2022, một năm với nhiều biến động trong làng thể thao Việt Nam, đặc biệt trong đó phải kể đến bóng rổ, bộ môn được kỳ vọng sẽ trở thành môn thể thao yêu thích thứ 2 tại Việt Nam. Trước khi năm 2022 khép lại cũng như chào đón năm 2023, hãy cũng điểm lại những hoạt động, những nỗ lực của Liên đoàn bóng rổ Việt Nam trong kế hoạch đưa bóng rổ Việt Nam vươn tầm khu vực.
Cuối tháng 3/2022, những thông tin về giải đấu ABL 3x3 xuất hiện với tần suất dầy đặc, điều này khiến cho người hâm mộ đặc biệt chú ý khi không chỉ có Saigon Heat, đội tuyển nam và nữ Việt Nam cũng sẽ góp mặt. Động thái này được hiểu là sự chuẩn bị của Liên đoàn bóng rổ Việt Nam cho SEA Games 31, kỳ Đại hội mà bóng rổ Việt Nam đặt mục tiêu thay màu huy chương.
ABL 3x3 là sự kiện mở đầu cho loạt giải đấu cấp độ khu vực và quốc tế mà Việt Nam tham dự sau hơn 2 năm bị gián đoạn bởi đại dịch. Ảnh: Huy Phạm
Trong khoảng thời gian chuẩn bị, những thông tin về dàn cầu thủ thi đấu cũng nhận được nhiều sự quan tâm của NHM Việt Nam. Nếu như ở tuyển nam. những cái tên quá quen thuộc như Đinh Thanh Tâm, Justin Young, Chris Dierker, Võ Kim Bản và Nguyễn Huỳnh Phú Vinh không còn tạo nên sự ngạc nhiên thì điều đó lại hoàn toàn khác ở tuyển nữ.
Trong khu vực Đông Nam Á, bóng rổ nữ Việt Nam không mạnh khi thua thiệt quá nhiều về thể hình cũng như kỹ thuật và hơn hết, chính là chiều dài phát triển cũng như đầu tư. Chính vì lẽ vậy, quyết định mang quân tham dự ở một sân chơi tầm cỡ quốc tế như ABL 3x3 đã khiến giới mộ điệu cùng NHM ít nhiều lo lắng và tò mò. Liệu các cô gái đi thi đấu này sẽ là ai và chúng ta có thể giành được một chiến thắng hay không?
Những câu hỏi và sự nghi ngờ là điều dễ hiểu trước một sân chơi tập trung những hảo thủ 3x3 trên toàn thế giới cũng như khu vực. Thế nhưng chính những cô gái không nhận được sự quan tâm nhiều như các chàng trai lại là những người mang niềm tự hào về cho dân tộc.
Trải qua nhiều khó khăn, đội tuyển nữ Việt nam đã mang lại những màn trình diễn đẳng cấp cho NHM. Hai chị em Trương Thảo My, Trương Thảo Vy nhanh chóng thể hiện được tài năng của những cầu thủ được đào tạo bài bản ở Mỹ. Huỳnh Thị Ngoan với vai trò kết nối, trong khi Trần Thị Anh Đào thi đấu nhiệt huyết ở trên sân.
Trải qua 5 trận toàn thắng trước những đối thủ hơn hẳn về thể hình cũng như trình độ, tuyển nữ Việt Nam không chỉ giành được ngôi vô địch, giúp bóng rổ Việt Nam lần đầu được đứng lên bục cao nhất ở một giải đấu quốc tế mà còn giúp cho người hâm mộ thể thao nước nhà để ý nhiều hơn tới bóng rổ nữ.
Chặng hành trình kỳ diệu cùng chức vô địch không ngờ ở ABL 3x3 2022 đã trở thành đường băng, giúp bóng rổ Việt Nam có cơ hội cất cánh bay xa và góp mặt nhiều hơn trong các hoạt động tiếp theo của năm 2022.
Năm 2022 quả thực là một năm chạy hết công suất của đội tuyển bóng rổ Việt Nam. Kể từ sau ABL 3x3 2022 trên đất Bali, các chàng trai cô gái của đội tuyển còn có thêm 3 lần góp mặt ở các giải đấu cấp độ quốc tế, những giải đấu thuộc Liên đoàn bóng rổ thế giới FIBA.
Xen kẽ khoảng thời gian diễn ra VBA 2022 là 2 giải đấu 3x3 bao gồm FIBA 3x3 Asia Cup và FIBA Nations League. Trong cả 2 giải đấu, tuyển Việt Nam đều không có được kết quả tốt thế nhưng việc BLĐ đặt niềm tin nhiều hơn vào các nội binh là một dấu hiệu tốt và nó cho thấy phần nào sự trưởng thành của các tuyển thủ.
