Giải bóng rổ chuyên nghiệp VBA đã bước sang năm thứ 5 phát triển và xây dựng. Trải qua một chặng đường dài không thiếu những gian nan cùng thử thách, thế nhưng VBA đã và đang cho thấy sức hút mạnh mẽ của mình tới người hâm mộ thể thao Việt Nam nói chung cũng như bóng rổ nói riêng.
Ở thời điểm VBA vẫn chưa thể ấn định ngày chính thức khởi tranh mùa giải 2020, người hâm mộ vẫn có thể thấy các đội bóng như Thang Long Warriors, Hanoi Buffaloes, Cantho Catfish, Danang Dragons và Hochiminh City Wings, đang thực hiện các buổi tuyển quân. Khi mà mùa giải vẫn chưa biết tới bao giờ mới quay được khởi tranh, tại sao các đội bóng vẫn tổ chức Tryout?
Nếu VBA 2020 không thể diễn ra như kế hoạch dự tính vì những diễn biến của bệnh dịch, phải chăng các buổi Tryout trên của các đội bóng đã trở nên phí hoài? Tuy nhiên nếu nhìn lại 4 năm về trước, có thể thấy dù có VBA 2020 hay không, thì việc Tryout của các đội vẫn là điều cần phải diễn ra.
Cuộc họp thượng đỉnh cho ra đời giải đấu bóng rổ chuyên nghiệp đầu tiên tại Việt Nam
Ngày 6/7/2016 tại TP. HCM, một cuộc họp bao gồm các ông chủ của 5 đội bóng là Saigon Heat, Hochiminh City Wings, Cantho Catfish, Danang Dragons và Hanoi Buffaloes đã được diễn ra. Họ chính là những người tiên phong vì sự phát triển của bóng rổ nước nhà.
Ở thời điểm đó, giới thượng tầng của VBA đa phần đều không phải là người chuyên về thể thao. Tuy nhiên họ có tầm nhìn và tin rằng có thể đưa bóng rổ trở thành môn được yêu thích thứ 2 tại Việt Nam.
Sau đó một tháng, giải đấu chính thức khởi tranh, người hâm mộ thể thao Việt Nam nói chung và bộ môn bóng rổ nói riêng lần đầu tiên được trải nghiệm một giải đấu thể thao chuyên nghiệp lại xen kẽ nhiều hoạt động mang tính chất giải trí tới như vậy. Hoạt náo viên, linh vật, các trò chơi giao lưu trực tiếp trên sân và cảm giác được hòa mình cùng với cầu thủ trên sân đã trở thành sức hút khó cưỡng tới từ VBA mà ít môn thể thảo nào làm được.
Trong 5 tháng liên tiếp, VBA 2016 luôn nằm trong top 10 sự kiện được quan tâm nhất ở thời điểm đó. Cùng với các hoạt động như VBA Cares, School Visit..., VBA đã mang bóng rổ tới gần hơn với giới trẻ tại Việt Nam. Những cột rổ của VBA đã xuất hiện nhiều hơn tại những trường THCS cũng như THPT trên khắp cả nước.
Mặc dù vẫn còn khá nhiều bất cập ở thời điểm sơ khai, thế nhưng sẽ vô cùng thiếu sót nếu không nhìn vào sự tích cực mà giải đấu mang lại tới cho người hâm mộ Việt Nam, đặc biệt là cho sự phát triển của bộ môn bóng rổ.
Sự ra đời của VBA đã thay đổi chất lượng cuộc sống của các VĐV bóng rổ tại Việt Nam ra sao?
Sau 4 năm, vấn đề về chất lượng cuộc sống của giới cầu thủ tại VBA luôn là một trong những tâm điểm bàn luận của người hâm mộ, cùng với đó là trăn trở của những người trong cuộc. Câu chuyện các cầu thủ tham gia thi đấu ở một giải chuyên nghiệp nhưng không thể đảm bảo được cuộc sống cùng với những nỗi lo cơm áo gạo tiền là điều dễ dàng có thể nhìn ra, khi giải đấu chỉ diễn ra vỏn vẹn trong 4-5 tháng.
Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, rõ ràng cuộc sống của các nội binh đã thay đổi ít nhiều và sẽ không quá khi nói rằng tốt hơn rất nhiều kể từ khi giải đấu được sinh ra. Trước VBA, sân chơi của các VĐV chuyên nghiệp tại Việt Nam rất ít, hầu hết đều tới từ các giải quốc gia trong hệ thống của Liên đoàn bóng rổ Việt Nam và đôi khi là những giải phủi tại địa phương nơi họ sinh sống.
