Thủ đô Kabul, thành trì cuối cùng và niềm hy vọng cuối cùng của những người phụ nữ Afghanistan đã sụp đổ dưới họng súng Taliban. Trong bầu không khí lo lắng, sợ hãi, các nữ tuyển thủ Afghanistan đang cố gắng tìm kiếm cho mình một lối thoát mong manh.
"Họ đang thật sự tuyệt vọng và sợ hãi. Tôi có thể cảm nhận rõ điều đó qua những cuộc gọi điện thoại hay nhắn tin cầu cứu đẫm nước mắt. Đa số đã bỏ nhà, đến nơi không ai biết họ là ai. Bởi nếu ở lại, họ đối mặt nguy cơ bị những người hàng xóm tố giác với Taliban", Khalida Popal, người có công sáng lập đội tuyển bóng đá nữ Afghanistan chia sẻ trong cuộc trả lời phỏng vấn trực tuyến với hãng truyền thông AP.
"Tôi đành khuyên họ gỡ bỏ các tài khoản mạng xã hội, xóa những hình ảnh đăng lên mạng và trốn khỏi nhà, sống ẩn mình, che giấu danh tính thật. Điều đó khiến trái tim tôi tan nát vì trong suốt những năm qua, chúng tôi đã làm việc chăm chỉ để nâng cao nhận thức và vị thế của phụ nữ trong xã hội Afghanistan. Bây giờ, tôi lại phải bảo họ hãy im lặng và biến mất. Nhưng biết sao được bây giờ, tính mạng của họ đang bị đe dọa", nữ giám đốc Liên đoàn bóng đá Afghanistan thở dài đau đớn.
Khalida Popal cùng gia đình từng phải bỏ trốn khi phiến quân Taliban chiếm đóng Kabul vào năm 1996. Cô phải sống trong một trại tị nạn ở Pakistan trước khi được trở về quê hương nhờ cuộc lật đổ chính quyền Taliban của Mỹ và các nước phương Tây năm 2001. Năm 2007, cô là thành viên nòng cốt sáng lập nên ĐTQG nữ Afghanistan.
"Chúng tôi cảm thấy rất tự hào khi được khoác áo ĐTQG. Đó là cảm giác tuyệt vời nhất từ trước đến nay. Không gì có thể sánh nổi", Khalida từng chia sẻ.
Cô khuyến khích các đồng đội sử dụng mạng xã hội để phản đối các chính sách hà khắc, đặc biệt với phụ nữ của Taliban. "Thế hệ của tôi có hy vọng xây dựng một đất nước Afghanistan tự do, phát triển với sự bình đẳng nam nữ. Và tôi xem bóng đá như cầu nối tốt nhất để trao quyền cho phụ nữ và các bé gái".
Popal ngừng thi đấu vào năm 2011 để tập trung vào việc điều phối đội tuyển trong vai trò giám đốc Liên đoàn bóng đá Afghanistan. Nhưng cuối cùng, cô buộc phải trốn chạy và xin tị nạn ở Đan Mạch vào năm 2016 vì sự an nguy của bản thân và gia đình. "Tôi nhận được rất nhiều lời đe dọa tính mạng vì những phát biểu trên sóng truyền hình. Tôi từng gọi Taliban là kẻ thù của tất cả người dân Afghanistan".
Nhưng dù lần thứ 2 phải rời xa quê hương, Popal vẫn không bỏ rơi các nữ cầu thủ Afghanistan. Cô vẫn chiến đấu để chống lại những bất công, tham nhũng, lạm dụng thể chất, tình dục và hãm hiếp trong nền thể thao nước nhà.
Bóng đá là môn thể thao yêu thích của không ít phụ nữ Afghanistan (Ảnh: Getty)
"Phụ nữ Afghanistan đã tin vào những lời hứa để rồi nhận lại điều gì? Mọi chuyện đang xảy ra thật không công bằng với họ. Ngày hôm qua, thật đau đớn khi chứng kiến Chính phủ Afghanistan đầu hàng. Phụ nữ ở đất nước tôi lại mất hết hy vọng", Popal cay đắng chia sẻ.
Bạn nên quan tâm