Không có gì bí mật cả, vấn đề lớn nhất của MU thời "hậu Sir Alex Ferguson" là chuyển nhượng. Cả tỷ bảng đã được chi ra cho hàng chục cầu thủ, nhưng rất ít trong số đó được đánh giá là thành công. Còn lại, mùa này qua mùa khác, MU luôn đi từ thất vọng đến thất vọng.
Rồi cũng vào thời gian này năm ngoái, Phó Chủ tịch điều hành Ed Woodward nói rằng mọi chuyện đã được giải quyết. MU đã cải tổ bộ phận chuyển nhượng theo mô hình đã chứng minh rất thành công của Liverpool, đồng thời giới thiệu về việc làm chủ cơ sở dữ liệu đủ mạnh để cung cấp và sàng lọc cầu thủ tốt nhất.
Ví dụ, họ đã chọn Aaron Wan-Bissaka, hậu vệ phải 21 tuổi từ Crsytal Palace từ 804 hậu vệ phải trên toàn thế giới. Các bản hợp đồng mà MU ký sẽ được đảm bảo về khả năng thành công, đồng thời là những tài năng trẻ ở độ tuổi 21-23 phục vụ kế hoạch dài hạn.
Thoạt đầu, có vẻ như bộ máy chuyển nhượng mới của MU hoạt động khá hiệu quả. Wan-Bissaka, Harry Maguire và Daniel James khởi đầu rất hứa hẹn. Bruno Fernandes rồi Odion Ighalo cũng gây ấn tượng mạnh khi tới vào mùa đông.
Nhưng bây giờ nhìn lại, dường như các đánh giá là khá vội vàng. Wan-Bissaka và Maguire là hai trong số những cầu thủ chơi tồi nhất trong trận thua 1-6 trước Tottenham. James mất đi sự tự tin sau thời gian ngồi dự bị quá lâu. Ảnh hưởng của Fernandes ngày càng mờ nhạt và lần gần nhất anh ghi bàn mà không phải từ chấm phạt đền là đầu tháng 7, cách đây 13 trận. Ighalo hiện vẫn chưa ghi bàn ở Premier League và lần nổ súng cuối cùng là tại FA Cup cách đây 4 tháng.
Nhưng đó chưa phải điều tệ nhất. Một lần nữa người ta phải đặt câu hỏi về công tác chuyển nhượng của MU vào mùa hè đầy bực bội này. Chiến lược hướng đến tương lai phải chăng đã bị dẹp bỏ khi trong ngày cuối của phiên chờ mùa hè 2020, họ ký hợp đồng với Edinson Cavani, tiền đạo 33 tuổi đã không chơi một trận đấu nào kể từ tháng 3?
Và, tại sao lại là Cavani? Anh ta là cái tên tốt nhất được chọn ra từ hàng trăm tiền đạo? Và nếu tốt như vậy, vì lẽ gì MU phải đợi đến ngày cuối của kỳ chuyển nhượng mới ký, thay vì đạt được thỏa thuận vào tháng 1, khi Cavani tiết lộ ý định rời PSG, hoặc vào tháng 6, thời điểm hết hạn hợp đồng?
Tương tự với Alex Telles. MU tiết lộ đã theo dõi Telles trong 6 năm. Vậy lý do gì khiến họ chờ đến khi hậu vệ trái này 27 tuổi mới đưa về Old Trafford, và không hoàn tất hợp đồng từ vài tháng trước như đã làm với Donny van de Beek?
Bất kể những lời giải thích từ Ban lãnh đạo, MU mang lại cảm giác về một người dành cả ngày trong siêu thị và trước giờ đóng cửa, để tránh ra về với chiếc giỏ không, đã ném vội vàng một vài món đồ lên xe đẩy. Những món đồ đó thực sự có giá trị? Rất khó để trả lời theo hướng tích cực.
Solskjaer đã muốn có Erling Haaland, Jude Bellingham rồi Jack Grealish, người đạo diễn vụ đánh bom hủy diệt Liverpool với tỷ số 8-2 mới đây, và Jadon Sancho. Tất cả đều thất bại, kể cả kế hoạch B với Oussama Dembele, Ismaila Sarr cũng chỉ là ảo mộng. Và để nhấn mạnh thêm tình hình u ám ở MU, họ vẫn còn cơ số người thừa hưởng lương cao.
Năm này qua năm khác, bất chấp những lời hứa hẹn, MU vật lộn với vấn đề chuyển nhượng trong khi các CLB khác luôn mua bán khá dễ dàng. Những điều chỉnh nửa vời chỉ làm chồng chất thêm thất vọng bởi quy trình rối rắm của họ.
Theo thông tin từ The Athletic, nhà Glazer nắm quyền kiểm soát, và mọi thứ luôn đi theo chu trình từ trưởng bộ phận đàm phán Matt Judge tới Woodward rồi đến Joel Glazer, người dành 8 tiếng trong văn phòng ở Washington DC để điều hành công việc của MU, sau đó đi ngược trở lại, qua Woodward đến Judge.
Để thoát khỏi mớ bòng bong này, họ cần cải tổ mạnh mẽ, với bộ máy gọn nhẹ được điều hành bởi một Giám đốc bóng đá có khả năng và tầm nhìn. Khá quen thuộc, phải không? Điều này đã được đề cập trong nhiều năm nhưng cho đến nay, không có động thái nào cho thấy MU sẽ làm.
Bạn nên quan tâm