Giống như ở Mỹ Đình năm ngoái, khi Felisberto de Deus sải bước trên đường chạy 10.000m của sân vận động Quốc gia Morodok Techo, Campuchia, có một người ngồi lọt thỏm trên khán đài cổ vũ anh. Đó là bà Cesaltina Da Silva, HLV đội điền kinh Timor Leste tham dự SEA Games 32. Giữa những tiếng hô “Cambodia” rất to của các VĐV chủ nhà, Cesaltina hét đến khản giọng, hy vọng phía dưới Felis sẽ nghe thấy.
Từng giành HCB SEA Games 31 và tạo nên cơn sốt trên mạng xã hội Việt, Felis đặt mục tiêu tiếp tục gặt hái huy chương, hướng đến tấm huy chương Vàng đầu tiên cho Timor-Leste ở đấu trường SEA Games. Ngày 9/5 anh đã thất bại ở nội dung sở trường 5.000m khi chỉ về thứ 6. Bây giờ, chiều 11/5, cự ly 10.000m là niềm hy vọng cuối của Felis cũng như Timor Leste. Năm ngoái ở Mỹ Đình, khi ấy mới 23 tuổi, Felis đã về nhì với thành tích 32 phút 23 giây 91.
Đó là khoảnh khắc lịch sử mà Felis cũng như bà Cesaltina không bao giờ quên. Không chỉ vì tấm huy chương giành được mà còn bởi sự cổ vũ, tấm thịnh tình người hâm mộ dành cho chàng trai đến từ Timor Leste xa xôi.
Bà Cesaltina trên khán đài Morodok Techo trong 2 lần Felis chạy dưới sân (5.000m và 10.000m). (Ảnh: Thanh Hải)
Chính vì thế tại Morodok Techo, bà Cesaltina đã reo lên vui mừng khi tôi nói mình đến từ Việt Nam. Rồi bà vừa nói vừa dùng cử chỉ, rằng “đất nước, con người Việt Nam luôn ở trong tim”. “Tôi sẽ nhớ mãi”, bà tiếp, sau đó tiếp tục vẫy cờ, cổ vũ Felis.
Ngay từ khi xuất phát, người hùng của Timor-Leste đã rất nỗ lực. Thế nhưng anh đã sớm tụt lại phía sau. Điều đáng khen ngợi là Felis cũng không bao giờ để nhóm đầu bỏ quá xa, luôn duy trì vận tốc và tìm cơ hội để vượt lên. Có điều các VĐV người Indonesia (Simbolon, và người về thứ 4 Agus Prayogo), Singapore (Rui Yong Soh), Myanmar (Than Htike Soe) lại quá nhanh. Họ cán đích trước tiên còn Felis kết thúc ngay sau. Thành tích 32 phút 27 giây 76 không phải quá tệ, nhưng chưa đủ để có huy chương.
Trên gương mặt đượm buồn, Felis vẫy tay với bà Cesaltina ở phía trên rồi tiến vào đường hầm. Bằng giọng nói đứt quãng, anh cho biết “đã nỗ lực hết sức và làm mọi thứ có thể”. “Nhưng tôi sẽ không từ bỏ đam mê của mình, tiếp tục chạy và tìm kiếm chiến thắng vào những lần khác”, Felis bổ sung thêm, trước khi chiều lòng để tôi chụp một tấm ảnh ngay trước cánh cổng.
Ở phía trên, bà Cesaltina cũng sớm rời chỗ ngồi để đi về căn phòng dành cho các VĐV, nơi Felis sẽ tới đó. Tôi khá chắc đó là một khung cảnh buồn bã, với sự mệt mỏi và thất vọng, bởi vài ngày trước tại Siem Reap, tôi đã chứng kiến điều tương tự.
Hôm ấy trên đường chạy marathon, bà Cesaltina là người Timor Leste duy nhất có mặt cùng VĐV Joanito Fernandes. Bà không đứng ở khu xuất phát, nơi có rất đông khán giả và giới truyền thông, mà tìm đến một nơi cách đó khoảng 700m.
Có lẽ bà muốn ở một vị trí tách biệt để Fernandes dễ thấy hơn, và nghe tiếng cổ vũ của bà dễ hơn, không biết rằng hành động ấy càng nhấn mạnh sự cô độc của những người Timor Leste. Ban đầu tôi không chú ý đến bà, cho tới khi một thành viên Ban tổ chức hét lên giận dữ, làm động tác hăm dọa khi bà quá phấn khích, bước vào đường chạy và chạm tay Fernandes.
Trong số 14 VĐV chạy marathon, có tới 6 người bỏ cuộc. Fernandes vẫn chạy dù cán đích cuối cùng (xếp thứ 8/8 người hoàn thành cuộc đua). Không hề gì, bà Cesaltina vẫn tung cho Fernandes quốc kỳ Timor Leste để anh có thể giơ lên với niềm tự hào, sau đó chụp một bức ảnh để lưu lại kỷ niệm ở khu đền thiêng Angkor Wat.
Thời điểm tôi trên đường rời địa điểm thi đấu, ngang qua khu lều của các VĐV, bất chợt tôi nhìn thấy hai người họ. Fernandes mệt mỏi nằm dưới đất, có vẻ sốc nhiệt, trong khi bà Cesaltina ngồi trên ghế, lo lắng nhưng không biết làm thế nào cho phải. May thay, các Tình nguyện viên đã nhiệt tình giúp đỡ họ. Trong lúc đội ngũ y tế được gọi tới làm các động tác sơ cứu và hồi phục, một bạn TNV bón nước, bóc chuối để Fernandes ăn. Khi mọi thứ đã ổn hơn, hai người họ lại ngồi đó với ánh mắt nhìn vô định.
Ánh mắt ấy cứ theo tôi mãi, và tôi thực lòng cầu chúc cho họ sẽ tìm được niềm vui ở các nội dung điền kinh khác của Felis. Tiếc rằng may mắn đã không mỉm cười. Rồi bà Cesaltina, Felis và Fernandes sẽ sớm trở về Timor Leste mà không có tấm huy chương, thỏ bông Borey (hoặc Ramdoul) trong hành trang. Tuy nhiên, họ sẽ không bị lãng quên. Những người Việt Nam vẫn nhớ và dõi theo họ.