Những sự kiện nổi bật tương ứng với 12 tháng như một cách để tóm tắt bóng đá Việt Nam năm 2020 với những nhân vật chính vốn đã quá quen thuộc.
Tháng 1: U23 Việt Nam bị loại từ vòng bảng VCK U23 châu Á (8 - 26/1)
Đòn bẩy tinh thần từ tấm HCV SEA Games 2019 không đủ để che khuất những vấn đề của U23 Việt Nam khi bước ra sân chơi châu lục. Không có thêm phép màu nào xảy ra, HLV Park Hang-seo cùng các học trò sớm rời giải đấu sau vòng bảng. Tấm vé đi Olympic vẫn là cột mốc cần thêm thời gian để chinh phục với bóng đá Việt Nam.
Tháng 2: Duy Mạnh làm đám cưới (9/2)
Đám cưới rình rang của cặp đôi Duy Mạnh – Quỳnh Anh là điểm nhấn lớn ở phía hậu trường bóng đá. Sự kiện này đánh dấu một bước trưởng thành mới, một năm nhiều thành viên thế hệ U23 Thường Châu lập gia đình, nổi bật nhất là cặp đôi Công Phượng – Viên Minh và còn đó Văn Đức – Nhật Linh, Xuân Mạnh – Trần Dung, Bùi Tiến Dũng – Khánh Linh.
Tháng 3: Bóng đá Việt Nam đình trệ vì dịch Covid-19 (15/3)
Dịch Covid-19 tác động đến V.League khi hành trình mới trôi qua hai vòng đấu. Từ hoãn hết tháng 3, V.League cũng như tất cả các sự kiện thể thao của Việt Nam án binh bất động gần 2 tháng khiến CLB, cầu thủ chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực. Đến cuối tháng 5, Cúp quốc gia khởi tranh, đánh dấu sự trở lại của bóng đá.
V.League 2020 cũng thay đổi chưa có tiền lệ khi chia giải thành hai giai đoạn. Sau giai đoạn 1, 8 đội dẫn đầu sẽ đua vô địch, 6 đội xếp cuối tranh suất tránh xuống hạng. Sự thay đổi này cũng tạo nên một mùa giải hấp dẫn và kịch tính đến phút chót.
Tháng 4: Chuyện giảm lương thời dịch của HLV Park Hang-seo
Một vấn đề tế nhị liên quan đến tiền bạc bỗng trở thành chủ đề được thảo luận rất nhiều trong tháng 4. HLV Park Hang-seo với mức lương 50.000 USD/tháng sau thuế (khoảng 1,1 tỷ đồng) trở thành tâm điểm của sự tò mò trong bối cảnh hầu hết những người gắn bó với bóng đá bị hoặc chủ động cắt giảm lương.
Năm 2020 cũng là một năm rảnh rỗi với HLV người Hàn Quốc khi các giải đấu của ĐTQG và U23 Việt Nam đều bị hoãn vì dịch bệnh. Đi khắp các sân cỏ trên cả nước tìm kiếm nhân tố mới là công việc chính của HLV Park Hang-seo cùng các cộng sự trong năm này.
Tháng 5: Đỗ Hùng Dũng giành Quả bóng vàng Việt Nam 2019 (26/5)
Trong bối cảnh những giải thưởng bóng đá bị chi phối bởi sự nổi tiếng, việc một người thầm lặng như Đỗ Hùng Dũng giành Quả bóng vàng là sự kiện thú vị. Tiền vệ sinh năm 1993 cũng đại diện cho sự nỗ lực không ngừng nghỉ. Từ một cầu thủ lỡ dở những giải đấu lớn, anh tận dụng tối đa các cơ hội để giành các danh hiệu từ CLB lên đến đội tuyển. Giờ đây, Hùng Dũng là trụ cột của Hà Nội FC và đội tuyển Việt Nam cùng bảng thành tích đáng mơ ước.
Tháng 6: Scandal của Quang Hải (23/6)
Khi mọi thứ đang êm ả trôi, sự việc Facebook của Quang Hải bị hack tạo nên một "vụ nổ" trong giới thể thao. Những đoạn tin nhắn bị lộ khiến hình ảnh của Quang Hải bị ảnh hưởng nặng nề. Anh mất nhiều thứ trong đó có lượng người hâm mộ, những hợp đồng quảng cáo béo bở,… Cuối cùng, những màn trình diễn ấn tượng trên sân cỏ đã giúp Quang Hải vượt qua quãng thời gian khó khăn nhất sự nghiệp.
Tháng 7: Bóng đá Việt Nam hoãn lần thứ hai vì dịch Covid-19 (26/7)
Kịch bản hoãn giải là điều đã được cảnh báo trước. Vấn đề lớn nhất với VPF và VFF là sự xuất hiện của những lá đơn kiến nghị kết thúc sớm giải từ một số CLB V.League. Sau nhiều ồn ào, mọi thứ vẫn đi đúng đường. Tất cả các giải đấu đều kết thúc tốt đẹp. Bóng đá Việt Nam trở thành điểm sáng của khu vực.
