Từng là một trong những tên tuổi lớn nhất làng boxing nữ Việt trong những năm đầu 2010, Lê Thị Bằng bất ngờ tuyên bố chia tay sự nghiệp thi đấu đỉnh cao vào năm 2018, 3 năm sau khi giành tấm HCV SEA Games 28.
Lời chia tay đầy bất ngờ này khiến nhiều người không khỏi thắc mắc vì sao một võ sĩ trên đỉnh cao danh vọng lại từ bỏ sự nghiệp đột ngột đến thế.
Chia sẻ với chúng tôi, Lê Thị Bằng cho biết về tình trạng chấn thương của cô: "Bằng bị chấn thương mòn sụn gối, thoái hóa đốt sống lưng, gai cột sống và thoát vị đĩa đệm từ năm 2015 đến giờ. Nếu xét về mức độ thì có thể miêu tả nó như bệnh giả vì khi không tập luyện mức quá nặng thì có thể hoạt động như người bình thường. Nhưng chỉ cần hoạt động ở cường độ cao trong khoảng thời gian từ 1 giờ đồng hồ trở lên thì sẽ bị đau nhói liên tục ở đầu gối và co rút phần lưng làm cơ thể không thể đứng thẳng đứng ở bất kỳ tư thế nào cũng sẽ bị đau".
Chấn thương là vậy, nhưng những cơn đau không hẳn là yếu tố khiến Lê Thị Bằng quyết định chia tay sự nghiệp từ sớm. Nữ tay đấm tiết lộ rằng chính những hiểu lầm trong thời gian chấn thương mới là thứ khiến cô mệt mỏi nhất.
"Cái khó chịu nhất lúc mình bị chấn thương là sự thờ ơ cũng như suy nghĩ của mọi người đối với mình là, 'Bằng nó không có bị đau đâu, chỉ là giả vờ thôi'.
Họ nghĩ những chấn thương của mình là nhẹ nhàng mà họ chưa từng trải qua cảm giác tập luyện xong cơ thể co rút vì đau, không thể cúi xuống lấy đồ. Việc ngồi và nằm để ngủ được một giấc cũng là điều xa xỉ.
Họ không thấu hiểu vì chưa từng trải qua chấn thương như vậy, nên họ nghĩ mình giả vờ trốn tập luyện vì mình giỏi và mắc bệnh ngôi sao".
Đây là những hiểu lầm không chỉ Lê Thị Bằng mà rất nhiều tay đấm trẻ cũng phải gánh chịu.
Những cay đắng, đớn đau trong sự nghiệp thi đấu cũng giúp Lê Thị Bằng xác định rõ được những quy tắc huấn luyện của riêng cô. Nữ HLV trẻ cho biết, cô sẽ luôn tìm hiểu và đánh giá chấn thương của võ sĩ một cách khách quan nhất, để tránh việc vô tình dập tắt đam mê của những VĐV trẻ.
HLV Lê Thị Bằng chia sẻ: "Những đắng cay trong lúc chấn thương làm mình có quyết định giải nghệ và chuyển hướng qua làm huấn luyện viên. Đó cũng là động lực để mình theo đuổi nguyên tắc là luôn và sẽ tìm hiểu cũng như đánh giá vấn đề chấn thương của vận động viên một cách khách quan và tìm cách khắc phục cho võ sĩ ngay khi mới dính chấn thương nhẹ để VĐV có thể yên tâm điều trị và tiếp tục tập luyện".
Việc từ võ sĩ chuyển sang vai trò HLV chưa bao giờ là điều dễ dàng, đặc biệt là với những võ sĩ giỏi. Họ đã dành cả đời để phát huy những sở trường của bản thân họ. Giờ đây họ phải học cách để nhìn thấy những sở trường và sở đoản từ những người khác để xây dựng nên những VĐV mới. Đó sẽ là những thử thách khác cho Lê Thị Bằng.
Dù vậy, nói gì thì nói, Lê Thị Bằng có lẽ đã chia tay với sự nghiệp thi đấu nhưng cô vẫn chưa nói lời chia tay với võ thuật. Cô chỉ thay đổi hướng đi trên hành trình theo đuổi đam mê của mình.