Trước khi VBA ra đời, cặp đôi Phú Hoàng - Thành Đạt cũng chỉ là cặp anh em có tiếng trong giới bóng rổ không chuyên Thủ đô. Nếu không có VBA, liệu điều gì sẽ giúp "Flash Brothers" trở thành biểu tượng của bóng rổ Hà Nội như bây giờ?
Tài năng và sự nỗ lực của các VĐV Việt Nam là điều không thể phủ định. Tuy nhiên nếu không có bệ phóng, liệu các bạn trẻ sinh năm 10x, 20x có biết tới những nội binh đã "cứng tuổi" như Tuấn Trung, Huỳnh Hải, Tô Trung, Hán Minh..., lớp cầu thủ đầy chất lượng một thời của bóng rổ Việt Nam?
Nhờ vào VBA, các cầu thủ nội binh đã có một sân chơi chuyên nghiệp, nơi có thể họ chỉ là kép phụ nhưng vẫn nhận được sự yêu mến tới từ phía người hâm mộ nước nhà. Bất chấp cái bóng quá lớn của các cầu thủ gốc Việt và ngoại binh, nội binh vẫn có đất diễn của mình và tên tuổi của họ cũng phát triển dần theo những đóng góp cho đội bóng.
Thi đấu tốt hơn, tên tuổi đi lên, người hâm mộ yêu quý hơn, cơ hội được thi đấu nhiều hơn, tài năng bản thân được nhìn nhận, có cơ hội tham gia ở những giải đấu khác và thậm chí là khoác lên mình màu áo của tuyển Việt Nam để tham dự những giải đấu lớn trong khu vực và cả quốc tế. Đó là những giá trị khó có thể mang ra đong đếm và cũng là những thứ mà các nội binh nhận được ngoài số tiền lương trong vỏn vẹn 4-5 tháng thi đấu tại VBA.
Nghề tay trái, điều bình thường tại Việt Nam không chỉ riêng ở VBA
Ở Việt Nam, để theo thể thao chuyên nghiệp mà không cần làm bất cứ nghề nào khác vẫn là điều chưa thể với phần lớn VĐV ở nhiều bộ môn chứ không phải chỉ ở bóng rổ. Đã có rất nhiều câu chuyện về những mảnh đời, những VĐV từng là người hùng của dân tộc, thế nhưng khi rời xa sân đấu, rời xa cảnh quần đùi áo số, họ vẫn lao vào các công việc tay trái khác như bao người bình thường.
Câu chuyện về Phạm Thị Thu Trang, nữ hoàng đi bộ của điền kinh Việt Nam vừa qua là một ví dụ. Mặc dù là một môn thể thao thế mạnh của Việt Nam, nhưng có ai ngờ rằng cô gái nhỏ nhắn sinh năm 1998 đó vẫn hàng ngày chạy Grab 2 tiếng nhằm kiếm ít tiền gửi về phụ giúp gia đình.
Cùng với tấm huy chương vàng danh giá trên đất Philippines, câu chuyện của Thu Trang một lần nữa trở thành động lực giúp cho những VĐV khác vượt qua những khó khăn đời thường để tiếp tục theo đuổi và quyết tâm cho sự nghiệp mà họ đã chọn.
Ở VBA, một trong những nghề tay trái được các cầu thủ làm nhiều nhất đó chính là trở thành HLV tại các trung tâm hoặc tự mở lớp của riêng mình. Đôi khi thay vì chọn làm người truyền lửa, truyền kinh nghiệm cho thế hệ trẻ, một số sẽ chọn cho mình nghề bán giày, bán đồ ăn online...
Có lẽ ít nhiều trong thâm tâm một số cầu thủ, họ đều mong muốn có thể chuyên tâm hơn cho sự nghiệp. Hy vọng thời gian một mùa giải diễn ra sẽ lâu hơn, thay vì chỉ 4-5 thãng như trước đó. Để trên trang cá nhân của mỗi người, sẽ không còn đó những bài viết chia sẻ về những lớp dạy học hoặc những món đồ mà họ buôn bán.
Tuy nhiên nếu nhìn vào mặt tích cực, nếu không có sự ra đời của VBA, chắc hẳn những nghề tay trái trên cũng khó tiếp cận được tới đông đảo người hâm mộ trên cả nước. Và dù với bất kỳ nghề tay trái nào được những cầu thủ tại VBA lựa chọn, nó cũng đều mang lại những giá trị tinh thần to lớn khác.
