Tháng 3/2010, một thay đổi mang tính lịch sử của mạng xã hội xuất hiện, đó là sự kiện Facebook cho ra đời nút "like". Nếu bạn là một thương hiệu, một doanh nghiệp, một nhân vật của công chúng hoặc bất kỳ một trang Fanpage nào đó, bạn sẽ không còn "người hâm mộ", thay vào đó bạn sẽ "like" và trở thành một người theo dõi (Follower).
Nút Like trở thành một biểu tượng của mạng xã hội. Ở thời điểm hiện tại, thật khó để một MXH nào đó ra đời mà không có chức năng này. Họ có thể biến tấu nó thành thả tim, mặt cười hay một ký hiệu nào đó nhưng về cơ bản, chúng có chức năng tương tự nút Like.
Ngày nay, nút Like đã trở thành trung tâm của MXH, của Facebook. Nó cho chúng ta nhận diện được ai là người nổi tiếng, điều gì đang được quan tâm nhất, ý kiến nào đang được đồng tình, sản phẩm nào đáng để tiêu tiền… và rất nhiều thứ khác nữa. Hay nói cách khác, nút Like là công cụ định hướng dư luận cũng như thể hiện quan điểm dễ dàng, thuận tiện nhất.
Có thể nói, nút Like là chức năng giúp Facebook có bước nhảy nhảy vọt, từ một công ty khởi nghiệp nhỏ trở thành MXH toàn cầu, sở hữu doanh thu nhất nhì thế giới. Nó tác động đến mọi mặt của cuộc sống, trong đó có thể thao nói chung và đặc biệt là bóng đá.
10 năm qua, với sự phát triển của MXH, những ngôi sao hay thậm chí là người bình thường cũng có thêm một cách để khuếch đại tầm ảnh hưởng của mình và thậm chí là kiếm tiền. Họ có thể là ca sĩ, diễn viên hay những VĐV thể thao, trong đó có cả những cầu thủ.
Hãy nhìn những siêu sao của thế giới bóng đá, như Cristiano Ronaldo. Mới đây Buzz Bingo đã khiến tất cả phải ngỡ ngàng khi công bố số tiền khổng lồ Cristiano Ronaldo kiếm được nhờ "sống ảo" trên MXH. Theo đó, chỉ cần đăng ảnh chụp quảng cáo lên trang Instagram cá nhân, Ronaldo thu về số tiền lên đến 36,9 triệu bảng/năm, tương đương 1.112 tỉ VNĐ. Con số này vượt qua lương Juventus trả cho anh hàng năm (khoảng 26,25 triệu bảng). Trung bình cứ mỗi bức ảnh đăng lên Instagram cá nhân, anh được các thương hiệu lớn trả 750.000 bảng. Đứng sau Ronaldo là Messi, cựu cầu thủ David Beckham và Neymar. Tất cả đều có một khoản thu khổng lồ từ việc "sống ảo" trên MXH.
Mọi chuyện bắt đầu từ năm 2009, khi Facebook đề nghị Ronaldo lập một tài khoản và thuyết phục rằng anh sẽ có được 10 triệu người theo dõi trong một thời gian ngắn. Chẳng có gì để mất, siêu sao này bắt đầu chơi Facebook. Năm 2010, anh dùng nó để thông báo về việc người con trai đầu lòng ra đời. Lượng tương tác khủng khiếp của bài đăng này đã khiến một số nhãn hàng để ý tới việc khai thác thương mại từ ngôi sao bóng đá trên MXH.
Tại Việt Nam, những cầu thủ nổi tiếng cũng có thể kiếm được tiền, thậm chí là rất nhiều tiền nhờ sức ảnh hưởng của mình trên MXH. Họ không giống với các đàn anh trước đây, chỉ có thu nhập từ lương, thưởng hoặc tiền lót tay.
Hãy nhìn những Quang Hải, Văn Hậu, Công Phượng hay Lương Xuân Trường. Họ đều có hàng triệu người theo dõi và tương tác thường xuyên trên MXH. Đó chắc chắn là một kênh quảng bá hiệu quả đối với các nhãn hàng. Không khó để chúng ta có thể bắt gặp những bức ảnh hay đoạn video có tính chất "quảng cáo" trên các trang cá nhân hay fanpage của họ.
Tất nhiên, mọi doanh nghiệp đều phải chi trả một số tiền nhất định để có được sử dụng hình ảnh của một cầu thủ. Người ta có thể phải trả cho Quang Hải, Công Phượng từ 80-100 triệu đồng để anh "up face" với nội dung liên quan đến nhãn hàng. Những tuyển thủ có lượng fan ít hơn như Hùng Dũng cũng nhận được 30-50 triệu với các đơn hàng tương tự. Nếu tham gia sự kiện, quay quảng cáo hay chụp ảnh gắn với thương hiệu, họ thậm chí còn được trả nhiều hơn gấp nhiều lần. Suy cho cùng, đó cũng là một con số xứng đáng và có lợi cho cả đôi bên.
Đằng sau những bức ảnh như thế này là... rất nhiều tiền.