Tháng 8: Đoàn Văn Hậu về nước thi đấu (2/8)
1 năm tu nghiệp ở Hà Lan của Văn Hậu đã không được như kỳ vọng khi liên tục phải ngồi dự bị. Dịch Covid-19 là cú đấm cuối khiến mùa giải ở Hà Lan kết thúc sớm. Những gì người hâm mộ nhớ về chuyến đi của Văn Hậu tới châu Âu là một thể hình vạm vỡ hơn, 4 phút ở Giải VĐQG Hà Lan, những trận đấu cho đội trẻ hay mức lương ngất ngưởng so với một cầu thủ Việt cùng sự hoà nhập khó khăn với ngôn ngữ, văn hoá.
Tháng 9: HLV Alfred Riedl qua đời (8/9)
Sự ra đi ở tuổi 70 của HLV Alfred Riedl để lại nỗi thương tiếc lớn ở Việt Nam. Cố HLV Riedl là người giúp thành tích của ĐTQG và U22 Việt Nam ở đấu trường quốc tế có sự bứt phá mạnh mẽ dù không giành chức vô địch chính thức nào. Ông hiện tại vẫn là HLV ngoại có quãng thời gian dẫn dắt các đội tuyển Việt Nam lâu nhất trong lịch sử.
Tháng 10: Cựu vương Quảng Nam xuống hạng (30/10)
Từ nhà vô địch V.League 2017, Quảng Nam rớt hạng sau 3 mùa giải bằng một lối chơi thiếu sinh khí. Họ trở thành đội thứ 3 trong lịch sử vô địch V.League bị rớt hạng. Điều thú vị cuối cùng Quảng Nam làm được là tạo nên vòng đấu cuối đầy kịch tính khi đua trụ hạng với Nam Định.
Quảng Nam xuống hạng, Bình Định thế chân. Chiến thắng trước Phố Hiến giúp bóng đá đất võ trở lại sân chơi cao nhất sau 12 năm xa vắng.
Tháng 11: Viettel vô địch V.League (8/11) - Công Phượng lên xe hoa (16/11)
Viettel vô địch chỉ sau hai năm có mặt ở V.League. Những hậu bối Thể Công phá vỡ thế thống trị của Hà Nội FC bằng một lối chơi thực dụng có phần xù xì. Chức vô địch này được xem có tác động không nhỏ từ thể thức thi đấu mới nhưng cũng tạo nên làn gió mới cho V.League. "Lời nguyền" 3 năm vô địch V.League liên tiếp vì thế vẫn chưa có đội nào phá vỡ.
Cũng trong tháng 11, Công Phượng làm đám cưới với Viên Minh trở thành sự kiện được tìm kiếm nhiều bậc nhất. 3 lễ cưới ở TP.HCM, Phú Quốc và Nghệ An của cặp đôi luôn nhận được sự chú ý của giới báo chí và người hâm mộ.
Tháng 12: Đội tuyển Việt Nam tập trung (6-28/12)
Đợt tập trung đầu tiên và cũng là duy nhất của đội tuyển Việt Nam là sự kiện lớn cuối cùng trong năm 2020. HLV Park Hang-seo có thời gian để thử nghiệm đội hình tuyển Việt Nam, thử nhân tố mới cho đội U22. Một chút đội tuyển trở thành thứ gia vị dùng ổn trong những ngày các giải đấu tạm dừng.
- Vô địch V.League: Viettel
- Vô địch Cúp quốc gia: Hà Nội FC
- Vô địch Siêu cúp quốc gia: Hà Nội FC
- Vô địch hạng Nhất: Bình Định
- Giải nhất hạng Nhì: Phú Thọ, Phù Đổng
- Giải nhất hạng Ba: Hải Nam Vĩnh Phúc, Trẻ Quảng Nam
- Vô địch U21 quốc gia (19/12): Viettel
- Vô địch U19 quốc gia (28/6): PVF
- Vô địch U17 quốc gia (27/9): SLNA
- Vô địch U17 Cúp quốc gia (10/12): PVF
- Vô địch U15 quốc gia (26/10): PVF
- Vô địch U15 Cúp quốc gia (28/12): PVF
- Giải Thiếu niên toàn quốc (15/10): SLNA
- Giải Nhi đồng toàn quốc (31/10): SLNA
- Giải bóng đá nữ VĐQG: CLB TP.HCM I
- Giải bóng đá nữ Cúp quốc gia: CLB TP.HCM
- Giải bóng đá nữ U19 quốc gia: Hà Nội Watabe
- Giải bóng đá nữ U16 quốc gia: Dự tuyển quốc gia
- Giải Futsal VĐQG: Thái Sơn
- Giải Futsal Cúp quốc gia: Thái Sơn Nam
- Giải bóng đá Bãi biển VĐQG: Đà Nẵng