Dù kết quả ở vòng tứ kết như thế nào, Morocco cùng Walid Regragui đã có kỳ World Cup thành công. Qatar 2022 là nơi ông đặt những viên gạch đầu tiên, xây dựng nền móng cho thành công trong tương lai.
Sau World Cup 2022, Walid Regragui sẽ dẫn dắt Morocco tại Cúp bóng đá châu Phi 2024 (Bờ Biển Ngà là chủ nhà), cũng như World Cup 2026 (tổ chức tại 3 nước Bắc Mỹ).