Tại FIBA 3x3 Asia Cup, tuyển nam và nữ Việt Nam rơi vào những bảng đấu khó khăn khi lần lượt phải đối đầu với Đài Bắc Trung Hoa, kình địch Thái Lan ở tuyển nam và Uzbekistan cùng Malaysia bên phía tuyển nữ. Nếu như tuyển nữ sớm có những thất bại chóng vánh vì thua thiệt về thể hình cũng như kỹ thuật thì các chàng trai dưới trướng HLV Lê Trần Minh Nghĩa lại mang tới một bộ mặt mới mẻ, đầy quyết tâm.
Sau thành công trong lần đầu tiên góp mặt ở FIBA Asia Cup 2019, Việt Nam mang tới sân chơi quốc tế 2 cầu thủ nội binh Phú Vinh - Kim Bản cùng 2 Việt kiều quen mặt là Khoa Trần và Chris Dierker. Thất bại đầy tiếc nuối trước Đài Bắc Trung Hoa và sự thay đổi tích cực trong chiến thắng với Thái Lan đều mang đậm dấu ấn của những nội binh.
Phú Vinh và Kim Bản là những nội binh nổi bất và có nhiều tiến bộ nhất năm 2022. Ảnh: Huy Phạm
Việc thay đổi đội hình thi đấu khi sử dụng tới 2 nội binh là sự cải thiện rất lớn tới từ phía BHL cũng như Liên đoàn bóng rổ Việt Nam. Rõ ràng giới thượng tầng đã đặt nhiều niềm tin hơn vào các ngôi sao quốc nội, điều này cho thấy chặng đường phát triển 10 năm vừa qua đã mang tới những quả ngọt nhất định.
Sau FIBA 3x3 Asia Cup, đội tuyển Việt Nam lại tiếp tục lên đường sang Malaysia để tham dự FIBA 3x3 Nations League 2022, giải đấu dành cho những cầu thủ trẻ, những trụ cột tương lai của bóng rổ Việt Nam sau này. Dĩ nhiên khi mang tới những cái tên còn mới mẻ và còn non trẻ thì việc cạnh tranh thứ hạng là điều không nằm trong kế hoạch của Liên đoàn bóng rổ Việt Nam.
Dù chỉ giành được vỏn vẹn 1 chiến thắng sau 24 trận thi đấu ở cả nam và nữ, thế nhưng với người hâm mộ bóng rổ Việt Nam, điều đó vẫn vô cùng tuyệt vời khi đối thủ của chúng ta là những đại diện top đầu châu lục cũng như toàn thế giới. Những đối thủ như Mông Cổ, Trung Quốc, Nhật Bản có thể thắng Việt Nam với 1 tỉ số đậm, nhưng sự trưởng thành sẽ đến với những chàng trai, cô gái Việt Nam trên chặng đường tiếp theo của sự nghiệp.
Bên cạnh những dấu ấn đậm nét về tinh thần không biết khuất phục của các chiến binh "cờ Đỏ sao Vàng", bóng rổ Việt Nam còn có sự thay đổi ấn tượng trên BXH 3x3 FIBA. Ở thời điểm giải đấu kết thúc, Việt Nam lần lượt gặt hái được những thứ hạng như 51/204 thế giới và xếp thứ 9 ở phân khu châu Á (bóng rổ nam), hạng mục U23 cũng leo lên được vị trí 37 toàn thế giới và cùng giữ vị trí thứ 9 ở châu Á.
Về phía đội tuyển nữ, thành công trên đất Bali và gần nhất là 2 giải đấu cấp độ Nations League tại Singapore và Malaysia đã giúp tuyển nữ Việt Nam vượt qua con số 50 và leo lên vị trí thứ 42 trên toàn thế giới và thứ 10 ở khu vực châu Á. Về phía đội tuyển U23, các nữ chiến binh "cờ Đỏ sao Vàng" vươn lên vị trí thứ 39 trong số 164 quốc gia thành viên và đứng thứ 9 ở khu vực châu Á.
Sau những thành công nhất định ở nội dung 3x3, bóng rổ Việt Nam kết thúc năm 2022 trên đất Mông Cổ, nơi diễn ra vòng sơ loại FIBA châu Á 2025. Tại đây, Việt Nam tiếp tục gặp nhiều thử thách khi nằm chung bảng với Tahiti, Thái Lan, Malaysia và Mông Cổ. Sau gần 60 năm vắng mặt, Việt Nam có lần trở lại tương đối tốt khi giành chiến thắng áp đảo ngay trong trận đầu tiên của giải cũng như tinh thần không bỏ cuộc trước những đối thủ lớn như Mông Cổ và Thái Lan.
