Ngay sau khi Anh Đức khi bàn mở tỷ số, HLV Park Hang-seo nhảy khỏi ghế huấn luyện, lấy hai bàn tay của mình, liên tục ấn xuống mặt đất, ý nói: Đừng có hưng phấn quá!
Khi Đình Trọng dính thẻ vàng vì lỗi phản ứng trọng tài, và một vài cầu thủ Việt Nam cũng ít nhiều lao vào phản ứng theo, ông Park lại nhảy khỏi ghế huấn luyện, liên tục ấn hai bàn tay mình xuống đất như thế. Thông điệp của ông cực rõ: Phải làm chủ tinh thần của mình trong mọi tình huống.
HLV Park Hang-seo liên tục ấn tay xuống mặt đất yêu cầu các học trò bình tĩnh và lạnh hơn khi thi đấu. Ảnh: Hiếu Lương.
Khách quan mà nói, có một vài tình huống các cầu thủ nổi nóng hơn thường lệ, nhưng sau những chỉ đạo như thế, sự lạnh lùng đã được thiết lập trở lại. Thời gian càng trôi, chúng ta càng lạnh.
Lạnh trong tinh thần, và lạnh trong cả cách đá. Nó được biểu hiện ở chỗ, ngay từ đầu hiệp 2, hết Quang Hải đến Đình Trọng, Văn Lâm đã làm vụn trận đấu bằng những pha...nằm sân hợp lý. Trong bối cảnh Malaysia cần đưa bóng vào cuộc và đá nhanh thì kiểu "làm vụn" ấy là một trong những cách hữu hiệu khiến họ không thể đá như họ muốn.
Và nó còn được biểu hiện ở chỗ, sau khi đã có vốn liếng, việc xây dựng một hàng thủ nhiều tầng được đặt lên trên tất cả. Mục tiêu số 1 lúc này không phải là: chơi bóng. Mà là: Không cho đối phương chơi bóng.
Đội tuyển Việt Nam có những lúc đã mất kiểm soát khi đôi co với trọng tài. Ảnh: Tiến Tuấn.
Nhưng rất nhanh, họ trở lại với cái đầu lạnh và hoá giải mọi pha hãm thành của Malaysia. Ảnh: Tiến Tuấn.
Nếu người tiền nhiệm của ông Park là HLV Nguyễn Hữu Thắng lúc nào cũng kích lửa các cầu thủ và lấy chuyện "kích lửa" làm vũ khí cầm quân thì ngược lại, cách cầm quân của Park thể hiện đúng chất Hàn Quốc: lạnh lùng, thực dụng, và làm đúng (chứ không cần làm quá!) các nhiệm vụ cần làm. Điều này được thể hiện từ đầu giải, và đặc biệt rõ trong trận chung kết lượt về này.
Một cách thi đấu lạnh lùng, thực dụng như thế là điều mà tất cả các lứa cầu thủ Việt Nam trước đây đều chưa làm được. Hai lứa tài năng trước là lứa Hồng Sơn, Huỳnh Đức và lứa Công Vinh, Tấn Tài...rất nhiều khi bị cuốn theo cảm xúc, nên rất nhiều tình huống "nóng" nhanh mà "ỉu" cũng nhanh.
Và đấy chính là sự thay đổi lớn nhất, là điều đáng mừng nhất mà chúng ta có thể nhận ra.
AFF Cup 2008, thành thực mà nói, ta vô địch vì may và vì rất nhiều lần trọng tài "ép" chúng ta vô địch, vì giải ấy có ít nhất 2 bàn thắng hợp lệ của Singapore và Thái Lan trong các trận bán kết lượt đi và chung kết lượt đi bị từ chối một cách...không thể nào hiểu nổi. Nhưng 2018 thì khác hẳn: ta vô địch vì xét ở tất cả các khía cạnh, đặc biệt là khả năng thực hiện trọn vẹn, khoa học các mục tiêu, ta xứng đáng là nhà vô địch.
AFF Cup 2008, phải đợi đến phút 90+3, sau cú đánh đầu khá may mắn của Lê Công Vinh chúng ta mới vỡ oà hạnh phúc và biết chắc rằng: à, hoá ra mình vô địch thật rồi. Nhưng năm 2018, kể từ phút thứ 75 của trận chung kết lượt về, khi cái thứ bóng đá lạnh lùng thực dụng của ta càng lúc càng phát huy giá trị, trong khi Malaysia càng lúc càng bế tắc thì cảm giác vô địch trong chúng ta đã là rất rõ.
AFF Cup 2008, sau khi thắng Thái Lan và vô địch, ông Calisto vẫn phải thừa nhận, đẳng cấp chúng ta không bằng Thái. Nhưng 2018, với thành tích không thua bất cứ trận nào và với một chuỗi các giá trị được khẳng định từ vài giải trước đó, chúng ta có quyền nghĩ rằng đẳng cấp của mình đã nhích lên.
HLV Park Hang-seo đã tìm ra bản ngã thật sự cho đội tuyển Việt Nam. Ảnh: Tiến Tuấn.
Thành công với chức vô địch AFF Cup 2018 là hệ quả tất yếu của một đội bóng đã tìm được chân giá trị. Ảnh: Tiến Tuấn.
Lứa cầu thủ này rõ ràng đã tạo ra những giá trị nền tảng mới trong lịch sử phát triển nền bóng đá. Nó đến từ hai nguyên nhân căn cốt: một là sự lớp lang, bài bản trong giáo trình đào tạo cầu thủ của khá nhiều các lò đào tạo trẻ. Hai là khả năng cầm quân thực dụng và quyền biến của ông thầy Park Hang-seo.
Còn một sự thật cuối cùng này nữa: khi lứa U19 của Hoàng Anh Gia Lai trình làng, ông bầu Đoàn Nguyên Đức mơ mộng sẽ có ngày chúng ta lên đỉnh Đông Nam Á bằng một lối chơi tấn công hoa mĩ. Và đã có lúc, chính những nhà làm bóng đá, những người hâm mộ cũng tin như thế. Một vài trận đấu đẹp và một vài thành công ở những giải giao hữu quốc tế khiến niềm tin ấy mỗi lúc được củng cố hơn.
Đến mức, ai cũng nghĩ, đấy mới là bản ngã đích thực của cầu thủ Việt Nam.
Nhưng kỳ thực, tất cả những giải đấu thành công trong năm 2018 này, từ U23 Châu Á, ASIAD đến AFF Cup đã chứng minh điều ngược lại: chúng ta thành công nhờ khả năng chơi bóng trí tuệ, lạnh lùng.
Hoá ra đã có lúc chúng ta chưa hiểu đúng chúng ta. Và nhờ một người nước ngoài như ông Park, bây giờ chúng ta đã hiểu chính bản thân mình.
Đây không phải là một cảm nhận cho vui, mà là một vấn đề mang tầm chiến lược cần phải được nhận thức, để xây dựng những kế hoạch phát triển đường dài của nền bóng đá.
Đêm qua vẫn còn vui.
Nhưng hôm nay, lại phải học chính cái tinh thần điềm đạm của ông Park để ngồi lại và vạch ra một con đường tương lai hợp lý nhất cho mình.
Đài SBS đưa tin về chiến thắng của thầy trò HLV Park Hang-seo