SV-League 2020 (giải bóng đá sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM mở rộng lần đầu tiên) kết thúc với chức vô địch thuộc về Đại học Cần Thơ. Giải đấu nhận được sự quan tâm của đông đảo sinh viên nói chung và những người đam mê bóng đá nói riêng. Đây là lần đầu tiên một giải bóng đá sinh viên được tổ chức chuyên nghiệp.
Đặc biệt, mỗi trường đại học tham gia giải được bảo trợ bởi một ông bầu là doanh nhân nổi tiếng của nền bóng đá Việt Nam. Đáng chú ý là sự xuất hiện của ông Đào Hồng Tuyển (Tập đoàn Tuần Châu, bảo trợ đội bóng trường ĐH Văn Hiến); ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức, Công ty CP Cà phê Ông Bầu, bảo trợ đội bóng ĐH Nông Lâm TP.HCM); ông Võ Quốc Thắng (bầu Thắng, Công ty CP Đồng Tâm, bảo trợ ĐH Tôn Đức Thắng); ông Trần Thanh Hải (Công ty CP Thực phẩm Dinh dưỡng NutiFood, bảo trợ ĐH Cần Thơ)...
- Là một trong những ông bầu sáng lập, bảo trợ SV-League và ĐH Cần Thơ, ông đã có niềm vui nhân đôi khi đội bóng Tây Đô vô địch giải bóng đá sinh viên đầu tiên trong lịch sử được vận hành như V.League. Cá nhân ông cảm thấy thế nào về thành tích vô địch của đội bóng ông bảo trợ?
- Trước hết đó chính là niềm vui và sự tự hào vì đội bóng Đại học Cần Thơ vô địch thuyết phục và nhận được sự đồng tình không chỉ của giới chuyên môn mà còn của người người quan tâm và theo dõi trận đấu.
Ngay từ khi có kết quả bốc thăm bảo trợ cho Đại học Cần Thơ, chúng tôi đã theo sát đội bóng và thường về Cần Thơ để xem tình hình tập luyện của các em. Nhìn xuyên suốt lộ trình mới thấy, kết quả này phần nào phản ánh những nỗ lực tập luyện của Đại học Cần Thơ.
Phải công nhận là Đại học Cần Thơ có sự chuẩn bị kỹ lưỡng khi đến với SV-League 2020. Từ 160 sinh viên đăng ký dự tuyển, ban huấn luyện đã sàng lọc còn 40 sinh viên và chốt danh sách cuối cùng là 25 sinh viên để tham gia giải đấu. Họ cũng tích cực đá giao hữu với các đội bóng ở các tỉnh bạn, cũng như có những chế độ tập luyện vào buổi tối để làm quen với ánh đèn sân bóng. Đó chính là những nỗ lực rất lớn của nhà trường, ban huấn luyện và các cầu thủ.
Do đó, tuy không phải là một đối thủ được đánh giá là mạnh ngay từ đầu, nhưng các bạn đã dần chứng tỏ bản lĩnh qua vòng loại khi càng chơi càng tiến bộ, càng mài giũa càng đá hay, và chiến thắng thuyết phục Đại học Nông Lâm - đối thủ đã từng 2 lần đánh bại Đại học Cần Thơ trước đó - ở chung kết.
- Trải qua 16 trận SV-League 2020, ngoài chất lượng chuyên môn được đánh giá tốt, một điểm nhấn khác là các trọng tài không rút ra chiếc thẻ đỏ nào. Điều này cho thấy tinh thần fair-play, thi đấu trong sáng, không đặt nặng vấn đề ăn-thua của các cầu thủ sinh viên. Đây có phải điều ông mong đợi nhất ở sân chơi này?
- Giải bóng đá sinh viên SV-League được kỳ vọng mang đến những trận đấu hấp dẫn, kịch tính nhưng hướng đến sự cống hiến và thi đấu hết mình trên sân. Tất nhiên, chuyện thắng thua là điều mà đội bóng nào cũng muốn nhưng điều quan trọng hơn đó là tinh thần thi đấu đẹp, fair-play, công bằng, cống hiến.
Trong những lần đến thăm đội bóng, chúng tôi đều quán triệt tinh thần này cho các em. Bản thân huấn luyện viên của mỗi đội cũng luôn truyền đạt thông điệp này đến các cầu thủ. Đó là lý do các trận đấu tại SV-League có đủ cảm xúc: hấp dẫn, gay cấn, có nụ cười, có nước mắt nhưng chưa hề có bất kì thẻ đỏ nào. Đây là điều không chỉ tôi mà các ông bầu khác mong đợi ở sân chơi này và quả thực, điều đó đã góp phần làm nên hình ảnh một giải đấu Xanh-Sạch-Đẹp theo đúng tiêu chí mà chúng tôi đặt ra từ đầu.
- Bóng đá học đường nói chung và bóng đá sinh viên ở nhiều quốc gia có nền thể thao phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc luôn là nền móng quan trọng để cung cấp đầu vào cho các CLB chuyên nghiệp. Nhân chuyện SV-League 2021 sẽ nâng lên 16 đội, ông có kỳ vọng điều tương tự?
Chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để phát triển phong trào bóng đá sinh viên, lan tỏa tinh thần rèn luyện thân thể, nâng cao ý thức tập luyện thể dục thể thao trong giới trẻ, tạo bệ phóng cho các tài năng cũng như đáp lại sự mong đợi của người hâm mộ.
Đến với SV-League, chúng tôi mong muốn mang lại một sân chơi chuyên nghiệp cho các em sinh viên. Và sân chơi này cũng chính là nền tảng để phát hiện ra những tài năng mới, có thể thi đấu chuyên nghiệp cho các câu lạc bộ, và kỳ vọng hơn nữa sẽ là những nhân tố góp mặt trong đội tuyển quốc gia Việt Nam.
Như trong mùa đầu tiên, chúng ta có thể nhìn thấy được nhiều nhân tố như K’Công của ĐH Khoa học Tự nhiên, Võ Tuấn Thanh của ĐH Nông Lâm, Hồ Đăng Quang và Đào Minh Nghĩa của ĐH Bách Khoa…
Với một sân chơi thuần túy sinh viên, các bạn đã bộc lộ được nhiều tiềm năng về kỹ thuật. Tôi tin rằng, nếu được đào tạo bài bản và cọ xát thực tế, họ chính là những hạt giống tốt cho sân chơi bóng đá chuyên nghiệp.
- Ông và NutiFood từng đầu tư rất mạnh cho bóng đá, từ U19 Việt Nam đến Câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai và nay là bóng đá sinh viên. Đến với SV-League, có trường mới đầu tư, có trường đã có truyền thống. Riêng ĐH Cần Thơ chuẩn bị xây sân bóng mới, ông có niềm tin như thế nào về việc đẩy mạnh và mở rộng hơn nữa SV-League để trở thành một giải đấu quan trọng trong môi trường bóng đá Việt Nam?
- Làm bất cứ điều gì, nếu có sự đầu tư và tâm huyết thì sẽ có “quả ngọt”. Có thể thấy điển hình là Đại học Nông Lâm, với sự đầu tư bài bản trong thể thao, họ đã gặt hái được nhiều thành tích nổi bật và được đánh giá là một đối thủ nặng ký ngay từ đầu trong mùa giải SV-League năm nay. Hay như Đại học Bách Khoa, Đại học Tôn Đức Thắng… cũng có sự đầu tư bài bản về cơ sở vật chất và họ cũng cho thấy tiềm năng đáng gờm tại SV-League.
Đó là câu chuyện của một trường, hay một vài trường. Nhìn xa hơn, nếu tất cả các trường cùng có sự đầu tư tương xứng, thì chắc chắn các đội bóng đá của trường sẽ phát triển. Khi đó, SV-League sẽ thực sự đáng xem bởi các trường có sự đồng đều về mặt chuyên môn. Chính điều này cũng sẽ giúp giải đấu phát hiện ra nhiều tài năng mới.
Từ giải SV-League 2020, các trường đã bắt đầu có sự đầu tư nhiều hơn cho thể thao. Như mới đây, Đại học Cần Thơ đã có kế hoạch xây dựng sân bóng 11 người chuyên nghiệp, Đại học Khoa học Tự nhiên cũng có kế hoạch nâng cấp cơ sở vật chất cho thể thao….
Trong Lễ Bốc thăm chia bảng vào cuối tháng 9/2020, PGS.TS Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ, nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM cũng cho biết, ngoài việc chủ động thành lập trung tâm Thể dục - Thể thao để hỗ trợ hoạt động của SV-League 2020, Đại học Quốc gia sẽ nghiên cứu để có những chính sách ưu tiên cho các em sinh viên tham gia giải đấu, bao gồm cả phương án xét tuyển thẳng vào hệ thống Đại học Quốc gia với những em có năng khiếu thể thao, đặc biệt là bóng đá.
Tôi tin rằng, khi nhìn nhận đúng mức về tầm quan trọng của thể thao trong học đường, các trường chắc chắn sẽ có sự đầu tư tương xứng. Và cơ hội để nhiều tài năng được đào tạo bài bản, cọ xát và tỏa sáng từ ghế học đường sẽ sớm trở thành hiện thực trong tương lai không xa.
- Ở SV-League 2020, những cầu thủ sinh viên không chỉ chơi bóng hay mà còn rất tài năng trong nhiều lĩnh vực: có bạn học giỏi xuất sắc hay thậm chí giành giải cao trong các cuộc thi khởi nghiệp quy mô lớn. Vậy ông và các ông bầu khác có kế hoạch bồi dưỡng, tạo điều kiện về công việc hợp chuyên môn với các cá nhân như vậy?
Có một điều rất hay là thông qua SV-League, chúng tôi không chỉ phát hiện nhiều tài năng bóng đá mà còn biết được nhiều cầu thủ có thành tích tốt trong học tập.
Dĩ nhiên, SV-League là sân chơi bóng đá nên chúng tôi muốn tập trung vào chuyên môn nhưng nếu các em có mong muốn làm việc tại doanh nghiệp của các nhà bảo trợ thì chúng tôi sẵn sàng tạo điều kiện, miễn là các em đáp ứng tốt năng lực và nghiệp vụ chuyên môn.
Bạn nên quan tâm