Cách đây khoảng 1 tuần, hệ thống giải đấu chuyên nghiệp K.League (Hàn Quốc) đã trở lại với những trận đấu đầu tiên. Không chỉ đưa bóng đá trở lại, ban tổ chức giải vô địch quốc gia Hàn Quốc còn có một kế hoạch chi tiết và táo bạo để "tranh thủ" quảng bá hình ảnh.
Củ thể, mọi trận đấu của K.League được phát sóng trực tuyến miễn phí trên nhiều nền tảng khác nhau, trên phạm vi toàn thế giới. Nắm bắt được mong muốn của người hâm mộ được theo dõi bóng đá sau quãng thời gian dài phải "nhịn" vì dịch bệnh và chỉ được xem lại một số trận đấu kinh điển trong quá khứ, ban tổ chức K.League đã thu được những thành quả đáng kể.
Theo thống kê, ở vòng đấu đầu tiên, 37 triệu người hâm mộ tại 36 quốc gia đã tìm xem các trận đấu tại K.League, trong đó có cả những cường quốc về bóng đá như Anh, Tây Ban Nha hay Pháp... Đặc biệt, 18% lượng người xem đến từ Thổ Nhĩ Kỳ, chỉ xếp sau Hàn Quốc. Để đáp lại tình cảm của những người hâm mộ nước ngoài, ban tổ chức K.League còn nhạy bén đưa những tiếng cổ động hoặc bình luận đặc trưng ở từng nước vào trong luồng trực tiếp.
Ngay lập tức, K.League đã nhận được nhiều lời mời hợp tác và mua bản quyền phát sóng từ các kênh truyền hình thể thao lớn. ESPN hay BBC cũng đưa tin về giải đấu, tờ Marca của Tây Ban Nha thậm chí còn đưa tin về một trận đấu tại K.League 2 (giải hạng nhất của Hàn Quốc).
Theo thống kê của cổng thông tin lớn nhất Hàn Quốc - Naver, mọi con số về lượt truy cập, tìm kiếm thông tin về K.League đều có chuyển biến mạnh mẽ. Số người xem trong một thời điểm tăng 17,6% so với vòng 1 của mùa giải 2019. Con số này ở K.League 2 thậm chí còn tăng gấp đôi. Những gương mặt từng chơi bóng ở nước ngoài như tiền đạo Lee Dong-gook của Jeonbuk Hyundai cũng bỗng nhiên được nhắc đến nhiều hơn.
Với tư duy và cách làm có nhiều tính đột phá, bóng đá Hàn Quốc đã đạt được thành công bước đầu trong việc quảng bá hình ảnh. Điều này cho thấy các giải VĐQG hoàn toàn có thể vượt qua khó khăn sau đại dịch Covid-19 nhanh chóng nếu có sự nhạy bén cần thiết.
Bạn nên quan tâm