Công nghệ VAR mang lại công bằng cho World Cup
Ấn tượng mới mẻ và đậm nét nhất sau vòng bảng có lẽ chính là công nghệ VAR. Dù là người ủng hộ hay phản đối công nghệ này thì tất cả đều phải thừa nhận một điều: VAR đã giúp bóng đá công bằng hơn. Trong suốt chiều dài lịch sử World Cup, kết quả rất nhiều trận đấu hay thậm chí chức vô địch đã bị ảnh hưởng bởi những quyết định gây tranh cãi của các trọng tài, nhưng năm nay, tính tới thời điểm này, điều đó đã được hạn chế tối đa - nhờ VAR. VAR đã giữ lại cho World Cup 2018 những bàn thắng mà hoàn toàn có thể bị "đánh cắp" nếu diễn ra ở các kì World Cup trước. Vai trò của VAR càng nổi bật khi rất nhiều trận đấu có kết quả chênh lệch chỉ 1 bàn mà đó lại là những "bàn thắng VAR".
Công Nghệ VAR thay đổi rất nhiều cục diện các trận đấu tại World Cup 2018.
Xung quanh các quyết định của trọng tài với sự hỗ trợ của VAR tất nhiên vẫn còn những tranh cãi, như thẻ vàng cho Ronaldo hay pha chạm tay của Marcos Rojo nhưng đó là những nhận định hoàn toàn nằm trong quyền hạn của trọng tài theo luật của FIFA. Và đương nhiên, những nhận định sau khi được xem quay chậm kĩ càng sẽ "chất lượng" và chính xác hơn nhiều những nhận định xưa nay phải đưa ra trong một vài tích tắc.
Nhiều người lo ngại VAR sẽ giết chết cảm xúc, giết chết những tranh cãi thú vị trong bóng đá nhưng thực tế nó mang lại những cảm xúc mới mẻ mà người hâm mộ chưa bao giờ được tận hưởng. Đó là sự hồi hộp, lo lắng dõi theo từng cử chỉ, động tác các ông vua áo đen khi sử dụng hỗ trợ từ VAR để rồi vỡ òa trong sung sướng hay thất vọng sau đó. Đây là những trải nghiệm không kém phần tuyệt vời như bóng đá xưa nay vốn có. Nhờ có VAR mà người xem được chứng kiến những phút cuối điên rồ ở các cặp đấu như Bồ Đào Nha-Iran hay Argentina-Nigieria. Thử tưởng tượng nếu không áp dụng công nghệ này, các trận đấu đó có thể diễn ra theo một kịch bản hoàn toàn khác, "xuôi chiều" hơn, "bình lặng" hơn và người ta sẽ chỉ nói về những sai lầm của trọng tài là "một phần tất yếu của bóng đá" như hàng chục năm qua.
Khán giả rồi sẽ quen dần với cảm giác các trận đấu đôi khi bị kéo dài ra một chút, sẽ tận hưởng sự gay cấn mà chiếc màn hình TV mang lại, và VAR sẽ được thế giới bóng đá chấp nhận rộng rãi hơn.
Ronaldo gọi, tất cả đã trả lời
Cristiano Ronaldo tỏa sáng rực rỡ tại World Cup 2018
Các ngôi sao cần World Cup - sân khấu để họ có thể trình diễn và tỏa sáng. Và World Cup cũng cần ngôi sao để trở thành một giải đấu thành công, hấp dẫn đối với người hâm mộ. Về về khía cạnh này thì FIFA World Cup 2018 có lẽ là một trong những giải đấu lôi cuốn nhất khi mà tất cả các ngôi sao được chờ đợi đều đã lên tiếng. Giải đấu trên đất Nga đã mở màn không thể tuyệt vời hơn với cú hattrick của "ông sao" quen thuộc Cristiano Ronaldo, một "cuộc gọi" đầy thách thức để rồi sau đó tất cả các ngôi sao khác lần lượt đáp lời.
Đó là Diego Costa ghi phần lớn số bàn thắng cho TBN, là hai ngôi sao sáng nhất tuyển Pháp: Pogba bà Grizeman lần lượt ghi bàn, là con mưa bàn thắng của Lukaku và Kane, là Suarez hay Modric- những linh hồn của Uruguay và Croatia hay Kroos và Neymar sau khởi đầu chật vật cũng đã biết cách để lại dấu ấn của mình. Và cuối cùng là Messi, sau rất rất nhiều thất vọng, bất lực và kìm nén cũng đã bùng nổ ở thời điểm niềm tin dành cho anh xuống thấp nhất và nó càng tuyệt vời hơn khi bàn thắng mà anh ghi được đã kéo cả "đoàn tàu" Argentina vào vòng knock-out.
Trong lịch sử có lẽ chưa có kì World cup nào mà người khán giả được thỏa mãn như vậy ở khía cạnh cá nhân cầu thủ và nó làm cho các vòng đấu loại trực tiếp sẽ càng đáng mong chờ hơn khi các ngôi sao đều đã xong màn khởi động, sẵn sàng cho những vụ "đụng độ" nảy lửa khi đội bóng của họ gặp nhau.
Khoảng cách trình độ giữa các đội được thu hẹp, các trận đấu hấp dẫn hơn.
Năm nay các đội bóng được đánh giá yếu hơn đã thu hẹp khoảng cách đáng kể với các ông lớn có truyền thống. Điều này có được nhờ hai yếu tố mấu chốt là thể lực và chiến thuật. Về thể lực, điển hình rõ nét nhất có lẽ là hai đại diện châu Á: Nhật Bản và Iran. Đây là những đội bóng vốn bị coi là yếu về "sức" nhưng năm nay hoàn toàn có thể cạnh tranh một cách sòng phẳng với các đội bóng khác, thậm chí còn lấn lướt và ghi được bàn ở những phút cuối. Họ đã khiến đối thủ không thể chủ quan và phải tập trung đến những giây cuối cùng.
Người Đức đã bị loại sau trận thua Hàn Quốc
Về chiến thuật, nhiều đội bóng bị coi cửa dưới đã thi đấu với đội hình lùi thấp, có tổ chức và cự ly hợp lý đồng thời sẵn sàng phản công khi có điều kiện. Đây là một bài toán thực sự khó mà các ông lớn không thể giải quyết một cách dễ dàng. Nhiệm vụ vượt qua vòng bảng vốn được coi là hiển nhiên vậy nhưng những BĐN, TBN, Brazil hay Argentina đã vô cùng trầy trật trước những đội bóng "tí hon" và phải đợi đến phút cuối mới biết mình "sống sót". ĐKVĐ Đức thậm chí đành bất lực trước mục tiêu đơn giản này và xách va li về nước trong sự ê chề. Người hâm mộ, do đó cũng cảm thấy các trận đấu World Cup năm nay bớt một chiều và đáng đáng xem hơn.
Vòng loại trực tiếp đáng chờ đợi
Các ngôi sao đã tỏa sáng, các đội bóng lớn, dù chật vật thì cũng đã bảo toàn được lực lượng để đi tiếp. Thêm vào đó, sự quật cường của các đội bóng nhỏ ở vòng bảng đã vô tình tạo ra những cặp đấu, những kịch bản không thể hấp dơn ở vòng loại trực tiếp. Do đó, dù có chút tiếc nuối cho sự vắng mặt của ĐKVĐ Đức thì những trận đấu từ vòng 1/16 vẫn sẽ rất lôi cuốn và đáng chờ đợi.