Hành trình 1 tuần tương đối ngắn ngủi đã không mang lại cái kết có hậu nhưng lại mở ra một chặng đường mới phía trước hứa hẹn hơn với đội tuyển bóng rổ Việt Nam. Những gì học hỏi được trong lần bơi lại biển lớn sẽ trở thành động lực cho BHL cùng các cầu thủ cũng như nền bóng rổ Việt Nam phấn đấu hơn trong tương lai.
Bên cạnh những sự kiện mang tính quốc tế, bóng rổ Việt Nam năm 2022 không thể không nhắc tới SEA Games 31, kỳ Đại hội diễn ra trên chính mảnh đất Việt Nam và cũng là kỳ Đại hội được tổ chức tại Việt Nam, giúp cho hàng nghìn người trở thành nhân chứng lịch sử chứng kiến đội tuyển Việt Nam giành được 2 tấm huy chương bạc ở thể thức 3x3.
Đội hình 3x3 nam và nữ bóng rổ Việt Nam đã làm nên lịch sử trước hàng nghìn người hâm mộ thể thao nước nhà. Ảnh: Huy Phạm.
Trái ngược với 19 năm trước đó ở kỳ SEA Games 22, bóng rổ đã trở thành một trong những bộ môn thu hút được sự quan tâm của người hâm mộ thể thao Việt Nam. Dĩ nhiên sự quan tâm đó có được từ sau 2 tấm huy chương đồng lịch sử ở Phillipines, yếu tố khách quan do Covid-19 và hơn hết, chính là đội tuyển bóng rổ nữ 3x3, 4 cô gái vàng đã mang về danh hiệu đầu tiên cho bóng rổ Việt Nam ở một giải đấu quốc tế.
Người hâm mộ kỳ vọng, khát khao được nhìn thấy các tuyển thủ thi đấu, trình diễn và toả sáng ngay trên chính sân nhà. Điều đó cũng tương tự đối với BLĐ cùng BHL 2 tập thể tuyển nam và nữ. Hơn ai hết, từ trong trái tim mỗi người đều hiểu rằng họ phải mang về thành tích, phải cống hiến hết mình bất kể bản thân đang đau đớn ra sao để bản nhạc Quốc ca Việt Nam hùng tráng có thể vang lên cùng tấm Quốc kỳ được kéo lên ở vị trí cao nhất.
Tuy nhiên điều đó đã không thể trở thành hiện thực, ở cả thể thức thi đấu 3x3 hoặc 5x5 đối với cả tuyển nam cũng như tuyển nữ. Sự hụt chân đáng tiếc ở trong 2 trận đấu chung kết 3x3 với đội tuyển Thái có lẽ còn in đậm trong lòng người hâm mộ tới tận giờ. Thế nhưng khi thời khắc giao mùa sắp tới, cùng ngồi và xem lại những tấm ảnh trong điện thoại bản thân mình lưu giữ về 9 ngày cuồng nhiệt ở NTĐ Thanh Trì, chắc hẳn sẽ không ít người bồi hồi cảm thấy tình yêu dân tộc sâu thẳm trong mình trực dâng trào mạnh mẽ.
Dựa trên nhiều tiêu chí, bóng rổ Việt Nam quả thực đã thành công khi nhận được tình yêu và sự ủng hộ từ phía NHM thể thao nước trong kỳ SEA Games 31 vừa qua. Ảnh: Huy Phạm
Trước SEA Games 31, không ai nghĩ điều đó sẽ xảy ra với bóng rổ, dù chưa được đông đảo như một số bộ môn bóng đá, bóng chuyền hoặc Esports, thế nhưng được chứng kiến tình yêu cũng như sự ủng hộ của mọi người tới bóng rổ chính là điều hạnh phúc nhất dành cho cầu thủ cũng như những người làm bóng rổ.
Hình ảnh của những cụ già mang trống chiêng đi cổ vũ, hình ảnh của các em nhỏ mang băng rôn khẩu hiệu cùng cờ Việt Nam tới ủng hộ, hình ảnh của những chuyến xe trở tuyển thủ về khách sạn luôn trong tình trạng không thể di chuyển vi người hâm mộ chờ đón sau mỗi trận và hơn hết, chính là thanh âm đầy tự hào của hàng nghìn khán giả khi hoà vàng giai điệu "Việt Nam Ơi" sau mỗi trận thắng của đội tuyển, đó là minh chứng cụ thể nhất để nói về sự thành công của bóng rổ Việt Nam năm 2022.
2022 đã kết thúc với nhiều kỷ niệm và nhiều bài học, hy vọng ở năm 2023, bóng rổ Việt Nam sẽ có những bước đột phá mới trên đấu trường quốc tế cũng như thay đổi màu huy chương ở kỳ SEA Games 32, diễn ra trên đất Campuchia.
Bạn nên quan tâm