Nỗi ác mộng đến từ Tây Á
Kể từ khi hội nhập với bóng đá khu vực và thế giới từ năm 1995, bóng đá Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể. Nền bóng đá của chúng ta đã hòa nhập cũng như tạo được một vài tiếng vang trên bản đồ bóng đá châu lục.
Trong bối cảnh hội nhập và phát triển ấy, bóng đá Việt Nam đã có cơ hội được thử thách, cọ xát với những nền bóng đá hàng đầu châu Á. Điều đáng chú ý hơn, từ cấp độ tuyển trẻ cho đến tuyển quốc gia, Việt Nam thường ít nhiều có những kết quả thuận lợi đến từ các đại diện Tây Á điển hình như Syria, Bahrain, Qatar…
Thế nhưng, có một điều khá kỳ lạ khi UAE đội bóng đến từ đến từ khu vực này - chính là đội bóng gây nên nỗi sợ hãi cũng như tạo nên "tính kỵ dơ" cho bóng đá Việt Nam.
Mang đến Indonesia gồm khá nhiều cầu thủ trẻ nhưng UAE lại gây bất ngờ khi lọt vào đến Bán kết. Càng bất ngờ hơn khi đội bóng này chỉ thắng 1 trận, thua 3 tại ASIAD 2018.
Trong lịch sử đối đầu, bóng đá Việt Nam và UAE đã gặp nhau tổng cộng 8 lần. Từ vòng loại, World Cup, ASIAN Cup, ASIAD cho đến VCK U23 châu Á. Việt Nam mới chỉ thắng được UAE 1 lần vào năm 2007 (tỷ số 2-0 tại vòng bảng ASIAN Cup 2007 được tổ chức trên sân nhà), còn lại là 6 trận thua và 1 trận hòa.
Khá trùng hợp khi tính trung bình 2 năm, Việt Nam sẽ đối đầu với đại diện đến từ Tây Á này 1 lần. Ở lần gần đây nhất, U23 Việt Nam của HLV Miura đã thất bại 2-3 trước UAE ở lượt cuối vòng bảng tại VCK U23 châu Á 2016.
4 năm trước, trên đất Incheon, Olympic Việt Nam cũng dưới sự dẫn dắt của vị chiến lược gia gốc Nhật Bản đã thảm bại 1-3 tại vòng 1/8 qua đó chấm dứt chuỗi phiêu lưu tại ASIAD 2014.
Cơn "ác mộng" thực sự của bóng đá UAE tới Việt Nam có lẽ bắt nguồn từ trận thắng 2-0 của chúng ta trước chính đối thủ này ở ASIAN Cup 2007. Kể từ những lần gặp sau đó, hễ Việt Nam chơi bóng trên sân nhà hay sân khách đều bị đại diện Tây Á "vùi dập" không thương tiếc.
4 lần gặp nhau liền kề ở Vòng sơ loại WC 2010 cho đến VL ASIAN Cup 2015, đội tuyển quốc gia Việt Nam thua trắng đội bóng vùng Vịnh trong sự "ê chề" khi liên tiếp đón nhận những thất bại cùng với tỷ số 5-0.
Nền bóng đá Tây Á nói chung và UAE nói riêng vốn được biết đến với lối chơi giàu thể lực, sức mạnh. Đa phần, khi đối đầu với những đại diện khu vực này, chúng ta thường bị thua thiệt thể hình cũng như sức bền. Tuy nhiên, khác những đội bóng Tây Á mà bóng đá Việt Nam từng đối đầu, có lẽ UAE chính là trường hợp "ngoại lệ".
Trước một đại diện mà chúng ta "thua nhiều thắng ít" liệu HLV Park Hang-seo và các học trò có thể vượt qua được nỗi "ám ảnh tâm lý" trong những cuộc đối đầu trong quá khứ?
Công Phượng và niềm tin để Olympic Việt Nam tạo nên lịch sử
Công Phượng có lẽ là một trong những tuyển thủ hiểu rõ nhất lối chơi của đội bóng hiện đang được dẫn dắt bởi HLV Maciej Skorża. Đây là lần thứ 3 anh đối đầu với đại diện Tây Á. 2 lần thất bại trước đại diện Tây Á sẽ thôi thúc anh quyết tâm đánh bại đội bóng này.
Công Phượng chấn thương tại VCK U23 châu Á 2016 trong trận đấu với chính UAE. Liệu lần gặp này anh có trả được món nợ đã vay? Ảnh: VTC
Thế nhưng, có một nguyên nhân sâu xa ít người biết khiến cho Công Phượng nóng lòng phục thù UAE.Ở trận đấu cuối vòng bảng VCK U23 châu Á 2016, trong một pha mở bóng tốc độ, tiền đạo gốc Nghệ An bị hậu vệ UAE truy cản dẫn đến ngã gãy xương quai xanh, phải nhập viện phẫu thuật ngay tại Doha, Qatar. Đó là một dấu mốc đáng quên của bản thân tiền đạo này khi anh đang chuẩn bị sang CLB Mito Hollyhock thi đấu.
Bỏ qua những yếu tố tâm lý, xét đến tình hình hiện tại, dường như gió đã "đảo chiều". Lực lượng nhân sự của UAE vốn không được đánh giá cao trước ASIAD 2018 khi liên tiếp mất 2 trụ cột do những lý do không đáng có. Thêm vào đó, đội bóng này chỉ thắng duy nhất 1 trận trong tổng số 6 trận tại ASIAD vừa qua. 2 trận đấu ở vòng 1/8 và tứ kết, họ phải nhờ đến loạt luân lưu may rủi mới giành quyền đi tiếp.
Ngoài ra, các học trò của HLV Maciej Skorża đã phải trải qua ròng rã 330 phút chỉ trong 3 trận. Vì thế, thể lực không còn là điểm mạnh của đại diện Tây Á. Trận thua Nhật Bản 0-1 tại bán kết cho thấy đội bóng này không thể duy trì được nền tảng thể lực cần thiết.
Với quyết tâm cao cộng thêm lợi thế tinh thần, người hâm mộ Việt Nam đang kỳ vọng vào tấm HCĐ của Olympic Việt Nam. Ảnh: Tiến Tuấn
Lối chơi của UAE cũng khá đơn giản và dễ bị bắt bài. Bóng thường xuyên được nhồi ra hai biên để sau đó treo vào cho tiền đạo dứt điểm. Những đường bóng dài và tấn công biên là những mảng đánh quen thuộc của đại diện Tây Á.
Một lý do khác khiến cho người hâm mộ Việt Nam yên tâm đó chính là "phù thủy" Park Hang-seo. Những gì mà chiến lược gia người Hàn Quốc đóng góp cho bóng đá Việt Nam là vô cùng tuyệt vời. Từ nhân sự, chiến thuật cho đến lối chơi. Tất cả tạo nên "sự khác biệt" cho Olympic Việt Nam. Tất cả đang chờ đợi, "ngài Park nhiệm màu" giải mã ẩn số Olympic UAE để đưa bóng đá Việt Nam lên một vị thế hoàn toàn mới.