Olympic Nhật Bản tham dự ASIAD 2018 với đội hình rất trẻ khi chỉ mang cầu thủ U21. Thế nhưng, tham vọng của HLV Moriyasu Hajime và các học vẫn rất lớn khi mà lứa tuyển thủ lần này mang sang Indonesia từng vô địch giải U19 Châu Á 2 năm về trước. Ngoài ra, sự chuẩn bị trước giải của đội bóng đến từ xứ sở Mặt trời mọc là vô cùng kỹ lưỡng. Yếu tố kinh nghiệm, sức trẻ, sự bền bỉ và khát khao cống hiến là những điểm mạnh giúp Olympic Nhật Bản được đánh giá là một trong những ứng cử viên sáng giá cho tấm HCV môn bóng đá Nam tại ASIAD.
Olympic Nhật Bản mặc dù chỉ mang theo thành phần đội U21 tuy nhiên đội bóng đến từ Đông Á vẫn được đánh giá rất cao nhờ tính kỷ luật, tập thể và sự gắn kết trong lối chơi. Ảnh: Theo Bola
Với độ tuổi trung bình 19.6, Olympic Nhật Bản là đội bóng trẻ nhất tại kỳ Á vận hội lần này. Sau những thành công tại World Cup 2018 khi lọt tới vòng 1/8, bóng đá Nhật Bản đang có những định hướng và chiến lược rất rõ ràng để chuẩn bị cho kỳ Olympic 2020 diễn ra tại chính đất nước họ. Điển hình là việc triệu tập U21 tham dự ASIAD để trau dồi, tích lũy kinh nghiệm. Lợi thế của một nền bóng đá hàng đầu châu lục cộng thêm với sự phát triển, đầu tư bài bản đang giúp cho các lứa trẻ của bóng đá Nhật Bản có cơ hội học hỏi, nâng cao trình độ. Quan trọng hơn, những "tiêu chiến binh Samurai" đang được tạo những bước đệm cần thiết để vươn mình trở thành những siêu cầu thủ trong tương lai cho bóng đá xứ sở hoa anh đào.
Trái ngược với tham vọng của người Nhật, Olympic Việt Nam tham dự ASIAD với mục tiêu "đá cống hiến và làm hết sức có thể". Những trận thắng thuyết phục trước Olympic Nepal và Olympic Pakistan đã mở toang cánh cửa lần thứ 3 liên tiếp lọt vào vòng 1/8 tại một kỳ ASIAD. HLV Park Hang-seo và các học trò đang đứng trước cơ hội lịch sử nếu như giành chiến thắng trước Olympic Nhật Bản. Bởi bao năm qua, từ lứa tuyển trẻ, U23 cho đến đội tuyển quốc gia, bóng đá Việt Nam chưa bao giờ được hưởng niềm vui chiến thắng trước bóng đá Nhật Bản. Rất có thể, ở lần gặp lại này, mọi thứ sẽ đảo chiều và cơ hội làm nên kỳ tích sẽ mở ra cho các chàng trai áo đỏ.
Đội tuyển Olympic Việt Nam đang cách ngôi đầu bảng ASIAD một trận đấu. Với những toan tính về mặt chiến thuật và nhân sự, rất có thể sẽ có khá nhiều gương mặt dự bị sẽ ra sân trong trận đấu với Olympic Nhật Bản. Ảnh: Tiến Tuấn
Những kết quả khả quan gần đây cộng thêm những yếu tố bất ngờ ở bảng E khiến cho những toan tính trước giải của 2 chiến lược gia Park Hang-seo và Moriyasu Hajime ít phần nhiều đảo lộn. Nếu như trước thềm ASIAD diễn ra, cả Việt Nam lẫn Nhật Bản đều rất muốn tránh ngôi nhì bảng bởi nhiều khả năng - đối thủ của họ ở vòng 1/8 là các nhà đang nắm giữ tấm HCV - Olympic Hàn Quốc. Thế nhưng, trận thua sốc 1-2 trước Malaysia của Son Heung-min và đồng đội đã khiến cho cục diện bảng E trở nên đầy thú vị khi 99% ngôi đầu bảng thuộc về đội bóng đến từ Đông Nam Á.
