Hãy thử tưởng tượng khi một chàng trai đã dành phần lớn khoảng thời gian đầu đời để theo đuổi giấc mơ trở thành cầu thủ bóng đá, nhưng một ngày, giấc mơ ấy kết thúc khi nó còn chưa kịp bắt đầu.
Đó là câu chuyện của Julian Nagelsmann, người từ năm 3 tuổi đã xỏ giày, chơi cho đội bóng làng FC Issing. Trong những năm tháng ở lò đào tạo Augsburg rồi 1860 Munich, Nagelsmann theo đuổi ước mơ trở thành một trung vệ hàng đầu.
Đồng đội và các HLV cũng không nghi ngờ gì về điều đó. Nagelsmann được gọi là Johnny, bởi coi huyền thoại John Terry của Chelsea là hình mẫu. Nhưng ông cũng rất giỏi trong việc xây dựng lối chơi và không ngại dẫn bóng rồi đột phá từ sân nhà.
Christian Traesch, đồng đội cũ tại 1860 Munich nhớ rằng Nagelsmann hiếm khi tắc bóng, bởi luôn dự đoán chính xác điều gì sắp xảy ra và đứng đúng vị trí. Ông thường có những màn trình diễn xuất sắc và hiếm khi chơi tệ.
Nhưng các vấn đề dai dẳng ở lưng và đầu gối đã hủy hoại tất cả, Nagelsmann được thông báo sẽ không bao giờ chơi bóng thêm lần nữa sau một thời gian tập riêng ở sân cỏ nhân tạo. Ông trông rất cứng cỏi trước bạn bè. Chỉ đến khi ngồi lại một mình, chàng trai 20 tuổi ôm mặt khóc nức nở.
"Giấc mơ tan vỡ vào hư vô và tôi nhận ra mình đã lãng phí cả tuổi thanh xuân. Đó là cú sốc khủng khiếp", Nagelsmann nói. Không lâu sau, ông biết rằng nó vẫn chưa phải điều tồi tệ nhất. Gia đình đang rất hạnh phúc của anh đột ngột mất đi người cha. Ông qua đời sau cơn bạo bệnh ở tuổi 56.
Tai họa liên tiếp giáng xuống đầu chàng trai trẻ. Nhưng Nagelsmann không sụp đổ. Anh trai và chị gái đều đi làm ăn xa, anh phải đứng lên gánh vác công việc gia đình, từ việc xử lý bảo hiểm, bán nhà hay xe hơi. "Rất nhiều thứ cần phải xử lý và tôi phải làm những việc chưa bao giờ làm", Nagelsmann nói, "Rồi tôi nhận thấy mình đã trưởng thành và kiên cường hơn trong cuộc sống".
Vì cuộc sống vẫn phải tiếp diễn, Nagelsmann ghi danh vào trường Đại học. Tương tự như với bóng đá, ông học khá giỏi để sau 4 học kỳ theo ngành quản trị kinh doanh đã nhận được lời hứa hẹn về công việc lương cao trong tập đoàn BMW.
Tuy nhiên, Nagelsmann nhớ rằng người bố khi còn sống luôn rất hạnh phúc. Và ông chắc chắn muốn những đứa con của mình cũng hạnh phúc. Vì vậy, Nagelsmann trở lại với niềm đam mê bóng đá. Ông đổi ngành học, chuyển sang Khoa học thể thao. Đồng thời kiếm được công việc tuyển trạch ở Augsburg, sau đó là trợ lý ở đội U17 Munich 1860.
Sự thăng tiến nhanh chóng của Nagelsmann khiến nhiều người ngạc nhiên. Từ chuyển đến Hoffenheim làm trợ lý ở đội U17, đến vị trí HLV đội U17 rồi U19, giúp đội này vô địch U19 Bundesliga trước khi được bổ nhiệm chính thức là HLV trưởng của Hoffenheim năm 2015, trở thành HLV trẻ nhất lịch sử Bundesliga.
Mặc dù vậy, những người biết ông thì không bất ngờ. Nagelsmann giống như miếng bọt biển, hút mọi kiến thức vào trong não bộ. Sau đó, xử lý, phân tích và đưa chúng vào thực tế. Cũng giống như việc ông chịu ảnh hưởng nhiều từ Thomas Tuchel, đồng thời cố gắng học hỏi Arsene Wenger, Pep Guardiola, Jose Mourinho và cả Johan Cruyff. Ông không bắt chước bất cứ ai, mà góp nhặt những điểm phù hợp và tạo lối đi riêng.
Một chi tiết không thể bỏ qua là Nagelsmann có một bộ óc siêu việt và tư duy sắc sảo. Dẫn dắt Hoffenheim một thời gian, biến đội bóng suýt xuống hạng lọt tốp 4 Bundesliga 2 mùa liên tiếp, ông mới lấy bằng A huấn luyện. Ông xếp thứ 2 trong lớp, chỉ sau Domenico Tedesco, người đang dẫn dắt Spartak Moscow.
Nhưng, như Nagelsmann nói, công việc huấn luyện gồm 30% là về chiến thuật và 70% là giao tiếp xã hội. Từ khi còn là cầu thủ trong Học viện, ông đã có khả năng lôi cuốn và thu phục nhân tâm. Bây giờ là một HLV trẻ, ông hiểu rõ các cầu thủ muốn gì. Nhưng với những nỗi đau đã trải qua trong cuộc sống, ông trưởng thành hơn họ và có những liên hệ cảm xúc ít người có được.
Đó là lý do các cầu thủ, từ Hoffenheim trước đây đến Leipzig hiện tại, đều phát huy hết tiềm năng cá nhân, có niềm tin mạnh mẽ vào Nagelsmann và cùng ông làm nên những điều phi thường.
Đêm nay trước PSG sẽ lại là đêm phi thường? Những người ở Leipzig, cùng Nagelsmann tin như vậy.