Bầu Đức nhấn mạnh: "Chúng tôi có sự lựa chọn môi trường và lương thưởng tốt nhất cho Công Phượng vì nhiều đội bóng để ý. Lương của Phượng ở nước ngoài một tháng bằng lương cả năm của một cầu thủ Việt Nam thì cớ sao không cho đi?
Một Công Phượng bằng 12 người khác rồi. Mọi người còn nói trường hợp của Công Phượng, Xuân Trường thất bại vậy có ai chỉ cho tôi xem có cầu thủ Việt Nam nào xuất ngoại thành công chưa?".
Bầu Đức (phải) không muốn Công Phượng vô địch V.League mà chỉ muốn cho ra nước ngoài thi đấu. Ảnh: Rider.
Hồi đầu năm nay, Công Phượng khoác áo Incheon United tại K.League Classic 2019 của Hàn Quốc. Anh được cho là nhận 10.000 USD/tháng (khoảng 230 triệu đồng). Trong khi đó, lương bình quân của cầu thủ Việt Nam thi đấu tại V.League khoảng 15 - 20 triệu đồng. Chính vì vậy, nhận xét của bầu Đức là có cơ sở thực tế.
Ông Đức khẳng định thêm: "Cầu thủ Việt Nam ngồi dự bị ở châu Âu cũng là thành công. Họ được tập với các ngôi sao châu Âu hàng ngày, điều này nhiều cầu thủ Việt Nam làm gì có cơ hội. Cầu thủ phải tự tin hội nhập rồi mới bắt đầu thích nghi. Dư luận hay đả kích cầu thủ là dự bị thì thất bại. Tôi thì thấy dự bị càng nhiều càng tốt, phấn đấu từ đó chứ đâu".
Trong phần trả lời dài gần 10 phút của mình, ông Đoàn Nguyên Đức liên tục bảo vệ Công Phượng và hy vọng dư luận có cái nhìn công tâm với việc cầu thủ Việt Nam ra nước ngoài thi đấu. Ông cho rằng đó là thành công của bóng đá Việt Nam, điều mà chưa ai từng nghĩ đến trước đây.
Chủ tịch CLB HAGL còn bày tỏ sự tự hào: "Tôi muốn hỏi có CLB nào quan hệ rộng như HAGL, từ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc sang Pháp, Hà Lan, Bỉ. Rồi có CLB nào lấy tiền được từ nước ngoài như HAGL không? HAGL rõ ràng đã lấy được tiền từ nước ngoài. Dù một đồng cũng lấy, tiền không quan trọng mà danh dự mới quan trọng".
Công Phượng và các cầu thủ HAGL như Xuân Trường, Tuấn Anh được ví như "người mở đường". Ông chủ của HAGL thẳng thắn bày tỏ CLB không muốn giữ cầu thủ để tranh chấp chức vô địch mà chỉ muốn họ được ra nước ngoài thi đấu.
"Bây giờ chưa thấy kết quả nhưng 10 – 15 năm nữa, bóng đá Việt Nam xem lại con đường xuất ngoại. Mình là người mở đường nên sẵn sàng đón nhận thất bại, chịu chỉ trích hay phê bình", bầu Đức chia sẻ.
Ông nói thêm: "Nhưng Công Phượng không thể dự bị mãi được đâu. Theo tôi nghĩ, CLB của Bỉ có điên mới ký hợp đồng với Phượng để rồi cho ngồi dự bị. Một điều nữa là 10 năm trước, bóng đá Việt Nam gặp Thái Lan, Nhật Bản là hay thua. Bây giờ, chính họ còn phải đuổi theo bóng trong chân mình. Cứ tự ti thì biết bao giờ mới thành công. Muốn tiến lên phải hội nhập, muốn hội nhập thì phải để cầu thủ ra nước ngoài".
Công Phượng gia nhập Sint-Truidense V.V với bản hợp đồng cho mượn từ HAGL có thời hạn 1 năm. Ảnh: Rider.
Sint-Truidense V.V là CLB của Bỉ, nằm dưới quyền kiểm soát của công ty DMM (Nhật Bản) từ ngày 17/11/2018. Trong mùa giải 2018/2019, CLB có 5 cầu thủ Nhật Bản chuyển tới thi đấu. Theo giới chuyên môn, Sint-Truidense VV đang đặt mục tiêu mở rộng thị trường ở châu Á, đặc biệt ở Nhật Bản. Quyết định mua Công Phượng cũng bắt đầu từ đây.
Sint-Truidense V.V được thành lập từ năm 1924. Sân nhà là SVĐ Stayen với sức chứa 14.600 người. Ở mùa giải 2018/2019, Sint-Truidense VV xếp thứ 7/16 với 47 điểm sau 30 trận đấu tại Giải VĐQG Bỉ. Họ chỉ kém 2 điểm so với đội xếp trên và lỡ tấm vé tham dự vòng play-off tranh cúp vô địch.
Bầu Đức phủ nhận quyết liệt việc Công Phượng ra nước ngoài chỉ để quảng cáo
Chủ tịch CLB HAGL nói: "Đây hoàn toàn là hợp đồng mang tính chuyên môn, không có thương mại. HAGL làm nông nghiệp, công ty sở hữu Sint-Truidense V.V làm thương mại điện tử bên Bỉ thì đâu có bán về đây. Giao lưu kinh doanh với nhau kiểu gì? Người dân Bỉ cũng mấy ai biết đến Công Phượng mà nói đến tính thương mại?".