Điều này trở nên rất rõ ràng, nếu như Olympic Việt Nam lẫn Nhật Bản giành ngôi "nhì bảng" thì đối thủ của họ sẽ là Olympic Malaysia. Còn nếu giành ngôi đầu bảng, đối thủ của 2 đội sẽ mang lại ẩn số khi đối thủ là các đội bóng xếp thứ 3 ở bảng B/E/F. Bởi vậy, trước những mối tiềm ẩn phía trước, đôi khi một tấm vé gặp U23 Malaysia có thể là lựa chọn dễ dàng hơn cả cho U23 Nhật Bản cũng như U23 Việt Nam. Không bàn về vấn đề chuyên môn, bóng đá Việt Nam và bóng đá Malaysia có quá nhiều duyên nợ trong quá khứ. Đồng thời không loại trừ khả năng, cả 2 đội sẽ nhường nhau một chiến thắng để nhận về phần mình vị trí nhì bảng.
Các đối thủ của Olympic Việt Nam theo từng nhánh đấu. Nhiều khả năng, HLV Park Hang-seo sẽ giúp các học trò đạt ngôi "nhì bảng" để tránh nhánh khó. Đồ họa: Huy Lương
Ngoài ra, cả HLV Park Hang-seo và Moriyasu Hajime rất có thể sẽ cho những cầu thủ quan trọng nghỉ ngơi để dưỡng sức cho vòng 1/8. Họ đều có lý do của riêng mình khi phải thi đấu một trận cầu không mang nhiều ý nghĩa. Phải chăng nó chỉ mang lại ý nghĩa khi cuộc đối đầu này nhằm phân tranh ngôi nhất bảng trong khi cả 2 chắc chắn tránh được Olympic Hàn Quốc. Sự toan tính về mặt nhân sự và chiến thuật có lẽ sẽ khiến cho trận đấu bớt căng thẳng đi phần nào.
Trước ASIAD, người hâm mộ Việt Nam đang rất kỳ vọng vào trận đấu với Olympic Nhật Bản - bởi đây là một đội bóng mang đẳng cấp thế giới. Có lẽ hơi hụt hẫng một chút khi trận đấu này không ảnh hưởng tới cơ hội đi tiếp của Xuân Trường, Công Phượng...Tuy nhiên, xét trên những ý nghĩa ngoài chuyên môn, khán giả đang rất hy vọng vào một trận đấu tưng bừng và đầy cống hiến. Dù sao đi chăng nữa, cơ hội tiến sâu tại ASIAD 2018 của tuyển Olympic Việt Nam đã rất rõ ràng khi trước mắt của chúng ta không phải là ngọn núi "Hàn Quốc" ở vòng knock-out.
Những thống kê đáng chú ý giữa Olympic Việt Nam vs Olympic Nhật Bản. Đồ họa: Anh Dũng
Lịch sử đối đầu giữa bóng đá Việt Nam và bóng đá Nhật Bản thì ưu thế tuyệt đối nghiêng về đội bóng đến từ xứ sở mặt trời mọc. Tính từ cấp độ U23 cho đến tuyển quốc gia, Việt Nam đã chạm trán Nhật Bản 3 lần và đều phải nhận thất bại. Trận thua đáng chú ý nhất của DDT Việt Nam trước Nhật Bản là trận thua với tỷ số 1-4 tại Vòng bảng ASIAN Cup 2007 - năm đó Việt Nam đã vào đến tứ kết. Có một thực trạng khá đáng buồn, từ giải trẻ cho đến ĐTQG, bóng đá Việt Nam chưa từng được hưởng niềm vui chiến thắng trước các đội tuyển của Nhật Bản. Trong 10 lần gặp nhau (tính cả U19, U23 và ĐTQG), chúng ta thua cả 10. Ở lần gặp gỡ thứ 11 này, liệu rằng "gió có đổi chiều" trên sân Wibawa Mukti vào lúc 16h ngày 19/8.
Với một trận cầu nghiêng về toan tính và chiến thuật của 2 HLV, nhiều khả năng trận đấu này sẽ là màn đọ sức giữa những cầu thủ dự bị của 2 đội. Tuy nhiên, sự kỳ vọng và mong muốn làm nên kỳ tích cho bóng đá Việt Nam, rất có thể HLV Park Hang-seo và các học trò sẽ quyết tâm có một trận đấu tốt và sòng phẳng trước đối thủ Olympic Nhật Bản. Dù gì đi chăng nữa, việc đối đầu và đánh bại một trong những đội bóng mạnh nhất châu lục là một điều không thể tuyệt vời hơn. Tất cả đều cùng dõi theo và trông chờ vào màn trình diễn của Olympic Việt Nam trước Olympic Nhật Bản.
Đội hình dự kiến ra sân của Olympic Việt Nam
BXH bảng D sau 2 lượt trận
Bạn nên quan tâm