Rạng sáng 15/2, UEFA ra quyết định phạt Manchester City hai năm không được thi đấu ở các Cúp châu Âu, đồng thời nộp phạt 30 triệu euro vì "lừa đảo và vi phạm nghiêm trọng Luật Công bằng tài chính" bằng cách phóng đại khoản doanh thu đến từ nhà tài trợ. Dưới đây là các nguy cơ mà Man City sẽ phải đối mặt khi phải nhận án phạt này.
Bị trừ điểm, bị đánh tụt xuống hạng tư
Theo tờ Independent, Liên đoàn bóng đá Anh (FA) sẽ vào cuộc điều tra Man City bởi cơ quan này dùng chung hệ thống luật với FIFA. Mọi đội bóng tham dự các giải đấu của FA đều phải ký vào thỏa thuận tuân thủ luật lệ, cung cấp một cách minh bạch các thông tin của đội, bao gồm cả tài chính.
BTC Ngoại hạng Anh đã tổ chức một cuộc họp để bàn về những án phạt có thể giáng xuống Man City ở giải đấu quốc nội. LĐBĐ Anh đã thay đổi quy tắc để bất kỳ câu lạc bộ nào vi phạm những tình huống như vậy sẽ bị đánh tụt xuống League Two, tương đương giải hạng 4 của Anh.
Cầu thủ và HLV tháo chạy ồ ạt khỏi đội
Trong mấy tuần qua, HLV Pep Guardiola liên tục phải trả lời các câu hỏi xoay quanh tương lai của ông. Hợp đồng của Pep sẽ hết hạn vào hè 2021 nhưng ông luôn khẳng định sự gắn bó của mình với đội bóng này.
Tuy nhiên sau khi án phạt được công bố, các nhà cái nước Anh đồng loạt nâng tỷ lệ cược Pep rời Man City sau khi mùa giải này kết thúc. Hai năm không được dự cúp châu Âu là một thảm họa với HLV hàng đầu thế giới như Pep và suy cho cùng, ông cũng chỉ là người làm công ăn lương. Ông cũng phải nghĩ cho sự nghiệp của mình và đặt nó lên trên bất kỳ tình yêu nào khác.
Hàng loạt ngôi sao sẽ theo chân Pep dứt áo ra đi. Cuộc tháo chạy ồ ạt sẽ đẩy Man City vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng.
Kết thúc của một kỷ nguyên rực rỡ
Trong một thập kỷ qua, Man City vươn lên hàng đại gia ở nước Anh. Họ vô địch Ngoại hạng Anh tới 4 lần, tất cả đều vô cùng thuyết phục, đồng thời giành nhiều cúp quốc nội khác. Ở đấu trường châu Âu, Man City cũng trở thành thế lực.
Nhưng kỷ nguyên thành công rực rỡ của Man City có thể sắp đi đến hồi kết. Không được thi đấu Champions League, đội bóng sẽ rất khó chiêu mộ các ngôi sao sáng nhất. Liên đoàn bóng đá châu Âu sẽ đặt Man City dưới tầm giám sát chặt chẽ, các nguồn tài chính của đội bóng này sẽ bị soi xét nghiêm ngặt. Dù Man City được vận hành bởi những cái đầu sành sỏi về tài chính nhưng chắc chắn họ sẽ không thể mua sắm thoải mái như trước nữa.
Một thời kỳ đen tối đang lơ lửng trên đầu Man City.
UEFA căn cứ vào đâu để phạt Man City?
Chủ sở hữu Mansour bin Zayed Al Nahyan, thông qua hãng hàng không Etihad, mỗi năm chi 67,5 triệu bảng để tài trợ trên áo đấu, sân vận động và học viện bóng đá trẻ Man City. Một tài liệu bị rò rỉ cho biết: mùa 2015/16 chỉ có 8 triệu bảng được tài trợ thông qua hãng hàng không, phần còn lại chuyển trực tiếp từ công ty riêng của ông Mansour cho tập đoàn Abu Dhabi (tập đoàn quản lý Man City).
Năm 2011, UEFA ban hành Luật CBTC để hạn chế việc các CLB chi tiêu quá mức cho tiền lương cầu thủ, ngăn chặn hành vi lũng đoạn thị trường chuyển nhượng và hạn chế số tiền mà ông chủ bơm vào để bù lỗ cho đội bóng. CLB phải kiếm tiền qua các khoản tài trợ, phải chi tiêu dưới hạn mức của Luật CBTC. Ngài Mansour được cho là đã tài trợ trực tiếp cho Man City, dẫn đến cáo buộc vi phạm nghiêm trọng Luật CBTC.
Man City kịch liệt phủ nhận cáo buộc, đồng thời tố cáo Spiegel công bố các tài liệu bị rò rỉ hoặc bị đánh cắp và bị bóc tách khỏi ngữ cảnh. Spiegel ẩn danh nguồn tin của họ với tên là John John, người nói rằng anh ta không đột nhập máy tính để ăn cắp email.
Ngay sau khi Spiegel công bố tài liệu, John John được xác định là một công dân Bồ Đào Nha, tên thật Rui Pinto, người hiện đã bị buộc tội ở quê nhà với 147 tội hình sự, bao gồm hack và các tội phạm mạng khác. Toàn bộ cáo buộc chỉ liên quan đến các đội bóng Bồ Đào Nha và nhiều tổ chức khác, không liên quan đến email bị rò rỉ về Man City.
Khi Man City bị buộc tội hồi tháng 5 năm ngoái, câu lạc bộ kịch liệt phủ nhận mọi hành vi sai trái, nói rằng họ phải chịu đựng sự thù địch trên mạng và những kẻ chỉ trích đều phớt lờ bằng chứng về sự trong sạch của đội đương kim vô địch Ngoại hạng Anh.