Những khó khăn hiện tại phần nào giúp cho các cầu thủ ngôi sao tại VBA trở nên gần gũi hơn với người hâm mộ. Vẫn là những nỗi lo về cơm áo gạo tiền, thế nhưng khi đón nhận với một thái độ tích cực, nghề tay trái sẽ thành niềm vui và cũng giúp các cầu thủ kiếm thêm một khoản tiền không hề nhỏ. Giúp họ hỗ trợ gia đình và cả bản thân trong chặng đường theo đuổi nghiệp quần đùi áo số.
Hơn cả một giải đấu, VBA là bệ phóng cho bóng rổ Việt Nam vươn ra khu vực
Ở thời điểm VBA thành lập, mục tiêu chung của nhóm owners đề ra rất rõ ràng. Tạo sân chơi cho nội binh, giúp cho các cầu thủ có thêm cơ hội trải nghiệm, cọ sát nâng cao và tìm kiếm những tài năng đang sinh sống và học tập ở ngoài lãnh thổ Việt Nam về đóng góp cho quê hương.
Với định hướng trên, VBA đã đóng góp rất nhiều cho công cuộc cải tổ và nâng cao bóng rổ Việt Nam tại khu vực. Nếu nhìn lại kết quả của đội tuyển bóng rổ Việt Nam trong 2 kỳ SEA Games gần đây, có lẽ không cần phải nói thêm về đóng góp của VBA. Hai tấm huy chương đồng trên Manila cuối tháng 12 vừa qua là minh chứng rõ rệt nhất cho việc thành hoặc bại của giới thượng tầng tại VBA cũng như Liên đoàn bóng rổ Việt Nam (VBF).
Tuy nhiên, đó mới là một phần trong kế hoạch phát triển bóng rổ mà VBA phối hợp cùng với VBF thực hiện trong 4 năm qua. Điều quan trọng nhất vẫn là đào tạo và phát hiện ra các tài năng trẻ. Bởi lẽ đó, dù VBA 2020 vẫn chưa biết ngày quay trở lại, thế nhưng các đội bóng vẫn và đang tiếp tục tổ chức các sự kiện tuyển quân, nhằm tìm ra và bồi dưỡng cho những cá nhân có năng khiếu và tình yêu cùng trái bóng cam.
Đó chính là mục tiêu lớn nhất mà VBA hướng tới, giúp cho trái bóng cam tới được với giới trẻ sớm nhất có thể, bồi dưỡng tình yêu của các em thông qua những trận đấu cùng các ngôi sao của giải đấu. Từ đó, họ tạo ra nguồn vận động viên kế thừa cho giải và đội tuyển bóng rổ Việt Nam, nhằm nâng tầm bóng rổ nước nhà.
Lời kết
Ở mùa giải thứ 5, VBA tiếp tục chào đón thành viên mới, Nha Trang Dolphins, tạo thêm cơ hội để phổ cập và phục vụ cho những "thượng đế" ở thành phố biển đầy tiềm năng này. Ảnh hưởng từ Covid-19, VBA đã lỡ hẹn người hâm mộ gần 2 tháng và nhiều khả năng tình cảnh này sẽ tiếp tục tới cuối năm.
Sau 4 năm, VBA 2020 được kỳ vọng với nhiều hoạt động mới lạ chưa từng được tổ chức nay đã phải cắt bỏ gần hết. Nguồn thu giải đấu có được từ phía quảng cáo cũng vì đó mà gặp khó khăn. Đối với các ông bà chủ, khi vẫn chưa thể thấy đồng lãi nào từ việc đầu tư vào bóng rổ, gánh chịu thêm sự tàn phá từ phía Covid-19 rõ ràng chẳng thể khiến họ vui vẻ.
Tuy nhiên, chắc chắn một điều, các owners đều hy vọng rằng VBA 2020 sẽ diễn ra bất kể những khó khăn trước mắt. Bởi ngay từ đầu, khái niệm "làm ăn, kiếm lời" từ VBA là điều không có trong từ điển của các ông chủ, ít nhất ở thời điểm hiện tại.
Đối với các owners, VBA là nơi giúp họ đạt được ước mơ trở thành bệ phóng cho các tài năng trẻ ở Việt Nam, giúp lan tỏa tình yêu của trái bóng cam tới thể hệ trẻ sau này và hy vọng vào một tương lai tươi sáng của bóng rổ Việt Nam.
Bạn nên quan tâm