Carlos Tevez từng là biểu tượng cho sự giàu có và chịu chơi của Chinese Super League, khi anh gia nhập Shanghai Shenhua tháng 12/2017 với mức lương khổng lồ 615.000 bảng mỗi tuần. Nhưng ngôi sao người Argentina đã rời đi sau đó 7 tháng, đút túi 32 triệu bảng và mô tả khoảng thời gian ở Trung Quốc giống như "một kỳ nghỉ".
Tevez đến Trung Quốc vì tiền, đó là sự thật. Nhưng anh cũng muốn chơi bóng một cách thực sự. China Super League không thể đáp ứng yêu cầu thứ hai. Theo cựu cầu thủ MU, Man City và Juventus, "bóng đá Trung Quốc rất kém về mặt chuyên môn bởi các cầu thủ giống như không được học bóng đá từ nhỏ", và "thứ bóng đá kỳ quái sẽ không giúp đất nước này đạt đỉnh cao dù thêm 50 năm nữa".
Không chỉ Tevez nhận ra điều đó. Ngay cả cậu con trai 11 tuổi của Tim Cahill, người từng khoác áo Shanghai Shenhua năm 2015, cũng thấy Trung Quốc không phải nơi thích hợp để chơi bóng nghiêm túc.
"Một ngày, cậu con trai nhỏ của tôi nói rằng, con không nghĩ tiếp tục ở lại Trung Quốc sẽ tốt cho bố, và tôi quyết định chấm dứt tất cả", Cahill kể lại. Theo anh, Chinese Super League như một cánh cửa xoay, tấp nập người đến kẻ đi. Điểm chung của tất cả khi lựa chọn Trung Quốc, đều không dựa trên quan điểm bóng đá.
Nhưng đó là khi các ông chủ giàu có hào hứng với cuộc chơi bóng đá, sẵn sàng vung tiền vô tội vạ để biến các ngôi sao như những món đồ trang sức. Bây giờ, những thương vụ đắt đỏ đã trở thành dĩ vãng. Đừng nói là tiền chuyển nhượng, ngay cả việc xoay sở để chi trả tiền lương cũng là cái gì đó khó khăn.
Mới đây, Shandong Luneng, đội vô địch FA Cup Trung Quốc đã bị Liên đoàn bóng đá châu Á loại khỏi AFC Champions League vì quá hạn mà không thể thanh toán các khoản lương phải trả. Tianjin Tigers, đội bóng cũ của John Obi Mikel, đang trên bờ vực phá sản sau khi nợ cầu thủ 10 tháng lương chưa trả.
Vào năm ngoái, một đội bóng ở Thiên Tân là Tianjin Tianhai đã tuyên bố giải thể. Không lâu trước đó, Tianhai còn được dẫn dắt bởi Fabio Cannavaro và chiêu mộ Alexandre Pato, Luís Fabiano và Axel Witsel.
Trước thềm mùa giải 2021, đã có 11 CLB bị loại khỏi hệ thống chuyên nghiệp Trung Quốc vì lý do không đảm bảo tài chính, trong khi 5 đội khác rút lui vì những nguyên nhân khác.
Nhưng tất cả vẫn không sốc bằng việc Jiangsu FC vừa thông báo ngừng hoạt động sau khi chủ sở hữu là Tập đoàn Suning cắt giảm các hạng mục đầu tư ngoài luồng để tập trung vào lĩnh vực kinh doanh cốt lõi. Mới 3 tháng trước, Jiangsu FC vừa trở thành nhà tân vô địch Chinese Super League, mốc son chói lọi trong lịch sử CLB.
Đây không phải quyết định đường đột, bởi Suning đã gặp vấn đề về kinh doanh trong cuộc khủng hoảng kinh tế vì đại dịch Covid-19. Họ đã ngầm rao bán Jiangsu FC từ nửa năm trước nhưng không tìm được đối tác.
Nếu Jiangsu FC không sớm được tiếp quản bởi ông chủ mới, nhiều khả năng họ cũng bị loại khỏi AFC Champions League vì rắc rối tài chính. Alex Teixeira, ngôi sao lớn nhất của Jiangsu FC đã rời CLB. Miranda và Eder có thể là những người tiếp theo.
Trên bình diện giải đấu, làn sóng tháo chạy khỏi Trung Quốc đã bắt đầu. Hulk, người đã gắn bó với China Super League 5 năm, cũng nói lời chia tay vào cuối năm ngoái để có mặt ở quê nhà Brazil và khoác áo Atletico Mineiro.
Cùng thời gian, El Shaarawy cũng liên tục gây áp lực để chấm dứt hợp đồng với Shanghai Shenhua, lợi dụng vào điều khoản "không thể thích nghi với bóng đá Trung Quốc" để trở lại Roma.
Giới chủ ngừng chi tiền, ngôi sao đào thoát, Chinese Super League đang đứng trước tình cảnh hết sức ngặt nghèo. Nên nhớ rằng ngay cả khi sung túc, giải đấu này cũng không được người hâm mộ đón nhận nồng nhiệt. Trước khi bị ảnh hưởng bởi Covid-19, trong mùa giải 2019, mỗi trận đấu chỉ có bình quân 2.634 khán giả. Các đội bóng không thể tự bước đi trên đôi chân chính mình bởi nguồn thu hạn chế. Và khi bầu sữa mẹ bị cắt đứt, sự sống chỉ tính bằng ngày.