Chỉ riêng việc chuyển từ môn thi nghiệt ngã 3.000 m vượt chướng ngại vật sang 2 môn "đạp chạy" trên cung đường dài tổng cộng 55 km cũng đã nói lên ý chí của tuyển thủ quê Bắc Giang này. Lúc chơi điền kinh chỉ cam phận "bạc" khi có đến 3 lần về nhì ở các kỳ SEA Games 2013, 2015 và 2017, anh quyết định rời đội tuyển quốc gia vào cuối năm 2017 rồi quyết định thử sức mình ở duathlon - một trong 2 môn thể thao Olympic mà Việt Nam mới phát triển.
Tưởng "làm chơi" để thỏa mãn đam mê lẫn "máu" điền kinh vẫn chảy tràn trong huyết quản nhưng Phạm Tiến Sản lại "ăn thật". Tại SEA Games 31 diễn ra trên sân nhà, anh hỏi mượn chiếc xe chuyên dùng trị giá hàng trăm triệu đồng để luyện tập và bất ngờ thành công với tấm HCV, trở thành nhà vô địch Đông Nam Á.
Phạm Tiến Sản lần thứ nhì đăng quang tại SEA Games. (Ảnh: CHI NGUYÊN)
Được các nhà chuyên môn đặt kỳ vọng cho mục tiêu chinh phục "vàng" lần này, Phạm Tiến Sản đã có sự chuẩn bị rất công phu bằng việc đi tập huấn rất nhiều nơi với nhiều địa hình khác nhau, từ Đà Lạt, Phan Thiết đến Kiên Giang - địa điểm gần với tỉnh Kep ở Campuchia, nơi diễn ra các cuộc tranh tài 3 nội dung aquathlon, duathlon và triathlon ở SEA Games 32.
Xuất phát bằng chạy bộ 10 km, đạp xe 40 km rồi tiếp tục chạy bộ 5 km về đích, mọi việc cứ tuần tự diễn ra theo đúng dự tính của nhóm "Ironman" (người sắt) - biệt danh của các VĐV chơi duathlon hay triathlon. Với riêng Phạm Tiến Sản, phải có điều gì đó để nói về chiến công của anh và lần này vẫn liên quan đến chiếc xe đạp như mùa trước.
Khi cùng các đối thủ chuẩn bị bước vào thi đấu, tuyển thủ sinh năm 1991 mới phát hiện xe đạp của mình bị... xẹp lốp. Rất bình tĩnh do đã dự kiến đến rất nhiều tình huống, Phạm Tiến Sản cùng Ban Huấn luyện và bộ phận kỹ thuật giải quyết sự cố rất nhanh, chỉ trong vòng vài phút và xuất phát kịp giờ.
Mọi việc sau đó diễn ra như tất cả đã biết khi người mạnh nhất đã giành chiến thắng. Phạm Tiến Sản một lần nữa cùng duathlon mang vinh quang về cho thể thao Việt Nam sau khởi đầu vô vàn trắc trở với điền kinh.