Tập bài nào để đấm nhanh? Tập bài nào để đá nhanh, di chuyển nhanh? Thực tế có rất nhiều câu hỏi xung quanh việc tập luyện tốc độ. Nhưng tốc độ cũng là một yếu tố rất khó để giải thích cặn kẽ. Bài viết này nhằm việc tối giản hóa các vấn đề về tốc độ và tập luyện tốc độ trong thi đấu võ thuật.
Đầu tiên, trước khi đi sâu vào việc tập luyện tốc độ trong thi đấu võ thuật đối kháng, ta phải phân biệt được 2 yếu tố gần giống nhau là speed và quick. 2 từ này khi được dịch sang tiếng Việt đều ám chỉ tốc độ và sự nhanh nhẹn. Tuy nhiên, giữa 2 từ này trong tiếng Anh lại có sự khác biệt lớn.
Speed là vận tốc tối đa ta có thể đạt được. Đây là hoạt động có ý thức (Chẳng hạn chạy nước rút 100m là hoàn toàn có ý thức).
Quick là phản ứng tức thời của vận động viên khi gặp tác động (bị đấm nên né/đỡ hay né được nên phản công/bỏ chạy...). Chú ý điều này, ta sẽ nói rõ hơn về reflex và reaction về sau.
So sánh đơn giản với đua xe, ta có xe mạnh nước đề, xe mạnh nước hậu. Quick là nước đề còn speed là nước hậu. Nói về cú đấm thì quick là giai đoạn từ khi tay đứng yên cho đến khi đạt vận tốc tối đa. Speed là khi tay đạt vận tốc tối đa rồi đi tiếp. Như vậy, quick có trước, speed là thứ đến sau (hiểu nôm na là thế).
Sau khi đã nắm được sự khác biệt giữa speed và quick, ta sẽ dễ dàng đi đến kết luận sau: Quick quan trọng hơn hẳn speed bởi lý do sau:
Khoảng cách thi đấu ngắn
Hãy nghĩ đến 2 trường hợp sau: Một cuộc đua marathon 42km và một cuộc đua bứt tốc 100m. Ở môn marathon, người có khả năng thắng cao nhất là người có thể duy trì được tốc độ nhanh và ổn định nhất suốt 42km chạy bền (speed).
Trong khi đó, ở bộ môn chạy 100m, người có khả năng giành chiến thắng cao nhất phải đạt lần lượt các yếu tố sau: Phản xạ nhanh nhất sau tiếng súng khai cuộc, người tăng tốc nhanh nhất khi bắt đầu chạy, đồng thời cũng là người duy trì được tốc độ nhanh nhất trong 100m đó (2 yếu tố quick và 1 yếu tố speed).
Trong khi bản thân một trận đấu Boxing giống như cuộc đua marathon, thì ở mỗi khoảnh khắc ra đòn giữa hai đối thủ, nó lại giống như một cuộc đua 100m. Nghĩa là ở lúc này, võ sĩ nào có khả năng "quick" tốt hơn, họ sẽ đạt ưu thế hơn bởi các lý do sau:
Khoảng cách trong thi đấu võ thuật là rất ngắn, khoảng cách xa nhất của 2 võ sĩ không thể nào vượt quá 2m. Khi ở cự ly gần như thế này, tốc độ tối đa không còn là yếu tố thiết yếu mà chỉ là khả năng phản xạ, phản ứng của võ sĩ khi ra đòn.
Một điều nên lưu ý nữa chính là yếu tố bất ngờ, khó đoán trong ra đòn. Quick là yếu tố gây ra bất ngờ còn speed thì không. Tưởng tượng như bạn băng qua đường, nếu bạn thấy một chiếc Lamborghini đang phóng với vận tốc 300km/h từ xa, bạn sẽ dễ dàng tránh được nó. Nhưng với một chiếc xe Lead vận tốc 50km/h phóng bất ngờ ra từ con hẻm, bạn sẽ bị nó tông phải. Quick gây ra bất ngờ khiến bạn không thể phản kháng.
Khi đi sâu vào việc phát triển độ "quick", bạn cần phân biệt được Reflex và Reaction. Reaction là hành vi phản xạ hoàn toàn có ý thức còn reflex là hành vi phản xạ trong vô thức. Chẳng hạn khi nhìn thấy công an thì chạy xe chậm, đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên, đó là reaction. Còn giả sử bạn lỡ chạm tay vào nồi nước sôi, bạn rụt tay lại, đó là reflex. Dù 2 từ tiếng Anh này đều được dịch ra tiếng Việt là phản xạ, nhưng chúng có sự khác biệt rất lớn.