Bên cạnh sự nổi tiếng của những cầu thủ, các nàng WAGs cũng nghiễm nhiên trở thành KOLs trên MXH. Georgina Rodriguez, vợ của siêu sao Ronaldo cũng có tới hơn 15 triệu người theo dõi trên Instagram, một con số khiến mọi ngôi sao đều phải ghen tị. Tại Việt Nam, cũng có rất nhiều fan biết đến những Quỳnh Anh (bạn gái Duy Mạnh), Yến Xuân (bạn gái Văn Lâm) hay Trang Nhung (bạn gái Văn Toàn)... Tất cả họ đều có rất nhiều người theo dõi và tương tác hằng ngày. Thông qua trang cá nhân, các nàng WAGs cũng có thêm một kênh để nâng cao thu nhập bằng quảng cáo, bán hàng online, mỹ phẩm, dạy tập gym và rất nhiều việc khác nữa.
MXH đang ngày càng thay đổi thế giới thể thao nói riêng và bóng đá nói chung. Các nền tảng trên "thế giới ảo" đang ngày càng chiếm một phần quan trọng trọng công tác truyền thông của các đội bóng. Khi có một thương vụ chuyển nhượng đình đám được hoàn thành, các CLB lớn sẽ thông báo trên các trang Fanpage đầu tiên. Đó là cách nhanh và ngắn gọn nhất.
Thời nay, việc quảng cáo trên MXH của các siêu sao và đội bóng như một cuộc chiến vậy. Thay vì trả tiền cho các đài truyền hình, họ hoàn toàn có thể đầu tư vào MXH để có thể tiếp cận với người hâm mộ một cách dễ dàng hơn. Ví dụ như việc CLB Borussia Dortmund (Đức) đăng tải một dòng trạng thái bằng tiếng Việt nhân dịp Lễ Quốc khánh hay Tết Nguyên đán, họ lập tức nhận được hàng trăm nghìn lượt tương tác từ các fan Việt. Hiệu quả và tiết kiệm hơn rất nhiều so với việc quay một đoạn video và gửi cho các đài truyền hình phát sóng.
Tất nhiên, MXH luôn được coi là con dao hai lưỡi đáng sợ. Người dùng có thể tâng bốc một ai đó, rồi vài ngày sau lại dìm họ xuống vực sâu bằng những lời bình luận khủng khiếp. Chẳng phải nhìn đâu xa, thủ thành Bùi Tiến Dũng và tiền đạo Hà Đức Chinh có lẽ là những người hiểu rõ tính hai mặt của MXH.
Họ có thể là người hùng dân tộc khi trở về từ Thường Châu (VCK U23 châu Á) nhưng chỉ sau đó vài tháng, với một sai lầm hoặc vài tuần không ghi bàn, cả hai sẽ trở thành chủ đề để đàm tếu, thậm chí là miệt thị trên MXH. Hà Đức Chinh từng bỏ lỡ một vài cơ hội trong trận chung kết lượt đi AFF Cup 2018, dù đội nhà vẫn có lợi thế trên đất Malaysia nhưng anh vẫn bị cư dân mạng hỏi tội, chê là "chân gỗ", "không xứng đáng có mặt ở đội tuyển"...
Hãy thử tượng tượng, đại án bán độ Bacolod của các cầu thủ U23 Việt Nam (năm 2005) diễn ra vào thời điểm MXH phát triển như hiện tại, có lẽ Văn Quyến hay Quốc Vượng sẽ chẳng bao giờ có cơ hội trở lại với bóng đá bởi những áp lực khủng khiếp từ MXH.
Ở một khía cạnh khác, việc "chơi" MXH cũng có những tác động đến việc tập luyện và thi đấu của các cầu thủ theo một cách tiêu cực. Mario Balotelli là một ví dụ. Anh ta là một tài năng hiếm có nhưng những rắc rối ngoài sân cỏ đã khiến anh chẳng bao giờ trở thành số 1. Có những thời điểm, người ta thấy Baloteli mất hút trên sân bóng nhưng vẫn up bài đều đặn trên trang cá nhân, anh cũng chẳng có gì phải ngại tự hào rằng "tôi có hơn 9 triệu người theo dõi", nhiều hơn cả huyền thoại Pirlo.
Baloteli và hình ảnh "cà khịa" đã đi vào lịch sử giải Ngoại Hạng Anh
Bê bối lớn nhất của Baloteli trên MXH là khi đăng tải dòng trạng thái với nội dung mỉa mai đối thủ cùng thành phố với Manchester City, đội bóng chủ quản của anh khi đó: "Man Utd ... LOL". Dòng tweet này nhận được gần 400.000 lượt tương tác, một con số khủng khiếp trên Twitter. Cảnh sát thậm chí phải vào cuộc điều tra vì có quá nhiều NHM chửi bới, phân biệt chủng tộc khi bình luận.
Chính vì MXH là con dao hai lưỡi nên hầu hết những cầu thủ nổi tiếng đều cần một người đứng đằng sau quản lý những bài đăng của mình trên trang cá nhân của Fanpage để tránh nhiều rủi ro nhất có thể. Nhưng đôi khi, chính những người quản lý cũng vô tình tạo nên một vài scandal không cần thiết cho thân chủ của mình.
Nhìn chung, trong vòng 10 năm qua, internet và MXH đã thay đổi ít nhiều bộ mặt của thế giới bóng đá, trong đó phần nhiều là sự tích cực. Một thập kỷ mới sẽ mở ra trong năm 2020, hãy cùng chờ đón nhiều điều mới mẻ và thú vị hơn của cả thể thao, cũng như MXH.