Ông Park có tin ở thánh thần?

HUỲNH ĐĂNG , 16:28 14/12/2018 | Bóng đá Việt Nam

Chia sẻ

Trong bóng đá đôi khi vẫn có những chuyện kiêng kỵ, cao hơn là cúng bái, phong thuỷ. Còn với ông Park Hang-seo, người đã đưa ĐT Việt Nam vào đến chung kết AFF Cup 2018, liệu có bao giờ tin ở thánh thần?

Trước buổi tập đầu tiên của ĐT Việt Nam sau khi trở về từ Malaysia để chuẩn bị cho trận chung kết lượt về AFF Cup 2018, HLV Park Hang-seo đã đứng ở một góc sân và đưa hai tay lên và nhắm mắt giống như cầu nguyện một điều gì đó. 

Đây là hình ảnh đã được ông làm trong suốt giải đấu năm nay. Cứ đi đến sân vận động của các quốc gia nơi ĐT Việt Nam thi đấu, ông đều thực hiện hành động cầu nguyện như vậy. Ở trận chung kết lượt đi, trong buổi tập làm quen sân Bukit Jalil, ông Park là người xuất hiện đầu tiên trên thảm cỏ xanh của sân bóng có sức chứa hơn 80.000 chỗ ngồi và đứng giơ tay lên nhắm mắt cầu nguyện. 

Ông Park có tin ở thánh thần? - Ảnh 1.

HLV Park Hang-seo cầu nguyện trên sân Bukit Jalil

 Tôi là một người thường quan sát ông Park rất kỹ trước mỗi trận đấu của ĐT Việt Nam hay U23 Việt Nam trước đây, bất kể ở giải chính thức hay giao hữu, cứ sau màn chào cờ, hát quốc ca, ông Park lại ngồi nhắm mắt, cúi mặt trong cabin một lúc lâu trước khi trọng tài bắt đầu trận đấu.

Những hình ảnh đó khiến nhiều người đặt ra câu hỏi, liệu ông Park có tin ở tâm linh và thánh thần? Và vì sao ông thường có thói quen "cầu nguyện" như vậy? Điều này khiến tất cả liên tưởng đến một giả thuyết là ông Park đến từ một quốc gia phương Đông, có nền văn hoá phần nào tương đồng với Việt Nam. Và dù một người vô thần đi chăng nữa thì những hành xử văn hoá theo chuyện "có thờ có thiêng, có kiêng có lành" là một trong những liệu pháp tâm lý cân bằng cuộc sống. Và với ông Park, ở một khía cạnh nào đó có thể hiểu theo lập luận này. 

Nhưng ở một giả thiết khác, nếu ông Park là người tín tâm thì đó cũng là chuyện hết sức bình thường của một người sinh ra và lớn lên trong cái nôi của văn hoá phương Đông. Nhưng cũng chẳng riêng gì ông Park có niềm tin ở thánh thần. Trước đây, khi HLV Calisto dẫn dắt ĐT Việt Nam, trước những thời khắc quan trọng ở các giải đấu lớn, ông vẫn có thói quen đi nhà thờ cầu Chúa. Với một người đến từ phương Tây thì việc cầu may cũng không phải ngoại lệ. Như ở chức vô địch AFF Cup 2008 thì ông Calisto và ĐT Việt Nam đúng là may thật. Chính những người trong cuộc cũng phải thừa nhận điều này khi chúng ta vượt qua cửa tử trong những thời khắc quan trọng.

4_tuyen_vietnam_di_tham_chua_vang_truoc_them_aff_cup_2016_zing
4_tuyen_vietnam_di_tham_chua_vang_truoc_them_aff_cup_2016_zing
1_tuyen_vietnam_di_tham_chua_vang_truoc_them_aff_cup_2016_zing
1_tuyen_vietnam_di_tham_chua_vang_truoc_them_aff_cup_2016_zing

Đội tuyển Việt Nam trước đây cũng duy trì thói quen cầu nguyện trước các trận đánh lớn. 

Trước đây, dưới thời HLV Miura, mỗi khi ĐTQG và U23 Việt Nam tham dự các giải đấu lớn vẫn thường đến thắp hương tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Bắc Sơn và nhà riêng của cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Hay như HLV Hữu Thắng, khi cầm quân đến Myanmar tham dự AFF Cup 2016 cũng nhất định phải cho cầu thủ di Chùa Vàng thắp hương cầu may.

Dẫn ra một vài câu chuyện ấy để thấy được rằng, việc cầu may trong bóng đá không phải điều gì đó ghê gớm hay bị quy kết là mê tín dị đoan. Nếu như ông Park có tin ở chuyện tâm linh, thần thánh thật đi chăng nữa thì đó cũng là một lẽ bình thường. Đặc biệt, trong bóng đá thì đôi khi may mắn lại quyết định thành bại của một đội tuyển. 

Tuy nhiên, tất cả chúng ta đều thừa nhận rằng, cho đến thời điểm hiện tại, ông Park vẫn chưa thực sự nhận được một sự may mắn rõ rệt nào ở các trận đấu đã qua. Tất cả các vấn đề chuyên môn đều được ông tính toán khá kỹ lưỡng. Và cũng không nên nghĩ rằng chuyện cầu nguyện có thể thay đổi được điều gì trong bóng đá. Hãy nghĩ rằng, việc ông cầu nguyện chính là liệu pháp tâm lý trấn an cho chính mình.