Bạn nhìn thấy đối thủ ra đòn, bạn đánh trả là reaction. Bạn chưa kịp nhìn thấy đối thủ ra đòn, bạn đã đánh trả là reflex. Hơi khó phân biệt. Mục tiêu để nâng cao sự "quick" là cố gắng rút ngắn thời gian reaction hoặc mồi cho cơ thể nhớ được các kỹ thuật, nói cách khác là tạo ra trí nhớ cơ bắp cho VĐV.
Về reaction: Đường đi của reaction sẽ gần giống như sau: Mắt thấy và truyền thông tin cho não bộ. Não bộ xử lý thông tin rồi truyền tín hiệu cho tay ra đòn.
Về reflex: Mắt thấy, nhưng không truyền thông tin về cho não bộ nữa mà truyền thẳng thông tin cho tay (cơ bắp) xử lý. Vì bớt đi được một quy trình, reflex có tốc độ nhanh hơn so với reaction.
Trong thời gian hiện tại, vì gần như yếu tố speed đã được phổ biến, giới thể thao chuyên nghiệp không còn nhầm lẫn giữa nhu cầu speed và quick nữa, cho nên người ta đã bắt đầu chia khái niệm về Speed ra 4 yếu tố chính là:
Reaction time (thời gian phản ứng),
Acceletration (gia tốc/sự tăng tốc),
Maximum speed (tốc độ tối đa),
Speed endurance (hoặc anaerobic endurance) – khả năng duy trì tốc độ yếm khí (bạn duy trì được tốc độ tối đa trong bao lâu?).
Nói về speed endurance, hãy tưởng tượng có 2 VĐV, 1 VĐV có thể đạt được tốc độ chạy lên đến 40km/h, nhưng chỉ chạy được trong 3 giây là anh sẽ kiệt sức. Trái lại có một VĐV chạy được 36km/giờ, nhưng lại duy trì được vận tốc này được đến 10 giây. Do đó, VĐV thứ hai sẽ có ưu thế chiến thắng cao hơn so với VĐV đầu tiên.
Pacquiao, Lomachenko là những võ sĩ có speed endurance rất tốt. Đây là một yếu tố thể lực liên quan đến aerobic (hiếu khí) và anaerobic (yếm khí).
Tập luyện tốc độ rất khó nếu phải so sánh với tập luyện sức mạnh. Lý do là vì sức mạnh là một yếu tố dễ xây dựng hơn và cũng dễ duy trì hơn hẳn so với yếu tố tốc độ hay yếu tố thể lực. Ví dụ bạn có thể nâng tạ được 20kg, sau 2 tuần nghỉ tập, bạn vẫn có thể giữ được mức tạ này, dù có mệt mỏi hơn so với thường ngày đôi chút.
Trong khi đó các yếu tố phản xạ (thể hiện rõ nhất qua việc chơi game) sẽ bị ảnh hưởng rất lớn nếu trong vòng 1-2 tuần bạn nghỉ game.
Chưa kể đến việc vì đây là 2 yếu tố đối lập, bạn cần phải suy xét kỹ lưỡng trước khi vào giáo án tăng cường tốc độ chứ không phải cố gắng duy trì song song 1 lúc cả 2 yếu tố này.
Thông thường, các VĐV hàng đầu sẽ đầu tư thời gian cho việc tập luyện sức mạnh. Trong khi đến gần ngày đấu, họ mới hy sinh chút sức mạnh đã xây dựng được để cải thiện tốc độ. Chưa kể đến việc khi có một nền tảng sức mạnh tốt, bạn cũng có thể dễ dàng chuyển đổi (convert) sức mạnh sang tốc độ hơn.
Chẳng hạn như trong môn chạy 100m, tốc độ của một VĐV chính là sức mạnh từ những cú đạp chân xuống mặt đất để đẩy cơ thể VĐV về phía trước. Tốc độ rút chân lên khỏi mặt đất là một yếu tố về tốc độ, nhưng những cú đạp chân xuống mặt đất lại là yếu tố về sức mạnh. Và nhờ đó, VĐV chạy bộ trở nên nhanh nhẹn hơn do họ biết phối hợp cả 2 yếu tố ấy vào thi đấu.
Bạn nên quan tâm