Mới đây, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) gây chú ý khi công bố loạt hình chụp từ vệ tinh Landsat 8 các địa điểm thi đấu tại Olympic mùa đông 2022. Theo đó, địa điểm tổ chức môn trượt tuyết đổ đèo gần như không có tuyết bao phủ, phần lớn chỉ có màu của rừng cây và đất.
NASA mô tả: "Địa hình của môn trượt tuyết đổ đèo, chủ yếu nằm giữa các sườn đồi màu nâu, có độ dốc tới 68 độ, biến nơi đây trở thành một trong những địa điểm trượt tuyết dốc nhất thế giới".
Fox Sport dùng từ "đáng buồn" để mô tả về bức ảnh trên. Thực tế, Olympic mùa đông được tổ chức tại Bắc Kinh năm nay chủ yếu sử dụng tuyết nhân tạo. Ở địa điểm thi đấu tại thành phố Trương Gia Khẩu, tới 90% lượng tuyết sử dụng là nhân tạo. Còn trong khu vực Diên Khánh, tỷ lệ này thậm chí còn cao hơn.
Việc một kỳ Olympic mùa đông phải sử dụng tuyết nhân tạo là điều Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) không hề mong muốn. Điều này cho thấy thế giới ngày một nóng lên, ảnh hưởng lớn tới khí hậu toàn cầu.
Nhận thức được điều này, IOC nỗ lực cùng nước chủ nhà Trung Quốc tổ chức một kỳ Thế vận hội thân thiện với môi trường nhất có thể. Các thiết bị tạo tuyết đều chạy bằng năng lượng có thể tái tạo.
Bất chấp IOC khẳng định tuyết nhân tạo không nguy hiểm cho các VĐV nhưng báo cáo tới từ Đại học Loughborough của Anh lại chỉ ra điều ngược lại. Trong bài nghiên cứu về tác động của cuộc khủng hoảng khí hậu tới Olympic mùa đông, họ trích lời của một VĐV như sau.
"Nếu ván trượt của các VĐV được phủ bởi tuyết nhân tạo, nó sẽ trở nên rất cứng. Khi thời tiết không thuận lợi, điều này có thể gây nguy hiểm cho các VĐV. Một số VĐV từng mất mạng khi chơi trên mặt tuyết nhân tạo", Laura Donaldson - VĐV trượt tuyết đến từ Scotland - cho hay.
Nữ VĐV trượt tuyết bẻ gập cổ chân 90 độ sau cú trượt
Báo cáo từ Đại học Loughborough cho biết tuyết nhân tạo khiến bề mặt trở nên cứng hơn, dễ gây chấn thương cho các VĐV.